Thông tin trên VTC News cho biết, theo Nghị định 81, từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025- 2026, mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự chủ được quy định theo từng khối ngành với mức 1,2 - 3,5 triệu đồng/tháng.
So với năm học 2021 - 2022 thì mức học phí năm học 2022 - 2023 tăng vọt (trừ khối ngành II, Nghệ thuật). Đặc biệt, khối ngành VI.2 (Y dược), tăng 71,3% (hiện ở mức trần 1,43 triệu đồng/tháng sẽ tăng lên thành 2,45 triệu đồng/tháng). Các khối ngành còn lại (trừ khối ngành II) hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%, riêng khối ngành IV (Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên) mức tăng vừa phải hơn, 15,3%.
Theo nghị định này, lộ trình tăng học phí của các trường còn phụ thuộc vào lộ trình thực hiện tự chủ. Bởi theo quy định, với cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ mức 1 (đảm bảo chi thường xuyên), học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí các trường chưa tự chủ nêu trên, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học.
Với cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ mức 2 (đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư), học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí các trường chưa tự chủ nêu trên.
Theo Lao động, học phí từ năm học tới ở nhiều trường Đại học dự kiến tăng. Tại Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự kiến 42 triệu đồng/năm, tăng 24,5% so với năm trước.
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đưa ra dự kiến mức học phí năm 2022 như sau, các ngành khác hệ đại trà tăng từ 276.000 đồng/ tín chỉ (chương trình toàn khóa 143 tín chỉ) lên 440.559 đồng/ tín chỉ; hệ chất lượng cao tăng từ 771.200 đồng/ tín chỉ (tạm tính, chưa bao gồm 13 tín chỉ Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng - An ninh) lên 1.321.677 đồng/ tín chỉ. Trong khi đó, các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) được miễn học phí.
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, học phí dự kiến cao nhất khoảng 44,4 triệu đồng đối với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. So sánh với mức học phí là 32 triệu đồng/ năm 2021, mức tăng này đã đạt đến 37,5%.Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tăng học phí đối với khóa tuyển sinh năm 2022. Mức thu dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2022-2023 là 4.200.000 đồng/ tháng, so với mức 3.500.000 đồng/ tháng cho khóa tuyển sinh năm 2021 đã tăng thêm 20%.
VietNamNet cho biết, một trường đào tạo Y, Dược khác là Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng dự kiến tăng học phí. Cụ thể, học phí ngành Răng Hàm Mặt chương trình tiếng Việt năm 2022 là 105 triệu đồng/học kỳ, trong khi mức cũ là 91 triệu đồng/học kỳ. Với chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, mức học phí tăng từ 110 triệu đồng/học kỳ lên mức 125 triệu đồng/học kỳ. Với các ngành học khác, mức tăng nhẹ hơn.
Theo VTC News, tại Đại học Bách khoa, hệ đại trà là 25 triệu đồng/năm (mức cũ là khoảng 12 triệu đồng). Còn lớp chất lượng cao tăng cường tiếng Anh là 66 triệu đồng (mức cũ khoảng 30 triệu đồng). Đại học Công nghệ thông tin cũng có mức thu 25-45 triệu đồng/năm tùy theo chương trình đào tạo.
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng đã công bố đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ. Cụ thể, học phí năm học 2022-2023 sẽ cao gấp đôi so với trước.
Với nhóm ngành Khoa học xã hội, từ 16 triệu đến 20 triệu đồng/sinh viên /năm học, nhóm ngành Ngôn ngữ và Du lịch 21-24 triệu đồng/sinh viên/năm. Riêng học phí chương trình chất lượng cao sẽ gấp ba lần mức trần học phí chương trình đại trà, dự kiến là 60 triệu đồng/sinh viên/năm.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm