1. Khí hư được tạo thành do đâu
Khí hư được tạo thành do tác động của nội tiết tố Estrogen, khí hư bình thường có màu trắng trong như lòng trắng trứng gà, dai và có thể kéo thành sợi, không có mùi hoặc mùi hơi tanh. Ở tất cả phụ nữ từ lúc bắt đầu dậy thì đến lúc mãn kinh đều có khí hư nhưng tính chất mỗi người là khác nhau.
Bởi vì khí hư bị ảnh hưởng bởi lượng Estrogen trong cơ thể nên có thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Cụ thể, khí hư thường ra nhiều ở trước thời kỳ rụng trứng, trước khi có kinh, khi mang thai hay khi đang có cảm hứng tình dục cao…
Vì vậy, chị em có thể quan sát khí hư để nhận biết những thời kỳ nhạy cảm của cơ thể, cũng từ đó quan sát tính chất khí hư để biết được cơ thể mình có bình thường hay đang có thể mắc bệnh lý phụ khoa.
Theo từng độ tuổi, lượng khí hư tiết ra giảm dần, càng vào thời kỳ tiền mãn kinh hay mãn kinh, nồng độ Estrogen suy giảm nên khí hư sẽ tiết ra ít hơn.
2. Nhận biết những dấu hiệu bất thường của vùng kín qua khí hư
Chị em có thể nhận thấy những thay đổi về số lượng, tính chất, cấu trúc và mùi của khí hư để đoán biết về sức khỏe vùng kín, cụ thể như:
- Bệnh nấm âm đạo: tác nhân gây bệnh thường là nấm Candida, bạn sẽ thấy khí hư ra nhiều, màu trắng đặc, vón cục như bã đậu hoặc vón cục như sữa chua, đóng thành mảng. Bệnh gây ngứa vùng kín, có thể có mùi hôi hoặc không.
- Viêm âm đạo do Trùng roi Trichomonas: khí hư có màu vàng xanh, vàng, loãng, có bọt và có mùi hôi, tanh.
- Viêm âm đạo do nhiễm tạp khuẩn: khí hư ra nhiều, có màu trắng xám, hơi loãng, mùi hôi tanh hay mùi cá ươn, đặc biệt sau khi quan hệ tình dục.
- Viêm cổ tử cung do Chlamydia: khí hư ra nhiều, màu vàng như màu mủ.
- Viêm lộ tuyến cổ tử cung: khí hư ra nhiều, màu vàng có tính chất tùy theo tác nhân gây bệnh tương tự như viêm âm đạo.
- Viêm phần phụ và ung thư cổ tử cung: khí hư ra lẫn máu, vùng kín ra máu bất thường có thể kèm theo đau bụng dưới.
3. Ngoài khí hư còn cách nhận biết dấu hiệu bệnh lý nào khác
Bên cạnh các dấu hiệu của khí hư, chị em có thể nhận biết những dấu hiệu bệnh lý như vùng kín bị ngứa, sưng đỏ, đau rát; đi tiểu buốt… Vì vậy, khi thấy những dấu hiệu này chị em nên đi khám chuyên khoa sản để được thăm khám và điều trị.
Thông thường, để chữa các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, các bác sĩ sẽ kê cho chị em các kháng sinh dạng uống và có thể kết hợp thuốc đặt tại chỗ.
Tuy nhiên, các phương pháp Tây y hiện nay khó điều trị tận gốc vì các kháng sinh bên cạnh việc diệt các vi khuẩn gây bệnh thì cũng diệt luôn cả vi khuẩn có lợi làm cho môi trường âm đạo bị mất cân bằng pH nên viêm nhiễm dễ quay trở lại, tạo thành một vòng luẩn quẩn. Chính vì thế, hiện nay, để ngăn ngừa bệnh tái phát, các bác sĩ còn khuyên chị em nên sử dụng thêm một số sản phẩm hỗ trợ có nguồn gốc từ thảo dược.
Để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, giữ gìn sức khỏe vùng kín, chị em nên biết cách giữ gìn vệ sinh như thường xuyên thay quần lót mỗi ngày, thay băng vệ sinh sau mỗi 3-4 giờ trong kỳ kinh nguyệt, sử dụng các loại dung dịch vệ sinh có pH cân bằng (4-6) và không nên sử dụng loại có tính sát khuẩn mạnh.
Sức khỏe vùng kín không chỉ quan trọng với mỗi chị em mà còn là sợi dây giúp gắn kết hạnh phúc vợ chồng. Chính vì vậy, khi quan sát thấy những dấu hiệu bất thường của vùng kín, chị em nên đến bệnh viện để được thăm khám chứ không nên vì ngại ngùng mà giấu bệnh để đến khi bệnh nặng và gây ra biến chứng rất khó điều trị. Khi biết mình mắc các bệnh phụ khoa, chị em cũng nên chia sẻ với bạn đời để cùng nhau chữa trị vì rất nhiều bệnh phụ khoa có thể lây lan qua đường tình dục, nếu chỉ điều trị khỏi ở một người thì bệnh sẽ lại tái phát.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm