Cuối quý II, giữa cơn sóng nợ xấu tăng ở nhiều ngân hàng, vẫn có không ít nhà băng ghi nhận giảm nợ xấu so với đầu năm hoặc duy trì tỷ lệ nợ xấu rất thấp như HDBank, Techcombank…
Trong đó, HDBank tiếp tục là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp trong hệ thống. Tại 30/6, tỷ lệ nợ xấu (riêng lẻ) của nhà băng này chỉ 0,93%.
So với thời điểm 31/12/2021, tỷ lệ nợ xấu của HDBank đã cải thiện 0,33 điểm phần trăm, từ mức 1,26%. Đáng chú ý, nợ xấu giảm cả về tỷ lệ và giá trị tuyệt đối (giảm 13% so với thời điểm 31/12/2021).
HDBank là một trong 7 ngân hàng trên tổng số 27 đơn vị đã công bố BCTC ghi nhận quy mô nợ xấu giảm. Kết quả này cho thấy năng lực quản trị rủi ro hiệu quả cùng chất lượng tín dụng tốt dẫn đầu tại HDBank.
Theo lãnh đạo HDBank, nợ xấu giảm thấp trong hai quý đầu năm nhờ dịch bệnh được kiểm soát, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định giúp người dân và doanh nghiệp dần khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện thu nhập và năng lực trả nợ. Bên cạnh đó, chính sách quản trị rủi ro hiệu quả, đa dạng hóa danh mục tín dụng, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực có rủi ro được kiểm soát tốt, kết hợp công tác phân tích, dự báo sớm rủi ro, thẩm định, đánh giá khoa học theo đúng các chuẩn mực và quy định là yếu tố giúp nợ xấu của HDBank duy trí mức tốt.
Cùng với HDBank, Techcombank là ngân hàng luôn duy trì có tỷ lệ nợ xấu trong top thấp dưới 1%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh của Techcombank đạt 171,6%. Nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là 500 tỷ đồng, tương đương 0,1% tổng dư nợ, giảm từ mức 1.600 tỷ đồng ở thời điểm 31/3.
Một số nhà băng khác cũng ghi nhận giảm nợ xấu so với đầu năm 2022. Cụ thể, tại VIB, đến cuối quý II, tỷ nợ xấu chiếm 1,74% tổng dư nợ, thấp hơn so với mức 1,75% đầu năm.
Dự kiến, trong các quý tiếp theo của năm 2022, bức tranh nợ xấu sẽ rõ ràng hơn khi Thông tư 14 năm 2021 của NHNN (Thông tư 14) liên quan đến cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp do dịch Covid-19 đã chính thức hết hạn vào ngày 30/6.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, ảnh hưởng của việc dừng Thông tư 14 với các ngân hàng không lớn bởi từ cuối năm 2021, nhiều ngân hàng đã hoàn tất trích lập dự phòng cho nợ cơ cấu. Đồng thời hiện tại, đa phần ngân hàng tầm trung trở lên đều đạt tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%, thậm chí nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ trên 200%, đạt mức cao nhất lịch sử. Việc tăng trích lập dự phòng không chỉ giúp ngân hàng có bộ đệm để xử lý rủi ro, mà còn là “của để dành” trong tương lai.
Theo quan điểm của VNDirect, nhờ vào chất lượng tài sản vững chắc và bộ đệm dự phòng mạnh mẽ, các ngân hàng sẽ giảm thiểu được rủi ro nợ xấu gia tăng trong thời gian sắp tới.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng có thể xử lý và kiểm soát tốt nợ xấu và tiếp tục phát triển trong giai đoạn siết chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương toàn thế giới khi lại có xu hướng thu hút dòng tiền gửi từ nền kinh tế.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm