Theo Tuổi trẻ Online, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM sáng 10/6 cho biết, theo báo cáo của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP, trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 5 trường hợp sốt rét, trong đó có 2 trường hợp sốt rét ác tính. Tất cả bệnh nhân sốt rét nhập viện và điều trị trong các năm qua là những trường hợp đi công tác tại vùng có sốt rét lưu hành ở rừng núi (Đắk Ơ, tỉnh Bình Phước...) hoặc đi công tác tại các nước châu Phi.
Sở Y tế nhấn mạnh, hiện nay sốt rét nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ xuất hiện các biến chứng nặng - thể sốt rét ác tính (như biến chứng não gây hôn mê sâu, co giật; suy gan, suy thận, thiếu máu nặng, tiểu huyết cầu tố do vỡ hồng cầu hàng loạt...) và khi đó nguy cơ tử vong rất cao.
Thông tin trên Lao động cho biết, về mặt chẩn đoán và điều trị, Sở Y tế TP yêu cầu tất cả cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận một trường hợp có sốt cần chú ý khai thác yếu tố tiền sử đi lại của bệnh nhân.
Khi bệnh nhân đi từ các vùng có sốt rét lưu hành về thì cần nghĩ ngay đến bệnh sốt rét và tiến hành xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét (test nhanh hoặc nhuộm lame máu) để kịp thời điều trị, ngăn ngừa biến chứng nặng và tử vong.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP vẫn duy trì các hoạt động giám sát thường xuyên ca bệnh và côn trùng truyền bệnh cùng các hoạt động chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại quyết định 4922/QĐ-BYT về hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét.
Dù nguy cơ lây lan bệnh sốt rét tại thành phố là gần như không có, ngành y tế vẫn khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp tiêu diệt lăng quăng, ngăn ngừa muỗi đốt để phòng tránh các bệnh lây lan do muỗi truyền, trong đó căn bệnh sốt xuất huyết hiện đang là bệnh truyền nhiễm lưu hành tại TP đã bắt đầu vào mùa dịch.
Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, trong năm 2021, cả nước có 465 bệnh nhân sốt rét, giảm 67% so với năm 2020, không có ca tử vong. Tại khu vực phía Nam ghi nhận 43 ca sốt rét, giảm 76% so với năm 2020. Đến hết năm 2021 cả nước đã có 36 tỉnh thành được công nhận loại trừ bệnh sốt rét. Việt Nam đang phấn đấu để đạt loại trừ sốt rét vào năm 2030.
Riêng tại TP.HCM, từ năm 2011 đến nay không phát hiện ca bệnh sốt rét tại TP, mà tất cả đều là các ca nhiễm từ các vùng dịch tễ lưu hành. TP đã được công nhận loại trừ sốt rét từ năm 2020, hiện nay đang trong giai đoạn “phòng ngừa sốt rét quay trở lại sau loại trừ”.
Trao đổi trên báo Sức khỏe & đời sống, TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa - Trưởng khoa Nhiễm Việt-Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, sốt rét là bệnh ít gặp nên các ca bệnh thường được phát hiện trễ. Bên cạnh đó, các biểu hiện của bệnh cũng rất dễ gây nhầm lẫn với những bệnh khác như sốt xuất huyết Dengue và các bệnh nhiễm trùng đang phổ biến gần đây.
Sốt xuất huyết do 4 type virus gây ra, bệnh nhân sẽ bị sốt đột ngột, sốt nhiều ngày, uống thuốc hạ sốt nhưng vẫn sốt lại, người mệt, nhức đầu, đau hốc mắt, buồn nôn, tiêu chảy...
Còn sốt rét là do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, cơn sốt rét điển hình sẽ có các triệu chứng như rét run, sốt nóng và vã mồ hôi. Mỗi ngày người bệnh sẽ lên cơn sốt 1-2 lần tùy thuộc vào loại ký sinh trùng nào gây ra. Bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi sau mỗi cơn sốt, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh nhân có thể tử vong.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm