Ngày 10/2, theo thông tin trên Vietnamnet, Công an huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) đã chỉ đạo Công an xã Pả Vi phối hợp với công an các xã Giàng Chu Phìn, Pải Lủng khẩn trương tiến hành xác minh vụ việc bé gái lên bản chơi Tết bị thiếu niên “bắt về làm vợ” trong clip lan truyền trên mạng xã hội.
Kết quả xác minh cho thấy, nam thanh niên xuất hiện trong clip được xác định là Giàng Mí Ch. (SN 2006), trú tại thôn Hấu Chua, xã Giàng Chu Phìn; bé gái Ch. có ý định “bắt về làm vợ” là Vàng Thị S. (SN 2008), trú tại thôn Sà Lủng, xã Pải Lủng, cùng huyện Mèo Vạc.
Hình ảnh thiếu niên bắt vợ trong clip lan truyền trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận. Ảnh cắt từ clip
Làm việc với công an, S. cho biết, S. và Giàng Mí Ch. đã quen nhau trên mạng xã hội zalo từ ngày 4/2/2022. Sau khi quen biết, 2 em thường xuyên nhắn tin nói chuyện. Nội dung các tin nhắn thể hiện Ch. có tỏ tình với bé S. và rủ đi chơi. S. đồng ý đi chơi cùng Ch. nhưng chưa nhận lời yêu, vì nghi ngờ Ch. đã có người yêu.
Khoảng 10h ngày 7/2, hai em hẹn gặp nhau tại Tượng đài Thanh niên xung phong thuộc thôn Séo Sả Lủng, xã Pải Lủng để cùng nhau đi chơi. Lúc này, Ch. đi xe máy đến điểm hẹn, gặp S. và hai bạn của S. cùng sinh năm 2008 và trú tại thôn Sà Lủng.
Tại đây, cả 4 người đi xe máy cùng nhau đi chơi theo hướng trung tâm huyện Mèo Vạc. Ch. đèo S., 2 bạn của S. chở nhau. Đi đến ngã ba hạt 7 thuộc thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi thì dừng lại chơi. Đến khoảng 15h30 thì S. bảo Ch. đưa về vì sợ muộn.
Lúc này, Ch. nói với S. ở lại chơi và có nói lời yêu đương, kéo S., định đưa về làm vợ theo phong tục. Tuy nhiên, S. không đồng ý vì cho rằng Ch. đã có người yêu rồi, chỉ lừa S. thôi. Ch. chỉ kéo tay và vai S., không có hành động sàm sỡ.
Sự việc diễn ra khoảng 30 phút, thời điểm này có nhiều người dân và khách du lịch thấy hiếu kỳ nên dừng lại xem và quay phim, chụp ảnh. Lúc này, một công an xã có mặt kịp thời giải cứu bé gái. Được biết, chiến sĩ công an giải cứu bé S. trong clip trên là Đại úy Lê Ngọc Tuấn, Công an viên xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang).
Theo cơ quan công an, anh Vàng Mí Già (SN 1988, chú ruột đại diện gia đình bé S.) cho biết, sau khi sự việc xảy ra, bé S. cũng đã nói chuyện với gia đình, anh Già đã trực tiếp đi đón cháu về.
Gia đình không có đề nghị với cơ quan chức năng về việc này vì hai cháu đã có nhắn tin nói chuyện, đồng ý đi chơi với nhau và đây cũng là phong tục của đồng bào người Mông. Đồng thời, mong muốn cơ quan chức năng làm việc với gia đình hai cháu để tuyên truyền nhắc nhở không thực hiện hành động trên vì cả hai còn trẻ, chưa đủ tuổi kết hôn.
Công an làm việc với gia đình và em Vàng Thị S. (bé gái bị bắt làm vợ trong clip). Ảnh: Vietnamnet
Về phía Ch., ông Nông Văn Ngay - Chủ tịch UBND xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cho PV VTV biết, Ch. hiện đang theo học trường nghề tại Thái Nguyên. Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh từ truyền thông, báo chí, chính quyền địa phương đã mời bố mẹ của Giàng Mí Ch. và cả Ch. lên trụ sở để làm việc.
Hiện em Ch. không có mặt tại địa bàn. Gia đình Ch. cho biết, sáng ngày 8/2, em đi làm thuê trong nước (làm tự do, chưa xác định được làm ở đâu). Trước khi đi khỏi địa phương, Ch. không thông báo cho gia đình biết và gia đình không ai biết số điện thoại của Ch. Công an xã Giàng Chu Phìn đã phối hợp với công chức tư pháp, cán bộ xã phụ trách thôn tổ chức tuyên truyền và đề nghị gia đình Ch. cam kết giáo dục không để Ch. tái phạm.
Căn cứ các tài liệu thu thập được, Công an huyện Mèo Vạc nhận thấy không đủ căn cứ để xử lý hành vi của Giàng Mí Ch. về tội bắt, giữ hoặc tạm giam người trái pháp luật cũng như xử lý vi phạm hành chính.
Liên quan đến vụ việc này, bà Triệu Thị Tình - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin vụ việc lan truyền trên mạng xã hội mấy ngày qua. Tuy nhiên, qua xác minh tìm hiểu thì đây chỉ là một hành động tự phát của một thiếu niên mới lớn, chưa hiểu hết về phong tục tập quán của dân tộc mình.
Theo bà Tình, "bắt vợ" vốn là một phong tục xa xưa và độc đáo của người Mông nhưng đã bị biến tấu đi nhiều theo thời gian. Bên cạnh đó, bản thân giới trẻ người Mông còn chưa có sự hiểu biết đầy đủ về phong tục này nên có những hành động không đúng mực, bột phát.
"Bắt vợ hay kéo vợ là một tục đẹp từ xa xưa của đồng bào dân tộc Mông, thể hiện tình yêu đôi lứa mãnh liệt của những chàng trai cô gái người Mông để đến với nhau. Việc kéo hay bắt chỉ được diễn ra khi có sự thỏa thuận và đồng ý của 2 người từ trước đó. Sau khi chàng trai đã kéo được cô gái về nhà thì sau một vài ngày, người nhà chàng trai sẽ có lời và mang lễ sang nhà cô gái để xin cưới", bà Tình nói.
Đồng thời, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang cũng khẳng định, tục bắt vợ hiện đã không còn phổ biến tại Hà Giang. Tại một số nơi, một số thời điểm vẫn còn diễn ra nhưng chỉ mang tính chất tự phát do chưa có sự hiểu biết đầy đủ hoặc chưa được giáo dục, truyền dạy.
Vị này thông tin thêm, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang làm rất tốt việc bài trừ các hủ tục lạc hậu, thực hiện việc cưới, việc tang và luật hôn nhân gia đình theo chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, không phải một chốc một lát mà bỏ ngay được bởi đặc thù địa bàn chủ yếu là dân tộc thiểu số.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm