Những bước chân đầu tiên vào với tập thơ “Vực trắng” là một nỗi cô đơn, lạc lõng trước một khoảng không gian rộng lớn, bao la của núi rừng, mây trời. Con người lao động được hiện lên với sự chăm chỉ, ân cần nhưng cũng không thể nào phá vỡ đi cái không gian tĩnh mịch, rộng lớn ấy: “cổ tay trắng bẹ ngô già/lục sục đồi nương” (Nguyên Bình). Con người cô đơn, lạc lõng nhưng cũng vô cùng kín đáo khi gửi nỗi niềm của mình vào với thiên nhiên rộng lớn: “mỏm núi tím kia nhô ra một cái cây/buồn mà không sao chết nổi (Trà sớm); “Những dáng cây buồn và kiêu hãnh/chỉ núi thấu nổi tầng rễ sâu/nhưng tán lá luôn thuộc về trời rộng” (Vực trắng).
Lữ Mai là một người phụ nữ không ngại “xông pha”, say mê khám phá cái mới trong cuộc sống và văn chương. Qua cái nhìn sâu sắc, cô cảm nhận thiên nhiện như tấm gương phản chiếu tâm hồn con người: cây cối bám sâu vào đất mẹ nhưng ngọn lại cô đơn giữa trời, như chính con người – nội tâm sâu thẳm không ai thấu, còn bề ngoài chỉ là phần dễ thấy. Sự cô đơn luôn hiện hữu trong mỗi cá nhân và tin rằng, trong tĩnh lặng, con người mới thật sự gặp được chính mình.
Nhà thơ Lữ Mai
Trở về với phố phường sầm uất, nhộn nhịp nhưng dường như cái cô đơn, trống vắng vẫn đeo đuổi người thơ đến tận cuối những con đường:“mưa trút xả thấu lòng người lạ/làm sao giữ nổi dấu chân” (Sài Gòn); “Long Biên ở đâu khi ta khóc/khi cây cầu sắp gãy làm đôi.” (Đêm Long Biên). Thơ Lữ Mai vang ngân những tiếng thở dài của tâm hồn cô độc giữa lòng thành phố đông đúc. Mưa Sài Gòn, cầu Long Biên, sông Hồng, phố Phùng Hưng,... những hình ảnh quen thuộc bỗng hóa mơ hồ, xa lạ như chính con người giữa thành phố, chênh vênh, những thương tích âm thầm không lời giãi bày. Ẩn trong từng vần thơ là một lời gửi gắm đầy da diết: giữa cuộc sống xô bồ và huyên náo, con người vẫn có thể cô đơn đến cùng cực. Nỗi đau không thể cất thành tiếng, chỉ có thể lặng lẽ mang theo, như một phần của chính mình.
Tập thơ “Vực trắng” của Nhà thơ Lữ Mai
Khi con người ta đứng trước những u uẩn, cô đơn và lạc lõng của thực tại thì họ sẽ thường tìm về với quá khứ với mong muốn được an ủi và sẻ chia. Thế nhưng quá khứ trong “Vực trắng” của Lữ Mai lại đưa con người đến cảm giác của sự mất mát và chia ly. Nhớ lại quá khứ cũng là một cách để thể hiện sự mất mát, đau thương trước những hi sinh của một thời kháng chiến máu lửa và đầy bom đạn. Từng câu thơ là những xúc cảm đang bị dồn nén; sự chia lìa, mất mát và cả những điều chưa kịp nói, chưa kịp hiểu:“Lại nghe tiếng người trong đất /đất nấc vào sâu trũng những giấc mơ/ biết phải nói gì/ đồi núi sông hồ/ vết thương vừa mở” (Ngược gió). Tôi cho rằng vì một phần lớn lên trong một gia đình có cha là thương binh, trở về từ chiến trường Campuchia nên đã nuôi nấng trong tâm hồn cô một tình yêu, một lòng biết ơn với những người đã ngã xuống vì đất nước, dân tộc; một phần nữa trong con người cô đó là một ý thức về trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, cô dùng ý thơ để khắc sâu vào tâm trí các thế hệ ngày nay về những công lao của cha ông ta và trách nhiệm của họ với đất nước ngày nay: “ký ức hùng thiêng/ trời nào xanh hơn mắt người nằm lại?”(Đợi). Tình yêu không thành cũng là một câu chuyện đầy hương vị của sự chia ly, tình cảm chưa kịp thổ lôj đã phải khép lại, để rồi phải: “muốn gọi một câu mà không thể/mưa thay người kể chuyện nghìn năm” (Hò hẹn). Một tình yêu dang dở thời bom đạn “mãi là mùa hoa dang dở” (Đợi). Từng dòng thơ mang đậm cảm thức về thân phận – nơi con người hiện lên trong quy luật vô thường của kiếp người hữu hạn, từ đó khơi lên khát vọng thấu hiểu, tri ân và chia sẻ. Mỗi câu chữ là một tiếng thở dài lặng lẽ, chạm đến nỗi đơn rất người trong mỗi chúng ta.
“Vực trắng” là hành trình từ bóng tối đến ánh sáng, nơi con người đi qua những nỗi cô đơn, mất mát để tìm lại niềm tin vào cuộc sống. Lữ Mai đã mở ra những viễn cảnh ấm áp và tươi sáng, đó là ngõ xưa, là tiếng gà, là ngôi nhà của mẹ, là hương sen quen thuộc: “Thược dược bừng con ngõ đất ngày xưa/ sương sớm giữu vệt mưa mùa hạ/ tiếng gà cũng nở ra những vì sao lạ/ chân tạc vào tận sâu hôm qua” (Nhà mẹ); “sóng đã tỏa vào hoa/ cánh tàn nghìn năm bừng giấc” (Sen nở); “tin mãi vòm trời ấy là duy nhất/ bình minh bất chấp quay về.” (Một khúc ca). Từ bóng tối của kí ức, thơ dẫn con người trở về với điều cốt lõi – tình yêu, kí ức, niềm tin – như những hạt mầm âm ỉ nảy nở, nuôi dưỡng khát vọng sống bền bỉ và lặng lẽ.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm