Thí sinh phấn khởi với môn thi đầu tiên
Bước ra khỏi phòng thi với vẻ mặt khá thoải mái, thí sinh Vũ Ngọc Duy, Trường Trung học Phổ thông Tân Trào, thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, đề thi môn Ngữ văn năm nay không quá bất ngờ với thí sinh, nội dung đề thi phân bổ đều trong chương trình học, bám sát với đề minh họa. Ở câu 4 phần đọc hiểu yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lối sống cho bản thân từ suy ngẫm của tác giả. Đây là câu hỏi mở nhằm khai thác được quan điểm, thái độ, lập trường, tình cảm, tư tưởng của thí sinh. Để có được điểm trọn vẹn ở câu hỏi này, thí sinh phải có tư duy liên tưởng tốt, có kiến thức trong cuộc sống. Phần câu hỏi nghị luận yêu cầu phân tích đoạn trích “Đất nước” trong trường ca Mặt đường khát vọng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, thí sinh đã được học kỹ trong chương trình sách giáo khoa cũng như trong thời gian ôn thi nên việc làm bài cũng khá thuận lợi. Thí sinh Vũ Ngọc Duy dự đoán được 7 điểm đối với môn thi Ngữ văn.
Theo quan sát của thí sinh Nguyễn Thu Phương, Trường Trung học Phổ thông Đông Thọ, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) tại điểm thi, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, các giám thị coi thi rất nghiêm túc. Lực lượng tình nguyện nhiệt tình hỗ trợ đưa, đón thí sinh. Bên cạnh đó, thời tiết mát mẻ tạo cảm giác thoải mái cho các thí sinh.
Bước ra từ điểm thi, nhiều thí sinh tại Hà Tĩnh chia sẻ hài lòng sau khi hoàn thành môn thi đầu tiên. Em Lê Phương Thảo, học sinh lớp 12 Sử - Địa, Trung học Phổ thông chuyên Hà Tĩnh chia sẻ: Em cảm thấy khá tự tin với phần làm bài thi của mình. Đề thi môn Ngữ văn năm nay không quá khó, vừa sức với học sinh. Với đề này, ngay cả những học sinh không chuyên cũng có thể dễ dàng đạt được điểm 6,7.
Tại Hưng Yên, nhiều thí sinh cũng đánh giá đề thi hay, có sự bao quát cao. Thí sinh Trịnh Yến Chi, học sinh Trường Trung học Phổ thông Triệu Quang Phục, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên cho biết, đề Ngữ văn năm nay vừa sức, bám sát chương trình lớp 12 nên em thể hiện khá tốt ở phần làm bài. Phần đọc hiểu câu 1, 2 không khó, tuy nhiên câu 3, 4 đòi hỏi phải suy nghĩ, liên tưởng và cần có sự tư duy nhất định. Em rất ấn tượng với câu nghị luận xã hội về việc tôn trọng cá tính. Đây là đề tài gần gũi với mỗi học sinh nên em vận dụng khá dễ dàng. Yến Chi rất tự tin về phần làm bài của mình vì em đã được thầy, cô ôn luyện rất nhiều.
Thí sinh Nguyễn Văn Chinh, học sinh trường Trung học Phổ thông Triệu Quang Phục (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) nhận xét đề thi môn Ngữ Văn năm nay hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức. Khi nhận đề thi câu 5 điểm vào tác phẩm "Đất nước" em rất phấn khởi vì bài này đã ôn tập rất kỹ. Nguyễn Văn Chinh tự tin môn Ngữ văn sẽ được từ 7-7,5 điểm.
Đề thi vừa sức, quen thuộc với học sinh
Nhận xét về đề thi môn Ngữ văn, Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Giang - Giáo viên môn Ngữ văn Trường Trung học Phổ thông Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh cho biết: Đề thi môn Ngữ văn năm 2024 “quen” và hay, có cấu trúc đề quen thuộc và đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Cũng như nhiều năm trước, đề thi vừa sức, quen thuộc, hơn thế nữa, do mô hình cơ bản không thay đổi nên các kiểu dạng câu hỏi không bất ngờ với thí sinh.
Cô Quỳnh Giang chia sẻ, ở phần đọc hiểu, với 2 câu hỏi đầu tiên thuộc mức độ nhận biết, các thí sinh đều dễ dàng trả lời được và không gặp bất cứ khó khăn gì. Câu hỏi số 3 ở mức độ thông hiểu, yêu cầu chỉ ra tác dụng của việc liên tưởng dòng chảy của con sông với lịch sử sáng tạo nghệ thuật, thí sinh cần chỉ ra các tác dụng về mặt biểu đạt và biểu cảm của việc liên tưởng này. Câu hỏi số 4 ở mức độ vận dụng, yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân thông qua một câu văn, thí sinh cần lưu ý đưa ra câu trả lời ngắn gọn, chính xác và tập trung vào làm rõ 2 ý trong nội dung trả lời.
Ở phần làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp và tạo điều kiện cho sự phát triển của mỗi cá nhân trong xã hội.
Câu nghị luận văn học vẫn sử dụng cấu trúc đề quen thuộc: Sau đoạn trích “Đất nước” là một câu lệnh có 2 vế tương ứng với 2 yêu cầu là phân tích đoạn thơ và “nhận xét sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong đoạn thơ”. Đoạn trích là phần mở đầu của tác phẩm, là những cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước và từ đó sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của nhà thơ (yêu cầu số 2).
Theo cô Nguyễn Thị Quỳnh Giang, câu nghị luận văn học được trích dẫn từ tác phẩm quen thuộc “Đất nước” của tác giả Nguyễn Khoa Điềm, thí sinh về cơ bản sẽ có cảm hứng làm bài tốt. Ở yêu cầu số 2, khi nhận xét sự kết hợp giữa cảm xúc, suy tư của Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong đoạn thơ, thí sinh cần chỉ ra sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn, suy tư sâu lắng về đất nước, về con người Việt Nam đã khiến cho đoạn thơ không khô khan, trừu tượng mà thấm đẫm cảm xúc chân thành, tự nhiên, dễ dàng chạm đến cảm xúc trong người đọc và lan tỏa đến người đọc những nhận thức, tình cảm đẹp đẽ về quê hương đất nước. Đây chính là một trong những nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Cô Nguyễn Thị Thu, giáo viên Trường Trung học Phổ thông chuyên Hưng Yên cho rằng, đề thi chính thức môn Ngữ Văn năm nay cơ bản bám sát cấu trúc đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố, đảm bảo tính vừa sức với học sinh. Phần đọc hiểu gồm 4 câu hỏi, trong đó 2 câu đầu thuộc mức độ nhận biết, câu 3 mang thuộc mức độ thông hiểu và câu 4 vận dụng. Câu hỏi nghị luận xã hội tương đối gần gũi, thiết thực với học sinh khi đề cập tới vấn đề tôn trọng cá tính. Đối với câu nghị luận văn học yêu cầu phân tích 1 đoạn thơ trong bài "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm, có yêu cầu nhận xét kèm theo cũng là dạng câu hỏi phổ biến trong các đề thi trước đó.
Bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024, toàn tỉnh Tuyên Quang có 9.022 thí sinh đăng ký dự thi môn Ngữ văn tại 29 điểm thi đặt tại các trường Trung học Phổ thông với 404 phòng thi chính thức. Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, các cơ quan, đơn vị liên quan, các trường Trung học Phổ thông nơi được lựa chọn làm điểm thi đã chủ động chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, phương án đảm bảo an ninh trật tự. Đối với các điểm thi ở khu vực dễ xảy ra bão lũ, tỉnh đã chỉ đạo các trường bố trí thí sinh ở nội trú tại trường hoặc gần địa điểm thi, hỗ trợ thí sinh có hoàn cảnh khó khăn… đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc và đạt hiệu quả cao.
Tỉnh Hưng Yên có 16.382 thí sinh đăng ký dự thi, tăng 994 thí sinh so với năm 2023. Trong đó, có 13.016 thí sinh giáo dục phổ thông, 2.745 thí sinh giáo dục thường xuyên và 531 thí sinh tự do. Với 33 điểm thi và 709 phòng thi, Sở đã huy động trên 2.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi; 360 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm và một số lực lượng liên quan phục vụ trong những ngày diễn ra kỳ thi. Đây là đội ngũ cán bộ, giáo viên đủ phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tổ chức thi, có tinh thần trách nhiệm cao và đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của quy chế thi tham gia tổ chức thi.
Tại Hà Tĩnh, có 16.877 thí sinh tham gia môn thi đầu tiên.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm