Chấp nhận đi vay số tiền lớn để con được ra nước ngoài
Chi phí để đi du học tự túc không phải là một con số nhỏ, ngoài những gia đình có điều kiện kinh tế hoặc do con tự giành được học bổng 100% thì đa phần phụ huynh sẽ phải có kế hoạch dự trù chi tiêu kỹ càng nếu muốn chu cấp cho con đi du học.
Đó là trường hợp của gia đình chị P.H (Hà Nội), một người mẹ đơn thân với thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, đang có 2 con đều đang độ tuổi đi học. Con lớn của chị hiện tại đang theo học chương trình đại học năm thứ 4 tại Anh.
Thời điểm ban đầu khi con chị H tâm sự rằng muốn đi du học, chị H đã thẳng thắn nói với con là gia đình không có đủ khả năng để chi trả nếu con muốn đi nước ngoài học dạng tự túc.
Nhưng sau đó, chứng kiến sự nỗ lực của con khi thành công nhận được suất học bổng trị giá 50%, chị H đã quyết định lên kế hoạch tính toán ngân sách thu chi tỉ mỉ để có thể đáp ứng được nguyện vọng của con.
"Gom tất cả số tiền tiết kiệm trong nhà lúc đó cũng chỉ được khoảng 250 triệu đồng, tôi phải đi vay thêm 200 triệu nữa từ người thân, bạn bè mới đủ số tiền lo học phí năm đầu, làm giấy tờ và các chi phí khác", chị H kể lại.
Trong suốt thời gian con lớn đi học ở nước ngoài, chị H chỉ chu cấp cho con tiền học phí. Về tiền sinh hoạt, chị chỉ chu cấp khoảng thời gian đầu khi con mới làm quen với cuộc sống nước ngoài. Sau đó, con chị H sẽ sắp xếp đi làm thêm để có thể tự trang trải chi phí sinh hoạt.
"Mặc dù kinh tế eo hẹp, thậm chí phải đi vay, nhưng tôi cảm thấy đó là khoản đầu tư xứng đáng cho cơ hội phát triển của con.
Giúp con được thụ hưởng nền giáo dục tốt và phát triển kỹ năng sống của con. Tôi luôn cố gắng động viên và giải thích để con hiểu bản thân phải nỗ lực rất nhiều so với các bạn có điều kiện gia đình khá hơn.
Tôi hi vọng con học được cách tự lập và chịu trách nhiệm với con đường mà con đã chọn", chị H bày tỏ.
Đi du học khi không nắm vững kinh tế là tạo áp lực cho con
Chị Trần My Hiền (TPHCM) có cả hai con đều đang đi du học đại học ở Châu Âu cho rằng vấn đề tài chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định có nên cho con đi du học hay không.
"Du học hay không, nên du học ở thời điểm cấp 3, đại học, hay sau đại học nên để con quyết định chứ không nên là mong muốn của ba mẹ.
Bởi nếu con không thích nghi, sốc văn hóa, nhất là con phải đi làm bươn chải kiếm tiền đóng học phí nữa thì dễ dẫn đến trầm cảm, học hành giảm sút.
Nghĩ đến đó là mình thấy tội các con. Trong trường hợp con còn nhỏ càng không nên đi du học sớm bởi còn thiếu khả năng tự lập", chị Hiền bày tỏ.
Chị Hiền cho biết đã từng chứng kiến không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra khi con trẻ ra nước ngoài học tập nhưng không "trụ" lại nổi. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc bố mẹ và con cái chưa chuẩn bị kỹ và chưa hoàn toàn thấu hiểu lẫn nhau mà đã quyết định du học.
"Phụ huynh không nên đánh đổi hoặc đánh cược thứ gì vì tin vào cơ hội rộng mở nơi xứ người. Biến con thành người mà bố mẹ mong muốn hoặc là một bản sao tài giỏi nào đó", chị Hiền chia sẻ.
Đồng quan điểm với chị Hiền, anh N.V.T (Hà Nội) chia sẻ đối với mục tiêu cho con đi du học, bất cứ gia đình nào cũng nên chọn con đường tối ưu nhất.
Con đường tối ưu đó phải đáp ứng dựa trên các tiêu chí như: điều kiện tài chính của gia đình, năng lực học tập của con và quan trọng nhất là mong muốn của con.
Có định hướng cho con đi du học nên ngay từ những cấp học nhỏ, anh T đều cho con theo học tại trường quốc tế và vạch ra kế hoạch cụ thể thời điểm con học cấp 3 hoặc thi đại học sẽ ra nước ngoài học tập.
Tuy nhiên, khi con anh T học lớp 12 đã bày tỏ nguyện vọng được học tập ở một trường đại học chuyên ngành kinh tế tại Hà Nội bởi chưa sẵn sàng cho việc du học, dù mọi điều kiện chuẩn bị cho việc du học đã đầy đủ.
"Một số phụ huynh thường quên mất việc quan tâm đến mong muốn của con khi bàn về vấn đề du học. Con có thích đi không hay con muốn ở Việt Nam để trải nghiệm những điều khác?
Như con tôi đã bày tỏ thẳng thắn là muốn ở lại Việt Nam để học hỏi và tích lũy thêm kinh nghiệm qua việc trải nghiệm các hoạt động.
Con tâm sự sẽ đi du học chương trình sau đại học, sau đó sẽ tùy theo cơ hội phát triển cụ thể để ở lại nước ngoài hoặc về Việt Nam làm việc.
Tôi tôn trọng ý kiến của con bởi việc con chia sẻ suy nghĩ chứng tỏ con có khả năng độc lập và có thể tự chịu trách nhiệm về quyết định của bản thân", anh T cho biết.
Quan điểm của anh T là cho con du học sớm hoặc du học khi gia đình chưa đủ tiềm lực không phải là một xu hướng hợp lý.
Đối với trường hợp cho con đi du học quá sớm, không những không đạt được hiệu quả như mong muốn, mà còn phản tác dụng.
Trường hợp cố gắng cho con đi du học mà chưa chắc chắn về khả năng đảm bảo cho chi phí cuộc sống du học nơi xứ người cũng không phù hợp. Bởi vô hình chính bố mẹ sẽ tạo nên áp lực cho con, về cả kinh tế và học tập.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm