I - Rối loạn tiền đình là như thế nào?
Rối loạn tiền đình là tình trạng bệnh lý khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng cơ thể, cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, đi lảo đảo... Bệnh có xu hướng tái phát thường xuyên, gây ảnh hưởng lớn đến công việc và cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
II - Các kiểu rối loạn tiền đình thường gặp
1. Rối loạn tiền đình trung ương
Rối loạn tiền đình có nguồn gốc trung ương xảy ra khi hệ thống tiền đình ở hệ thần kinh trung ương xuất hiện những tổn thương. Tỷ lệ mắc rối loạn tiền đình trung ương tuy không cao nhưng triệu chứng không nhiều và không quá rõ rệt như rối loạn tiền đình ngoại biên, khó điều trị và để lại di chứng nguy hiểm hơn.
2. Rối loạn tiền đình ngoại biên
Đây là dạng rối loạn ở tiền đình phổ biến, thường gặp ở 90 - 95% ca bệnh. Bệnh nhân thường có các triệu chứng vô cùng rõ rệt như mất thăng bằng, chóng mặt, hoa mắt trong thời gian ngắn khi thay đổi tư thế của đầu và thân mình. Đối với những trường hợp nặng, ngoài chóng mặt dữ dội, bệnh nhân còn bị ù tai, nôn mửa, giảm khả năng nghe, giảm nhịp tim, vã mồ hôi. Tuy nhiên, đa số các ca rối loạn tiền đình ngoại biên đều dễ điều trị hơn so với rối loạn từ trung ương và không gây nguy hại đến tính mạng.
III - Những đối tượng dễ gặp hiện tượng rối loạn tiền đình
Hiện tượng rối loạn tiền đình có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, giới tính và thể trạng sức khỏe khác nhau, nhưng phổ biến hơn cả là 3 nhóm đối tượng sau:
1. Người lớn tuổi
Tuổi tác là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định đến nguy cơ mắc rối loạn tiền đình. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỷ lệ xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh lý này là 35%. ở những người trên 40 tuổi và lên đến 50% với độ tuổi trên 65. Đặc biệt, rối loạn tiền đình có khả năng tái diễn nhiều lần ở những người đã có tiền sử thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt.
2. Người thường xuyên bị căng thẳng
Có một sự thật đáng buồn rằng, hội chứng rối loạn tiền đình đang có xu hướng gia tăng và "trẻ hóa". Nguyên nhân xuất phát từ môi trường làm việc căng thẳng, áp lực, người bệnh phải đối diện với chứng stress trong thời gian dài, từ đó dẫn đến hệ thần kinh, cụ thể là dây thần kinh số 8 bị tổn thương, khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin trở nên kém nhanh nhạy, chính xác.
3. Phụ nữ đang mang thai
Tình trạng ốm nghén, chán ăn trong những tháng đầu của thai kỳ khiến thai phụ bị mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu máu lên não và thường xuyên rơi vào trạng thái chóng mặt, choáng váng. Hội chứng rối loạn tiền đình khi mang thai còn có thể xảy ra do sự thay đổi về mặt tâm sinh lý, đặc biệt là các chị em có thai lần đầu.
IV - Nguyên nhân gây rối loạn tiền đình
Một số yếu tố tác nhân có thể gây ra loại bệnh lý này bao gồm:
- Bị huyết áp thấp, xơ vữa động mạch, rối loạn tuần hoàn máu và các bệnh lý tim mạch dẫn đến thiếu máu não.
- Nhiễm virus Zona, quai bị, thủy đậu làm liệt dây thần kinh tiền đình.
- Stress, căng thẳng, mất ngủ, thường xuyên phải chịu áp lực tâm lý cao, ít vận động.
- Di chứng của các bệnh như viêm tai giữa, u não, u dây thần kinh...
- Thể trạng cơ thể quá béo hoặc quá gầy.
- Ô nhiễm môi trường sống.
Đặc biệt, theo thống kê, có tới 90% các trường hợp rối loạn tiền đình là do thiếu máu lên não, thiếu máu đến hệ tiền đình, hệ tiền đình bị suy giảm chức năng gây ra tình trạng bị rối loạn.
V - Chẩn đoán rối loạn tiền đình như thế nào?
Các bác sĩ sẽ thực hiện khai thác thông tin từ bệnh sử và quá trình khám lâm sàng để chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh, xác định nguyên nhân chính gây bệnh và phương pháp điều trị hợp lý.
Một số xét nghiệm có thể được thực hiện:
- Ghi điện rung giật nhãn cầu (ENG) nhằm theo dõi chuyển động bình thường và tự phát nhanh của mắt, đánh giá khả năng phản ứng của mắt, tai, não trong việc giữ cân bằng khi người bệnh thay đổi tư thế từ đứng sang nằm, kiểm tra sự bất thường ở tai, não và các dây thần kinh kết nối giữa 2 bộ phận.
