Ngày 14/3, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới về quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19, một trong những nội dung mới đáng chú ý là người mắc Covid-19 được khẳng định nhiễm bệnh bằng xét nghiệm PCR hoặc test nhanh do bản thân hay người chăm sóc tự làm tại nhà hoặc do nhân viên y tế, cơ sở y tế thực hiện.
Bên cạnh tiêu chí này, bệnh nhân điều trị tại nhà là F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi, tiêu chảy, chảy mũi, mất khứu giác, mất vị giác, nhịp thở bình thường theo tuổi, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời, không có dấu hiệu khó thở, không suy hô hấp; F0 không mắc bệnh nền hoặc mắc bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.
Bệnh nhân có thể tự chăm sóc bản thân (như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh...) và theo dõi tình trạng sức khỏe. Ngoài ra, F0 cần có khả năng liên lạc với nhân viên y tế và sẵn các phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính... để được nhân viên y tế hướng dẫn và xử trí khi có tình trạng cấp cứu.
Trường hợp người mắc Covid-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc phù hợp.
Trước đó ngày 28/12, Bộ Y tế có công văn cho phép các địa phương, đơn vị dùng kết quả test nhanh kháng nguyên để xác định ca mắc Covid-19. Theo đó, ca bệnh nghi ngờ nếu có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 được coi là ca bệnh Covid-19. Điều kiện cho việc khẳng định này là test nhanh do Bộ Y tế cấp phép; việc test do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.
Dẫn nguồn trên báo Sức khỏe v& đời sống, ông Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc CDC Hà Nội cho biết để có kết quả test nhanh chính xác, trước hết, cần lựa chọn mua đúng loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế cấp phép. Sau khi lựa chọn các loại test nhanh được cấp phép, người dân cần tuân thủ các bước theo đúng hướng dẫn kèm theo bộ test tùy nhà sản xuất, bao gồm: Lấy mẫu đúng, thao tác đúng và xử lý rác thải đúng.
Hiện nay số lượng F0 chăm sóc và điều trị tại nhà chiếm đa số các bệnh nhân mắc Covid-19 tại tất cả các địa phương. Bộ Y tế và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn sử dụng thuốc điều trị Covid-19. Trong đó ưu tiên những người thuộc đối tượng chống chỉ định cần được tư vấn, thăm khám (kể cả trực tuyến) để đảm bảo sử dụng thuốc được an toàn. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai báo ca bệnh tại cộng đồng, hỗ trợ triển khai các thủ tục, chính sách đối với người nhiễm bệnh và mua thuốc điều trị Covid-19.
Nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ điều trị Covid-19, dự phòng cơ số thuốc kháng virus, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19, vật tư y tế cần thiết… tại các trạm y tế phường, xã, trạm y tế lưu động nhằm đáp ứng nhu cầu tự điều trị Covid-19 tại nhà của người dân và giảm tải cho các cơ sở y tế, bệnh viện tuyến trên. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn hỗ trợ người dân tự điều trị tại nhà.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm vaccine; tăng cường vận động người dân tiêm vaccine phòng Covid-19, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát và tổ chức tiêm liều cơ bản và liều bổ sung cho người trên 50 tuổi, người có bệnh nền đến khám bệnh, chữa bệnh, sau khi đã tiêm đủ liều cơ bản thì triển khai tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại theo thứ tự ưu tiên; chủ động tiếp cận trước các nguồn vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi (trước mắt là vaccine phòng Covid-19 Pfizer theo đa số quốc gia trên thế giới).
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm