I. Tác dụng của muối chữa nhiệt miệng
Nhiệt miệng sẽ làm chúng ta rất khó chịu, ăn không ngon, mà nói cũng khó. Thông thường sau khoảng 1 tuần hoặc lâu hơn các vết loét sẽ tự lành. Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể giảm nhanh cảm giác khó chịu bằng một số biện pháp đơn giản tại nhà.
Thay vì vội dùng thuốc vừa tốn kém lại gây ra những tác dụng phụ. Nhiều người khi bị nhiệt miệng đã áp dụng cách đơn giản là sử dụng muối. Mặc dù muối không giúp bạn giảm đau ngay lập tức, thậm chí do có vị mặn nên khi mới xát muối vào chỗ nhiệt miệng bạn còn có cảm giác xót đau nhưng nó là phương thuốc hiệu quả.
Theo Đông y, muối có vị mặn, tính hàn, đặc tính sát khuẩn cao nên kháng viêm, tiêu diệt vi khuẩn tốt.
Bên cạnh đó, các khoáng chất trong muối giúp trung hòa nồng độ axit trong khoang miệng. Từ đó giúp các vết loét nhanh khô, lành lại. Những người hay gặp các vấn đề về răng miệng sâu răng, viêm nướu lợi cũng nên súc miệng nước muối thường xuyên.
II. Các cách sử dụng muối chữa nhiệt miệng
Có 2 cách sử dụng muối để chữa nhiệt miệng, áp dụng 2 - 3 lần/ ngày.
1. Xát muối vào chỗ nhiệt miệng
Đây là cách đơn giản nhất nhưng vì muối mặn nên khi xát vào chỗ loét sẽ thấy rất xót. Tuy nhiên chịu khó chỉ sau một lát, cơ thể sẽ quen dần và thấy đỡ xót hơn. Muối diệt mầm bệnh vi khuẩn, nấm, ngừa viêm nhiễm. Kiên trì áp dụng đều đặn, vết loét sẽ se lại và lành sau khoảng một vài ngày.
Cách thực hiện như sau:
- Trước tiên hãy súc miệng sạch cho cuốn trôi đi thức ăn thừa còn đọng lại trong khoang miệng.
- Sau đó xát một ít muối lên chỗ viêm loét và ngậm lâu một chút để muối thẩm thấu vào bên trong.
- Sau cùng súc miệng lại với nước sạch cho khoang miệng sạch sẽ.
- Thực hiện một vài lần trong ngày cho tới khi các vết loét dần dần se lại, dịu đi.
2. Súc miệng bằng nước muối loãng
Cách này sẽ đỡ xót hơn so với khi xát muối vào chỗ nhiệt miệng trực tiếp. Bạn có thể pha loãng nước muối để ngậm và súc miệng. Nước muối giúp sát trùng, kháng khuẩn không chỉ tốt cho nhiệt miệng mà ngừa các bệnh hô hấp rất tốt.
Cách thực hiện như sau:
- Hòa tan 5 gram muối (tương đương 1 thìa cà phê) trong 250ml nước ấm.
- Ngậm hoặc súc nhẹ trong khoảng gần 1 phút, sau đó nhổ ra.
- Cứ cách khoảng vài giờ lại súc miệng trở lại.
- Để tiện lợi bạn có thể mua dùng chai nước muối sinh lý tại các nhà thuốc để súc miệng.
- Thực hiện từ 3 - 5 lần trong ngày để nhanh lành.
III. Những lưu ý khi xát muối vào chỗ nhiệt miệng
Muối là gia vị cơ bản luôn có sẵn trong mỗi nhà nên chúng ta không phải mất công tìm kiếm, thực hiện nhanh chóng, dễ dàng. Tuy nhiên các bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Đều đặn thực hiện liên tục xát muối vào chỗ nhiệt miệng trong vòng vài ngày, mỗi ngày tối thiểu từ 2 - 4 lần để có hiệu quả tốt nhất. Những chỗ nốt loét nhiệt miệng dần biến mất, việc ăn uống, trò chuyện cũng thoải mái, dễ dàng hơn.
- Trị nhiệt miệng bằng muối chỉ có tác dụng đối với trường hợp nhẹ. Còn khi vết loét nhiệt miệng sâu, kích thước rộng, muốn nhanh khỏi cũng như tránh bị viêm nhiễm bạn nên chọn cách khác như sử dụng thuốc tham khảo hướng dẫn từ bác sĩ, dược sĩ.
- Ngoài sử dụng muối để chữa nhiệt miệng thì chúng ta có thể dùng các cách khác với nguyên liệu dễ tìm, tự nhiên như mật ong, bột sắn dây, nước ép củ cải, nước khế chua… giúp giải độc, thanh nhiệt, mát dịu cơ thể, chữa nhiệt miệng tốt.
- Trong thời gian trị nhiệt miệng, tránh ăn đồ ăn cay nóng, bia rượu, gia vị cay, ớt, tiêu. Ăn thực phẩm giàu vitamin, rau xanh, trái cây, đồ ăn mềm. Uống nhiều nước mỗi ngày.
- Hằng ngày vệ sinh răng miệng đúng cách. Súc miệng bằng nước muối loãng hay dùng thêm các nước ngậm thảo dược kháng khuẩn, tiêu viêm giúp khoang miệng sạch sẽ.
Xát muối vào chỗ nhiệt miệng là một trong những cách đơn giản bạn có thể lựa chọn để trị nhiệt miệng. Trong trường hợp không đỡ hãy tới gặp dược sĩ để được tư vấn tìm ra phương pháp phù hợp.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm