Chiều 28/3 đã diễn ra phiên họp về lương tối thiểu vùng của Hội đồng Tiền lương quốc gia dưới sự chủ trì của ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Theo An ninh Thủ đô, sau phiên họp, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, phiên họp mang tính chất thăm dò, các bên chưa đưa ra phương án, mức tăng cụ thể. Mặc dù vậy, phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động tại doanh nghiệp từ ngày 1/7/2022.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tiền lương tối thiểu điều chỉnh lần gần nhất từ ngày 1/1/2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng và giữ nguyên đến nay.
Người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá. Việc tăng lương có lợi cho cả đôi bên, lao động có thêm tiền trang trải sinh hoạt, doanh nghiệp tăng chi phí song giữ được nguồn nhân lực. Cơ quan này từng đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2021 thay vì hoãn cả năm, song chưa thể thông qua do đại dịch.
Trước đó, chia sẻ với VietNamnet, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định rằng mức lương tối thiểu hiện nay không còn là sàn để bảo vệ người lao động yếu thế để thương lượng, thỏa thuận tiền lương trên thực tế.
"Đời sống công nhân, lao động sa sút sau đợt dịch thứ 4 kéo dài. Hiện sản xuất dần phục hồi. Tổng Liên đoàn sẽ tính toán mức tăng lẫn phương án hợp lý, vì lợi ích hai bên và phù hợp với "sức khỏe" doanh nghiệp", ông Quảng nhận định, "việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng là cấp thiết, khi chi phí như xăng dầu tăng dẫn tới giá cả các mặt hàng cũng tăng. Phần lương tăng thêm cũng là khoản bù đắp cho các chi phí này".
Tại phiên họp, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện cho người sử dụng lao động - đề nghị tăng lương từ ngày 1/1/2023 thay vì từ 1/7/2022 của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động. Mức này áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.
Để tăng cường tính đồng thuận trong việc xây dựng phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng trình Chính phủ, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ nhóm họp hàng năm có chức năng tư vấn, khuyến nghị với Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng.
Đây là mức lương nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động. Mức lương này áp dụng trong các loại hình doanh nghiệp tại 4 vùng kinh tế.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm