Trước mức độ báo động khi tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở nhóm 15-24 tuổi đạt 7,3% vào năm 2024, từ 1/1/2025, Việt Nam chính thức cấm thuốc lá điện tử. Theo đó, việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc lá điện tử chính thức bị cấm tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiệu quả của lệnh cấm vẫn là dấu chấm hỏi, khi nhiều bạn trẻ có xu hướng chuyển sang thuốc lá truyền thống thay vì từ bỏ hút thuốc.
Từ tò mò đến lệ thuộc vào thuốc lá điện tử
Bạn trẻ tâm sự lý do khó bỏ thuốc lá điện tử. Ảnh: NM
N.V.A (SN 2001, quận 7) bắt đầu hành trình cai thuốc lá điện tử từ khi có lệnh cấm. Với A., việc từ bỏ không hề dễ dàng bởi cậu luôn trong trạng thái “nửa muốn, nửa không”.
“Em biết rõ tác hại của thuốc lá điện tử và nhận thức được mình cần bỏ, nhưng việc này không xuất phát từ ý chí tự nguyện. Nếu không có lệnh cấm, chắc em vẫn tiếp tục hút,” A. chia sẻ.
Nhớ lại thời điểm bước chân vào đại học, A. khi đó hào hứng với sự tự do và muốn trải nghiệm nhiều điều mới mẻ. Thuốc lá điện tử là một trong số đó.
“Khi còn ở với gia đình, em bị cấm đoán nên không thể sử dụng. Nhưng khi được sống xa nhà, em muốn thử như một cách thể hiện sự trưởng thành,” A. tâm sự.
Từ tò mò đến lệ thuộc là một quá trình không dài. Lúc đầu, A. chỉ hút thử cho biết, nhưng dần dần thuốc lá điện tử trở thành thói quen gắn liền với cuộc sống hằng ngày. Mỗi khi căng thẳng, buồn chán hay đơn giản là sau bữa ăn, A. lại cầm thuốc lên hút. Sáu năm trôi qua, A. nhận ra mình đã phụ thuộc hoàn toàn, cảm thấy thiếu tỉnh táo nếu không hút.
“Hút thuốc giúp em sảng khoái và tập trung hơn. Nhưng càng về sau, em thấy bản thân bị chai lì cảm xúc. Từ loại nhẹ, em phải chuyển sang loại nặng hơn mới đủ đô,” A. chia sẻ.
Khác với A, Đ.N.T (SN 2003, quận 7) tìm đến thuốc lá điện tử vì lý do xã giao.
“Trong nhóm bạn của em, hầu hết mọi người đều hút. Nếu em không hút, sẽ khó hòa nhập. Ban đầu em cũng không quá thích, nhưng dần dần nó trở thành một phần trong cuộc sống,” T. nói.
Sau bốn năm gắn bó với thuốc lá điện tử, T. cũng thừa nhận việc cai thuốc là một thử thách. “Nếu không có lệnh cấm, em cũng không biết mình sẽ tiếp tục hút đến bao giờ. Vì thuốc lá điện tử không chỉ đơn thuần là một thói quen, mà còn là một phần 'văn hóa' của nhóm bạn trẻ,” T. bày tỏ. Giờ đây, T. cũng chọn cách cai nghiện thuốc lá điện tử từ từ.
Làm thế nào để cai thuốc lá điện tử hiệu quả?
Là một bạn trẻ hiểu rất rõ về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, Nguyễn Khánh Vân, Trưởng dự án “1001 kế move on” (dự án nhằm nâng cao nhận thức về cai nghiện thuốc lá điện tử cho giới trẻ từ 18-24 tuổi tại TP.HCM) cho rằng, hầu hết các bạn trẻ đều nhận thức được tác hại của thuốc lá điện tử qua truyền thông, nhưng lại không biết cách từ bỏ hiệu quả.
“Cai thuốc lá, thuốc lá điện tử giống như việc thoát khỏi một mối quan hệ độc hại. Biết là không tốt, nhưng để dứt bỏ hoàn toàn không hề dễ,” Vân nhận định.
TS.BS Nguyễn Nam Hà – Trưởng Chi hội Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM (ở giữa) đã có buổi chia sẻ về nguyên nhân, giải pháp cai nghiện thuốc lá, thuốc lá điện tử trong talk show "Smoke off move on" diễn ra ngày 29/3 tại TP.HCM. Ảnh: BTC
Theo TS.BS Nguyễn Nam Hà – Trưởng Chi hội Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM, việc phụ thuộc vào thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng xuất phát từ ba yếu tố thể chất, tinh thần và môi trường.
Về thể chất, nhiều người hút thuốc để cảm thấy tỉnh táo hơn. Về tinh thần, thuốc lá giúp họ tự tin, thoải mái hơn khi giao tiếp. Còn môi trường có ảnh hưởng rất lớn, nếu sống trong môi trường có nhiều người hút thuốc, khả năng bị cám dỗ sẽ cao hơn.
BS Hà chia thuốc lá thành ba dạng nghiện: Nghiện chất (do nicotine trong thuốc lá gây ra); nghiện tâm lý (hút thuốc để giải tỏa tâm lý, tìm niềm vui); nghiện hành vi (hút thuốc như một cách thể hiện cá tính, sự nam tính).
“Nghiện thuốc lá không chỉ là vấn đề về chất mà còn ăn sâu vào tâm lý và hành vi,” BS Hà nhấn mạnh.
BS Hà chia sẻ, để cai thuốc thành công, trước tiên mỗi người cần xây dựng một lối sống lành mạnh như ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên và chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè đóng vai trò quan trọng. Hãy chia sẻ mục tiêu cai nghiện với những người thân thiết để nhận được sự động viên cần thiết.
BS Hà cho rằng: “Sẽ rất khó để người nghiện thuốc có thể tự cai thuốc thành công. Hãy tiếp cho họ thêm sức mạnh, kéo họ khỏi điều tiêu cực. Chẳng hạn như có thể rủ người nghiện thuốc đi tham gia các talkshow về tác hại của thuốc, đưa cho họ những giải pháp và nhắc nhở họ thực hiện”.
Ngoài ra, yếu tố cộng đồng cũng góp phần quyết định. Việt Nam đang có những biện pháp mạnh mẽ như luật cấm thuốc lá điện tử và các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức.
Ngoài ra, còn có phương pháp khác mạnh mẽ hơn bằng cách can thiệp y học. Về mặt y học, các phương pháp hỗ trợ cai nghiện bao gồm thuốc giảm cơn thèm nicotine, liệu pháp thay thế nicotine và cả các bài thuốc Đông y. Những biện pháp này có thể giúp quá trình cai thuốc trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm