Bức tranh tài chính u tối.
Công ty Cổ phẩn Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang (MCK: VLA) được chính thức giao dịch phiên đầu tiên trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội vào ngày 4/8/2011. Doanh nghiệp do ông Nguyễn Thành Tiến được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT từ năm 2020, tập trung kinh doanh đào tạo kỹ năng tư duy, marketing, bán hàng, giao tiếp, lãnh đạo, quản lý tài chính, quản lý thời gian; đào tạo kỹ năng nói trước công chúng.
Về kết quả kinh doanh quý 1/2024, Văn Lang ghi nhận doanh thu 988 triệu đồng, giảm tới 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong kỳ, hơn 950 triệu đồng doanh thu đến từ mảng đào tạo, chiếm 96% tổng doanh thu cả quý 1 2024 của công ty. Lợi nhuận gộp chỉ vỏn vẹn 73 triệu đồng. Sau khi trừ đi thêm các chi phí và thuế, doanh nghiệp của ông Tiến lỗ tới hơn 1,5 tỷ đồng.
Văn Lang cho biết do sự sụt giảm đáng kể lượng học viên tham gia các khóa học dẫn tới doanh thu giảm mạnh.
Năm 2024, công ty đề ra mục tiêu doanh thu 20 tỷ đồng và 3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả này, Công ty mới chỉ hoàn thành 4,9% mục tiêu doanh thu và đi lùi vạch xuất phát đối với mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
Dạy đầu tư nhưng lại gặp khó khi đầu tư.
Nhìn cả quá trình hoạt động của Công ty Văn Lang có thể thấy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này ngày càng thua lỗ. Giai đoạn 2010 - 2019, Công ty đạt doanh số từ 7 - 13 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận dao động từ 1,1 - 3,2 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, Văn Lang hoạt động trong mảng truyền thống là xuất bản sách, in ấn, phát hành, buôn bán máy tính và thiết bị giáo dục…, với khách hàng hầu hết là những công ty con hoặc công ty liên quan của Nhà xuất bản Giáo dục.
Từ tháng 7/2020, khi ông Nguyễn Thành Tiến được bổ nhiệm làm chủ tịch HĐQT, giấy phép kinh doanh của VLA thay đổi theo hướng cắt bớt các mảng kinh doanh truyền thống và mở thêm hoạt động đào tạo kỹ năng tư duy, marketing, bán hàng, giao tiếp, lãnh đạo, quản lý tài chính, đào tạo kỹ năng nói trước công chúng…
Đặc biệt dù triển khai nhiều khóa học đầu tư như "Chiến lược đầu tư bất động sản", "Khóa học siêu sao môi giới bất động sản"; Marketing 5.0; "Chiến lược đầu tư bất động sản"; "Bí quyết huy động vốn hiệu quả"… Thế nhưng khi đầu tư, doanh nghiệp này lại vướng phải rất nhiều khó khăn
Đơn cử là khoản đầu tư từ năm 2022 khi công ty mua lại một khách sạn tại Quảng Ninh trị giá 18 tỷ đồng nhưng gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi quyền sở hữu tài sản về Văn Lang, đồng thời hoạt động du lịch khách sạn bị ảnh hưởng lớn, kinh doanh gặp khó khăn.
Để xử lý khoản đầu tư kém hiệu quả trên, Ban Giám đốc đã đề xuất HĐQT họp ra nghị quyết để thanh lý hợp đồng mua khách sạn, thu hồi vốn và giải quyết các thủ tục bồi thường theo quy định.
Trong năm 2024, ngoài việc duy trì công tác đào tạo, tiếp tục mở rộng các khoá học như chiến lược đầu tư và bất động sản, trí tuệ doanh nghiệp, khoá học huy động vốn,... Công ty định hướng tập trung mạnh vào công tác đầu tư kinh doanh bất động sản, thị trường chứng khoán và các dịch vụ khác để tăng doanh thu, đồng thời bảo đảm đời sống việc làm thu nhập cho nhân viên và lãi cổ tức của các cổ đông.
Ngoài ra, công ty cũng tăng cường công tác dịch vụ tư vấn đầu tư bất động sản có thu phí, nghiên cứu triển khai dịch vụ tư vấn tài chính kinh doanh, môi giới bất động sản, tư vấn cấu trúc doanh nghiệp và các dịch vụ tài chính khác.
Bình luận
NSHoa Ngọc San
Tưởng thể nào chứ. Hoá ra các bố toàn ăn tục nói phét.