- Đo âm ốc tai (OAE) nhằm xác định và đánh giá mức độ tổn thương ở tế bào lông trong ốc tai bằng cách đặt microphone siêu nhỏ vào ống tai ngoài để ghi lại âm thanh phát từ tai, kết hợp với hoạt động đo nhĩ lượng.
- Chụp cộng hưởng MRI hoặc chụp cắt lớp vi tính CT để loại bỏ nguyên nhân rối loạn tiền đình, đặc biệt là rối loạn từ trung ương do u hoặc bất thường ở mô mềm trong não
- Xét nghiệm xoay vòng giúp đánh giá mức độ phối hợp về chức năng của mắt và tai trong.
VI - Những biến chứng khi bị rối loạn tiền đình
Tuy không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, nhưng rối loạn tiền đình lại có diễn biến thất thường, có thể xảy ra trong thời gian ngắn hoặc tái diễn nhiều lần. Người bệnh sẽ gặp khó khăn trong sinh hoạt và công việc, khó tập trung, khả năng ghi nhớ kém, nghe kém, hoa mắt, đi lại lảo đảo gây té ngã, gây chấn thương hoặc thậm chí là tử vong. đột quỵ là biến chứng nghiêm trọng và khó điều trị nhất của tình trạng này.
VII - Các cách điều trị chứng rối loạn tiền đình
Sau khi đã tiến hành các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán tình trạng bệnh lý và xác định nguyên nhân chính xác dẫn đến rối loạn tiền đình, bác sĩ có thể đưa ra phương án điều trị cụ thể thích hợp với từng thể trạng khác nhau.
- Phục hồi chức năng: Cho bệnh nhân thực hiện các bài tập phối hợp giữa mắt, đầu và cơ thể, được thiết kế chuyên biệt giúp rèn luyện chức năng cho não, tăng cường khả năng nhận biết, xử lý tín hiệu từ hệ tiền đình. Một số bài tập còn có tác dụng cải thiện lưu thông máu lên não, giảm căng thẳng và góp phần rút ngắn thời gian điều trị bệnh.
- Xoa bóp, bấm huyệt: Tác động vào các huyệt giữa 2 lông mày, trán, thái dương, ổ mắt, tai và vùng đầu, hoặc ấn day trực tiếp vào điểm đau cụ thể. Duy trì thực hiện hàng ngày sẽ giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu, thoải mái và có tác dụng hiệu quả trong việc cải thiện tình trạng bệnh.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt: Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho khẩu phần ăn hàng ngày, tăng cường thực phẩm giàu vitamin B3, B6, C, D chất xơ và giảm các món nhiều dầu mỡ, chế biến nhanh.
- Ngâm chân: Pha các loại hương liệu như gừng, sả, lá trà tươi trong nước ấm khoảng 45 độ, ngâm chân trong khoảng 15 phút và dùng tay massage nhẹ nhàng. Nên thực hiện sau bữa ăn ít nhất 1 tiếng.
Đối với những trường hợp không có phản ứng tích cực với các phương pháp điều trị trên, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để loại bỏ trực tiếp nguyên nhân gây bệnh. Thời gian điều trị phụ thuộc vào nguồn gốc, mức độ, khả năng đáp ứng với hoạt động điều trị của từng bệnh nhân. Thời gian phục hồi thường kéo dài từ vài ngày đến vài tháng.
VIII. Lưu ý để phòng tránh, hạn chế rối loạn tiền đình
Bạn hoàn toàn có thể phòng tránh hoặc hạn chế tối đa nguy cơ mắc rối loạn tiền đình bằng việc áp dụng một số phương pháp cực kỳ đơn giản như:
- Xây dựng chế độ sinh hoạt, ăn uống và nghỉ ngơi điều độ, hợp lý.
- Tránh làm việc quá sức, không ngồi quá lâu trước màn hình máy tính.
- Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là các bài tập vật lý trị liệu để gia tăng khả năng thích nghi của cơ thể khi thay đổi tư thế, tập duy trì trạng thái cân bằng cho cơ thể khi đi, đứng, xoay người.
- Không sử dụng rượu, bia và các chất kích thích, uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày.
- Không đọc sách, báo khi đi ngồi tàu xe.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Rối loạn tiền đình là tình trạng bệnh lý phổ biến có thể xảy ra với bất kỳ ai. Chính vì thế, việc xác định chính xác nguyên nhân, triệu chứng gây bệnh cũng như thực hiện các biện pháp điều trị, phòng tránh là vô cùng cần thiết. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ bị rối loạn tiền đình, hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm