Theo TTXVN, ngày 17/5, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người dân sinh sống trên địa bàn thành phố. Theo kế hoạch, có 3 đối tượng được tiêm gồm: Người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến nặng; người thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 (cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu chống dịch, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp).
TP.HCM dự kiến bắt đầu tiêm mũi 4 ngay khi được Bộ Y tế cung ứng vắc xin theo nguyên tắc đơn vị nào chuẩn bị sẵn sàng và bảo đảm an toàn tiêm chủng thì triển khai. Loại vắc xin được sử dụng là vắc xin mRNA (vaccine do Hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất); vaccine do AstraZeneca sản xuất, vắc xin cùng loại với mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3).
Khoảng cách tiêm mũi 4 ít nhất là 4 tháng sau khi tiêm mũi 3; riêng người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3, trì hoãn tiêm chủng 3 tháng kể từ ngày mắc.
Đối với người lao động đang làm việc hoặc đang điều trị nội trú tại đơn vị sẽ được tổ chức tiêm tại bệnh viện. Các trường hợp di chuyển khó khăn hoặc không thể di chuyển đến các điểm tiêm sẽ được hỗ trợ tiêm tại nhà. Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện cũng tổ chức các điểm tiêm lưu động trên từng địa bàn.
Liên quan đến vấn đề những đối tượng nên tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 4, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM trao đổi trên Lao động cho biết, theo nghiên cứu ở Israel, những người trên 60 tuổi được tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi 4 khi nhiễm bệnh tỷ lệ chuyển nặng giảm rất nhiều so với người mới tiêm 3 mũi vaccine. Đồng thời, với những người trên 60 tuổi, hệ miễn dịch suy giảm nhanh nên việc bổ sung tiêm mũi vaccine thứ 4 là điều cần thiết.
Về đối tượng có nguy cơ bị phơi nhiễm (nhân viên y tế, cán bộ tuyến đầu chống dịch, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp), PGS.TS Đỗ Văn Dũng dẫn chứng, cách đây một tuần, một nghiên cứu trên thế giới cho thấy, việc tiêm mũi vaccine thứ 4 cho nhân viên y tế không làm giảm tỉ lệ mắc bệnh và Covid-19 vẫn lây lan. Tuy nhiên, việc tiêm mũi 4 có tác dụng giảm nguy cơ tử vong, chuyển nặng khi nhiễm.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, ở các nước Châu Âu như Mỹ, đối tượng trẻ trên 12 tuổi có bệnh nền có thể bị giảm miễn dịch (nếu bị ung thư có hóa trị, bệnh lý tự miễn điều trị corticoid...) sẽ được tiêm vaccine mũi 4. Điều này ở Việt Nam chưa có. Tuy nhiên, đối tượng trẻ em tỉ lệ chuyển nặng vẫn thấp hơn người lớn nhiều nên việc tiêm vaccine giai đoạn này cần thêm thời gian.
Trao đổi trên báo điện tử VTV News, TS.BS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: "Mũi thứ 4 vaccine phòng Covid-19 đặc biệt giá trị với nhóm đối tượng có tình trạng suy giảm miễn dịch, có bệnh lý nền, người có tình trạng suy kiệt… Mũi 4 có ý nghĩa bảo vệ quan trọng".
Theo báo Sức khỏe & đời sống, trong ngày 16/5 có 338.133 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 217.377.159 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 197.312.030 liều: Mũi 1 là 71.468.040 liều; Mũi 2 là 68.690.974 liều; Mũi 3 là 1.506.133 liều; Mũi bổ sung là 14.809.689 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 40.807.362 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 29.832 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.412.044 liều: Mũi 1 là 8.922.636 liều; Mũi 2 là 8.489.408 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 2.653.085 liều: Mũi 1 là 2.652.133 liều; Mũi 2 là 952 liều.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm