Trao đổi với báo giới ngay sau cuộc họp sáng 12/4, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết, sau nhiều giờ đàm phán và bỏ phiếu, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất mức đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng.
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng ở 4 vùng (nếu được thông qua) sẽ lần lượt tăng thêm như sau: Vùng I tăng thêm 260.000 đồng, Vùng II tăng thêm 240.000, Vùng III tăng thêm 210.000 đồng, Vùng IV tăng thêm 180.000 đồng.
"Về thời điểm, lương tối thiểu vùng dự kiến được tăng từ 1/7/2022, áp dụng tới 31/12/2023. So với kỳ vọng của Tổng LĐLĐ Việt Nam, mức tăng chưa đạt được như đề xuất nhưng đó cũng đã thể hiện sự đồng thuận, ủng hộ của người lao động trước những khó khăn của doanh nghiệp", ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Ghi nhận của Dân trí tại phiên họp, về phía đại diện người sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mức đề xuất tăng 6% được thống nhất đã là một nỗ lực lớn của 2 bên. Đặc biệt, với việc này, giới chủ sử dụng lao động sẽ phải điều chỉnh nhiều chỉ tiêu trong bối cảnh nhiều khó khăn do Covid-19 trong 2 năm qua.
Bên cạnh đó, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 2 năm nay Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng nên các doanh nghiệp tiếp tục duy trì mức lương tối thiểu theo Nghị định 90 không điều chỉnh tiền lương cho người lao động. Lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1/1/2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.
Dịch bệnh kéo dài đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động. Một bộ phận lao động rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu có nhiều lý do nên tăng lương cho người lao động từ 1/7/2022. Trước hết, căn cứ Điều 91 Bộ luật Lao động 2019, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội…. Hơn nữa, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá. Do vậy, việc tăng lương có lợi cho cả người lao động và doanh nghiệp.
Sau phiên họp, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ trình Chính phủ đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, để Chính phủ xem xét quyết định. Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hy vọng và tin tưởng đề xuất này đúng với tinh thần Nghị định 27- NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương.
Trước đó, trong phiên họp lần thứ nhất diễn ra chiều 28/3, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022. Tuy nhiên, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không đồng tình, và đề nghị tăng lương từ ngày 1/1/2023.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm