Trong công văn gửi Giám đốc Sở GD&ĐT tạo các tỉnh, thành ngày 29.8 về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2022-2023, Bộ GD&ĐT đưa ra tám hoạt động yêu cầu các địa phương thực hiện, trong đó có việc công khai các khoản thu, chi.
Bước vào năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT Ninh Bình yêu cầu tất cả các khoản thu, chi tại đơn vị phải theo dõi, cập nhật, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác vào hệ thống sổ kế toán, báo cáo tài chính của đơn vị, (không được để ngoài sổ kế toán).
Các khoản chi phải chấp hành đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn do các cơ quan có thẩm quyền ban hành, sử dụng các nguồn kinh phí đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.
Các khoản thu, chi tài chính tại các đơn vị phải thực hiện công khai theo quy định tại Thông tư số 36 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc Ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.
Sở GD&ĐT giao Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố hướng dẫn việc thực hiện đồng thời thường xuyên kiểm tra công tác thu, chi, quản lý và sử dụng các khoản thu đối với các trường mầm non, tiểu học, THCS và các cơ sở giáo dục khác trên địa bàn;
Tham mưu cho UBND các huyện, thành phố chấn chỉnh tình trạng lạm thu, xử lý nghiêm theo quy định đối với đơn vị, cá nhân, người đứng đầu cơ sở giáo dục có sai phạm. Phòng GD&ĐT có trách nhiệm tổng hợp các khoản thu đầu năm học báo cáo UBND các huyện, thành phố và Sở GD&ĐT trước ngày 1/10.
Thủ trưởng các cơ sở giáo dục hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc thực hiện các khoản thu chi năm học 2022-2023. Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, trong quá trình thực hiện nếu có những thay đổi, Sở sẽ có văn bản hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Ngày 27/8, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk ban hành văn bản hướng dẫn các khoản thu và chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm học 2022-2023.
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, việc ban hành văn bản hướng dẫn là để minh bạch trong quản lý tài chính và bảo đảm việc thu đủ bù chi, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội tại địa phương; cũng là để chia sẻ gánh nặng với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn sau đại dịch Covid-19.
Đồng thời, tránh tình trạng hiệu trưởng các trường học "tự ý" thu thêm các khoản thu bất hợp lý, gây bức xúc dư luận. Đây cũng là cơ sở để cơ quan quản lý làm căn cứ xem xét, đề nghị xử lý kỷ luật hiệu trưởng các trường học khi xảy ra sai phạm.
Các khoản thu phải dựa trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi và được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện và có sự thống nhất của lãnh đạo cơ sở giáo dục.
Tất cả các khoản thu phải thông qua kế toán và lập sổ thu – chi đúng quy định. Tuyệt đối không được dùng các khoản thu của nội dung này để điều chuyển cho nội dung khoản thu khác hoặc chi cho mục đích khác.
Ông Biện Văn Minh – Trưởng phòng Kế hoạch - Tài Chính (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk) cho hay: Các khoản thu chi phải được kế toán lập phiếu và nộp vào tài khoản ngân hàng, không được để tồn quỹ tiền mặt quá mức quy định. Đặc biệt, tuyệt đối không giao cho giáo viên hoặc nhân viên khác trong trường thu tiền của học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát thu – chi của các đơn vị trực thuộc. Nếu xảy ra sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm, không có “vùng cấm”.
Đối với các đơn vị thuộc UBND cấp huyện quản lý, Sở sẽ đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xử lý theo quy định nếu xảy ra sai phạm.
Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị yêu cầu các đơn vị, cơ sở giáo dục thực hiện thu đúng, thu đủ chi, sử dụng đúng mục đích khoản thu, tiết kiệm, hiệu quả; đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch trong quá trình tổ chức thu, quản lý và sử dụng. Các khoản thu phải được công khai rộng rãi đến toàn thể hội đồng sư phạm, tất cả phụ huynh và học sinh toàn trường.
Đặc biệt, các cơ sở giáo dục không được quy định khoản thu quỹ hội phụ huynh trường; giáo viên chủ nhiệm các lớp không được phép thay mặt ban đại diện cha mẹ học sinh để thu quỹ của ban đại diện cha mẹ học sinh, không được thu quỹ lớp.
Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm giám sát việc triển khai hình thành kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, nghiêm cấm việc thu bình quân.
Không được sử dụng kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh để chi các nội dung: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường...
Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Sở Tài chính, ban hành văn bản hướng dẫn liên ngành về việc thu, quản lý, sử dụng kinh phí cho các lớp bán trú trong cơ sở giáo dục và định mức thu, chi trả tiền dạy Tiếng Anh tăng cường cho bậc tiểu học trên địa bàn tỉnh.
Các khoản thu chính, gồm: Học phí; thu hộ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn; các khoản thu tiền của lớp bán trú như tiền ăn của học sinh, tiền phụ phí (xà phòng, giấy vệ sinh, khăn, nước…), tiền công bảo mẫu, cấp dưỡng; các khoản mua sắm đồ dùng học tập, phục vụ bậc học mầm non; quần, áo đồng phục, quần, áo thể dục.
Việc thu, chi phải đảm bảo đúng nguyên tắc, nội dung, đúng mục đích và tiết kiệm.
Bình luận
TLLê Thùy Linh
Xin chào quý báo ! Học sinh của trường tiểu học Lê Lợi, Thôn 1, xã Tân Hòa, Huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk chủ yếu là con nhà nông, điều kiện kinh tế khó khăn. Tổng thu của năm học này tăng nhiều so với các năm học trước, trong khi 2 năm dịch vừa qua bà con bị ảnh hưởng rất nhiều, cộng với vật giá tăng cao thì việc tăng tiền học như vậy thực sự là một gánh nặng với bà con. Khi họp phụ huynh GVCN thông báo có các khoản thu A, B, C,.... tổng thu là ...; trong đó có 2 khoản thu HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM và THUÊ GV HỢP ĐỒNG DẠY TIẾNG ANH bất hợp lý : 1) Thu tham gia hoạt động trải nghiệm 270k/ 1HS/ 1 năm học, tất cả HS các lớp đều phải nộp; nhà trường dùng tiền này để mua chương trình rồi GV của trường sẽ dạy cho HS trong tiết HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM. Thiết nghĩ, HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM là môn học chính khóa, thuộc về chuyên môn của GV thì GV phải tự trao dồi kiến thức chứ tại sao phụ huynh lại đóng tiền để mua cho GV dạy; Trong khi cơ sở ật chất của trường còn nhiều thiếu thốn, các phòng học không có tivi thì cả trường phải mất 90 triệu để mua chương trình vào dạy chính khóa thì có hợp lý không ? Nếu là hoạt động ngoại khóa thì phụ huynh có thể đóng tiền với mức hợp lý. Vì GVCN chỉ thông báo có khoản thu HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM, chứ không nói rõ đó là khoản thu tự nguyện và hỏi phụ huynh có đồng ý mua hay không, rồi những phụ huynh nào đồng ý mua thì biểu quyết. Do đa phần là nhà nông nên bà con không được rành cho lắm, cứ tưởng là bắt buộc phải mua thì con mình mới được học nên không ý kiến gì; một số ít phụ huynh khác có biết nhưng ngại nên đành im lặng. 2) Thuê Gv dạy hợp đồng Tiếng Anh, đây là trường công lập thì việc trả lương GV phải trích từ ngân sách nhà nước chứ sao lại bắt phụ huynh nộp tiền. Rất mong quý báo xem xét, can thiệp để giãm gánh nặng cho phụ huynh chúng tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn !