Hiện nay, tình trạng thiếu giáo viên là vấn đề đáng lo ngại của ngành giáo dục cả nước. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, để thực hiện được dạy ngoại ngữ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho lớp 3 năm học 2022 - 2023, cả nước cần thêm 5.322 giáo viên. Với môn tin học, để đủ giáo viên ở mức tối thiểu 1 giáo viên/trường, cần bổ sung 3.684 người.
Ở cấp THCS và THPT, giai đoạn 2021 - 2025, cả nước thiếu khoảng 110.000 giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó số giáo viên thiếu cấp THCS là 14.653, cấp THPT là 11.133.
Tại Hà Nội, theo tờ trình mới nhất gửi HĐND thành phố của UBND TP.Hà Nội, ngành giáo dục thành phố thiếu 10.265 giáo viên. Con số này tăng 3.131 giáo viên so với tờ trình đề nghị bổ sung biên chế giáo viên năm học 2022 - 2023 hôm 26.8. Số giáo viên thiếu tăng lên là do thành lập trường mới, tăng lớp, tăng học sinh.
Hà Nội được giao bổ sung 2.362 biên chế trong năm học này. UBND thành phố đề xuất phân bổ cho bậc tiểu học 600 biên chế, THCS 1.209 biên chế và THPT 452 biên chế.
Nguyên tắc phân bổ được UBND TP.Hà Nội đề xuất theo 3 nhóm. Trong đó, nhóm 1 là các trường, khu vực có số học sinh tăng mạnh, thiếu nhiều giáo viên sẽ được ưu tiên, gồm các quận Hoàng Mai, Hà Đông, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân và các huyện Đông Anh, Thanh Trì, Chương Mỹ, Gia Lâm, Sóc Sơn, Hoài Đức, Mê Linh.
Sau nhóm này, thành phố sẽ xét tới nhóm 2, khu vực có số học sinh tăng vừa và thiếu ít giáo viên hơn nhóm 1, gồm các quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa và các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ba Vì, Thạch Thất.
Nhóm 3 (những quận, huyện còn lại) tạm thời chưa được giao bổ sung biên chế, do học sinh tương đối ổn định, biên chế giáo viên không biến động lớn.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT TP.HCM, tổng số giáo viên năm học 2022-2023 còn thiếu theo biên chế toàn thành phố là 5.939 chỉ tiêu. Trong đợt tuyển dụng vào tháng 8 mới đây, thành phố đã tuyển được 3.244 giáo viên.
Dự kiến thành phố sẽ tổ chức tuyển đợt 2 vào tháng 10, sau khi các trường học đã ổn định số học sinh, số lớp, xác định chính xác nhu cầu tuyển dụng.
Ngày 10/9, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, UBND tỉnh này vừa quyết định giao bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm 2022 cho ngành giáo dục, với số lượng tuyển dụng là 1.681 giáo viên.
Cụ thể, trong 1.681 giáo viên tuyển dụng mới, bậc mầm non là 818 giáo viên mầm non; 695 giáo viên tiểu học; 137 giáo viên THCS; và 31 giáo viên THPT. Số giáo viên tuyển dụng được phân bổ cho 24/27 đơn vị cấp huyện.
Theo Sở GD&ĐT Nghệ An, tỉnh này đang thiếu trên 7.800 giáo viên, trong đó thiếu nhiều nhất là bậc mầm non với hơn 6000 người và tiếp đó là tiểu học, THCS và THPT.
Năm học 2022-2023, Nghệ An được giao 2.820 biên chế sự nghiệp giáo dục cho năm học tới. Trong đó, nhiều nhất là mầm non với 2.164 biên chế, tiểu học là 498 biên chế, THCS 142 biên chế và THPT là 16 biên chế. Ngoài ra còn thiếu nhân viên trong các trường học.
UBND tỉnh Đồng Nai vừa giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT và các địa phương khẩn trương rà soát nhu cầu biên chế giáo viên cần bổ sung trong năm học 2022-2023 để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt bổ sung.
Theo UBND TP.Biên Hòa, năm học 2022-2023, thành phố cần tuyển thêm 179 giáo viên. TP.Biên Hòa có 223 trường học với hơn 242.500 học sinh (tăng gần 11.000 học sinh so với năm học trước). Trong đó có 130 trường mầm non, 57 trường tiểu học, 35 trường THCS, 1 trường TH-THCS. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 426 nhóm trẻ tư thục, 8 trường liên cấp do Sở GDĐT quản lý.
Hằng năm, UBND TP.Biên Hòa đều tổ chức tuyển dụng viên chức ngành giáo dục theo nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, một số bộ môn dự tuyển có số lượng đăng ký ít so với nhu cầu tuyển dụng như giáo viên mầm non, giáo viên các bộ môn Địa lý, Tin học, Sinh học, Lịch sử, Âm nhạc, Mỹ thuật…
Theo kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Nai, từ 2022-2025, địa phương này cần tuyển dụng thêm 5.696 giáo viên ở các bậc học. Chỉ tính riêng năm 2022 này, số lượng giáo viên cần tuyển dụng lên tới 2.441 người, trong đó giáo viên tốt nghiệp ngành Sư phạm mầm non trình độ đại học chiếm nhiều nhất với 418 người, tiếp đó là sư phạm mầm non có trình độ cao đẳng 203 người.
Theo Sở GD&ĐT Hậu Giang, trong tờ trình gửi HĐND tỉnh Hậu Giang, trước khai giảng năm học mới, toàn tỉnh thiếu 846 giáo viên mầm non và THPT. Trong đó, mầm non thiếu 301 giáo viên, cấp THPT thiếu 545 giáo viên.
Hiện, Sở GD&ĐT Hậu Giang đang ráo riết rà soát biên chế, xây dựng kế hoạch bổ sung giáo viên theo quy trình, tiêu chuẩn giảng dạy.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm