Trong bối cảnh tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đúng như dự báo của nhiều công ty chứng khoán rằng thị trường trong nước có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh ở phiên giao dịch đầu tuần, sáng 14/2 chỉ số VN-Index đột ngột rơi về dưới mốc 1.485 điểm với sắc đỏ bao trùm bảng điện tử.
Đóng góp vào đà giảm điểm của thị trường, mã HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai chịu áp lực bán mạnh, thị giá giảm 6,85% về mức sàn 11.550 đồng/cổ phiếu và trắng bên mua với lượng dư bán chấtsàn hơn 11 triệu đơn vị.
Trước đó, cổ phiếu HAG đã tăng mạnh kể từ tháng 11/2020 từ vùng giá 6.000 đồng/cp lên mức cao nhất là 16.000 đồng/cp vào cuối năm 2021.
Ông Đoàn Nguyên Đức kiểm tra các thùng chuối được đóng gói để xuất khẩu.
Việc HAG bị bán mạnh có thể có liên quan đến yếu tố bất lợi chung của thị trường song lý do dễ nhận diện hơn là thông tin cơ quan quản lý đã có cuộc họp để xem xét trường hợp hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu của doanh nghiệp này.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 120, Nghị định 155 thì doanh nghiệp niêm yết sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc nếu “Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét”.
Trước nguy cơ bị hủy niêm yết, mới đây doanh nghiệp đã gửi văn bản lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, kiến nghị để không hủy niêm yết cổ phiếu HAG trên sàn HOSE.
Theo đại diện HAGL, hầu hết các cổ đông nắm giữ cổ phiếu HAG hiện nay đều mua dựa trên tình hình kinh doanh hiện tại và triển vọng tương lai, chứ không dựa vào các thông tin tài chính trong quá khứ cách 3,4 năm. Sau khi tái cấu trúc, doanh nghiệp đã cơ bản thanh toán phần lớn khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng, xử lý phần lớn khoản đầu tư không hiệu quả. Các chỉ tiêu tài chính dần cải thiện, hệ số thanh toán hiện hành đã lớn hơn 1 (có khả năng tài chính để thanh toán ngay các khoản nợ ngắn hạn). Năm 2021, công ty của ông Đoàn Nguyên Đức dự kiến có lãi 184 tỷ đồng; tự tin đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2022 lần lượt là 4.820 tỷ đồng và 1.120 tỷ đồng; kế hoạch mục tiêu năm 2023 sẽ xoá lỗ luỹ kế.
Vì lý do trên, HAGL kiến nghị được áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét huỷ niêm yết. Nếu được chấp thuận, theo HAGL, phương án này sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được xáo trộn lớn trên thị trường.
Cần tìm “điểm tựa” hợp lý
Trao đổi với phóng viên, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận định, huỷ niêm yết HAG thì nhà đầu tư chịu thiệt trước tiên (cổ phiếu giảm giá, mất thanh khoản…). Hơn nữa, chính những cổ đông hiện hữu của doanh nghiệp cũng bị thiệt hại, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ - đối tượng yếu thế, ít thông tin cần được nhà nước đứng ra bảo vệ. Việc hủy niêm yết cổ phiếu sau đó một thời gian ngắn, doanh nghiệp tốt lên, lại niêm yết lại sẽ gây rối loạn, ảnh hưởng xấu tới tâm lý thị trường.
Về mặt pháp lý, ông Đức cho rằng, theo quy định của pháp luật, HAGL sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc cho kết quả kinh doanh giai đoạn 2017-2019. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã là năm 2022, nếu quy định không nêu rõ về trường hợp hồi tố huỷ niêm yết kết quả kinh doanh thì không nên huỷ niêm yết cổ phiếu của HAGL ở thời điểm hiện tại.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nêu quan điểm,quy định nói trên của Nghị định 155 có xuất phát điểm là bảo vệ nhà đầu tư và giảm thiểu rủi ro trên thị trường. Nếu không có quy định này thì chính nhà đầu tư bị thiệt hại đầu tiên.
Tuy nhiên, đó là trong điều kiện thị trường thuận lợi bình thường. Hai năm 2020 và 2021 tương đối đặc biệt thì hầu hết doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, doanh nghiệp đang lỗ thì lỗ nhiều hơn, doanh nghiệp đang lỗ vừa chớm có lãi gặp dịch lại quay đầu lỗ tiếp… “Bởi vậy có thể xem xét tìm một điểm hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp nếu bức tranh chung của họ đang có chiều hướng tốt lên”, ông Minh nói.
Đây cũng chính là “điểm hợp lý” mà luật sư Trương Thanh Đức nhắc đến trong câu chuyện xử lý cổ phiếu HAG. Ông Đức nói, nếu doanh nghiệp sai phạm nghiêm trọng thì không nói nhưng nếu chỉ do những yếu tố kinh tế kỹ thuật đặc biệt do dịch dã thì không nên đặt ra vấn đề hủy niêm yết mà cần xử lý “nương tay” như các doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh khác.
Đáng lưu ý, phía HAGL cho rằng, do phải điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính nên lợi nhuận sau thuế của HAGL các năm 2017, 2018 và 2019 đều là số âm.
Bàn về giải pháp mềm để xử lý tình huống này, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán Yuanta cho rằng, thay vì hủy niêm yết bắt buộc thì cần cơ quan quản lý cần phải có giải pháp linh hoạt, không nên cứng nhắc.
“Năm 2022 điều kiện của nền kinh tế đã dần hồi phục, đã “bình thường mới”, nếu sau một năm hoạt động trong điều kiện như vậy mà HAGL vẫn tiếp tục lỗ thì hủy niêm yết bắt buộc là việc nên làm”, ông Minh nêu quan điểm.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm