Tạm gác lại công việc thường nhật và bộn bề giữa khói bụi Sài Gòn, tôi đến Pleiku vào một chiều se se lạnh cuối mùa đông nhân dịp Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tổ chức đưa các nhà đầu tư đi thăm các nông trại của mình. Đồng hành cùng tôi trong đợt này là khoảng 40 nhà đầu tư từ các vùng miền khác nhau, trong đó có một nhóm nhà đầu tư trẻ tầm tuổi tôi. Trước chuyến đi, chúng tôi đã thường xuyên trao đổi với nhau qua mạng xã hội và nhanh chóng kết nối vì có nhiều điểm chung về quan điểm và tư duy đầu tư trung dài hạn vào những doanh nghiệp tốt, đặc biệt có tiềm năng tăng trưởng mạnh. Những chuyến đi thực địa như thế này khiến chúng tôi vô cùng hào hứng và thích thú vì bản thân có dịp được “thẩm định chuyên sâu” doanh nghiệp.
Đoàn xe tham quan dự án Hoàng Anh Gia Lai trên hành trình 1.500 km qua ba nước Đông Dương
Ngày 1: Pleiku, thao thức và hồi hộp
Pleiku đón chúng tôi bằng một không khí mát mẻ trong lành và sự tiếp đón chu đáo tận sân bay của các anh chị tổ chức bên phía Tập đoàn HAGL đã làm chúng tôi có chút bất ngờ bởi chúng tôi không phải là những nhà đầu tư nổi tiếng, không phải là đại diện cho những công ty tài chính hay quỹ đầu tư lớn đến thăm doanh nghiệp. Bầu Đức ăn mặc giản dị quần ka-ki, áo sơ mi cộc tay vui vẻ gặp gỡ chúng tôi tại bữa tối. Với nhiều người, đây là lần đầu tiên họ tiếp xúc trực tiếp chủ tịch công ty và hoàn toàn bị thu hút bởi ánh mắt sáng, nụ cười vui vẻ của chủ tịch. Ai cũng nhanh chóng cảm nhận được sự chân thành và nhiệt huyết toát ra từ lời nói, cử chỉ của bầu Đức. Một buổi tuối toàn các món “của Tập đoàn làm được” diễn ra trong không khí vui vẻ thân mật. Một mẹc heo Bapi khi nào cũng hết sạch dù đầy ắp những ba chỉ luộc, sườn nướng, xúc xích nướng, lòng heo bánh hỏi. Đĩa gà Marathon bên cạnh cũng ngon và lành không kém, những chuối Bolaven dẻo ngọt và thơm đặc biệt.
Sau bữa tối, chúng tôi lên phòng nghỉ ngơi chuẩn bị cho chuyến hành trình hàng nghìn cây số qua ba nước trong ba ngày sắp tới, trong lòng có chút hồi hộp và tò mò với những điều sắp được thấy. Từ ban công nhìn thành phố về đêm, trong cái se se lạnh của phố núi, trong đầu chúng tôi hiện lên những suy nghĩ liệu thực địa những ngày sắp tới có sát với những con số chúng tôi đã theo dõi và tính toán bấy lâu, dư địa tăng trưởng của tập đoàn còn lớn đến mức nào, chất lượng trồng trọt và chăn nuôi thực tế ra sao. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên tất cả mọi người sẽ được thăm nông trường tại Campuchia. Dù hơi thao thức và hồi hộp nhưng giấc ngủ cùng khá ngon giấc vì khí hậu quá dỗi đễ chịu.
Ngày 2 : Gia Lai – Khanxay (Lào)
Đúng 8 giờ, đoàn xe hơi được đánh số từ 1 đến 15 chở 3-4 nhà đầu tư một xe, di chuyển từ trung tâm thành phố Pleiku theo đường QL19 đến Mang Yang vào ngày nắng đẹp, bầu trời trong veo. Những bông dã quỳ ven đường điểm chút vàng tươi trên nền trời xanh ngắt. Chúng tôi được thăm cụm chuồng trại nuôi heo chính của tập đoàn tại Mang Yang, nơi có 6 cụm chuồng, mỗi cụm chuồng 2.400 nái, và 60.000 heo thịt. Mỗi trại heo được đánh số, ghi số lượng heo, lịch cho ăn, trước cửa chuồng heo nái có nhiều thùng nhựa đựng chuối chín. Chúng tôi chụp hình lại các số liệu và ghi chép cẩn thận khi tranh thủ gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với anh chị em công nhân đang làm chăn nuôi heo tại tập đoàn. Họ kể rành mạch cho chúng tôi nghe về công việc hàng ngày, giúp chúng tối hiểu thêm cách phòng trừ bệnh cho heo bằng phương pháp Trại Lạnh. Chúng tôi trong lòng thầm cảm phục những người lao động cần mẫn, ăn ngủ tại cụm chuồng trại suốt 3 tháng mới được về nhà nghỉ phép. Ấn tượng nhất với chúng tôi là anh bạn trẻ đẹp trai quản lý toàn cụm với 60 công nhân, một năm mới rời trại một lần. Khi quay lại trại, tất cả phải cách ly bảy ngày trước khi bắt đầu làm việc. Chúng tôi cũng đi thăm nhà máy pha lóc, chế biến chuyên sâu xúc xích, giò chả, và cả nhà máy giết mổ gia cầm công suất 1200 - 1500 con/giờ chuẩn bị được bàn giao trong vài ngày tới, kịp chuẩn bị cho hàng triệu gà đi bộ ra mắt vào dịp Tết nguyên đán tới đây.
"Thành phố heo" với những chú heo chuẩn bị xuất chuồng của HAGL tại Mang Yang (Gia Lai).
Từ Mang Yang, chúng tôi ghé qua Học Viện Bóng Đá Hoàng Anh Gia Lai để dùng cơm trưa. Khuôn viên học viện rợp bóng cây, gọn gang và sạch sẽ trong tiết trời mát dịu. Các fan bóng đá đều lấy làm tiếc là lần này họ không gặp được đoàn cầu thủ hay HLV Kiatisuk vì thời gian này đội bóng hết lịch thi đấu nên được về nhà.
Đúng một giờ trưa, đoàn di chuyển theo quốc lộ 40 lên của khẩu Bờ Y để làm thủ tục xuất cảnh qua Lào, mọi thứ diễn ra nhanh chóng và chúng tôi không hề phải chờ đợi lâu. Tiếp tục di chuyển theo đường 11 đi đến tỉnh Attapeu nằm bên dòng sông Xekong hung vĩ, đoàn đến nơi nhận phòng khách sạn lúc năm giờ chiều và sau đó dùng bữa tối ngoài trời cùng chủ tịch. Mọi người thoải mái chia sẻ với nhau những suy nghĩ về tập đoàn, điểm mạnh, điểm yếu, sau những gì đã được tận mắt chứng kiến. Nhiều đề xuất với mong muốn giúp tập đoàn đi nhanh, đi xa hơn đều được chúng tôi trao đổi trực tiếp với chủ tịch ngay tại bữa tối. Chúng tôi thấy chủ tịch là một người cầu thị. Sự vui vẻ lên đến đỉnh điểm khi bầu Đức tuyên bố đã hoàn thành 99% kế hoạch lợi nhuận của cả năm chỉ sau 11 tháng. Mọi người dường như quên hết mệt mỏi sau chuyến hành trình dài gần 250 cây số vừa qua, chung vui cùng sự thành công của tập đoàn.
Ngày 3 : Cao nguyên Bolaven trong lành
Sáng đoàn đi thăm các dự án của công ty nông nghiệp Khăn Xay. Tại đây, chúng tôi được tận mắt chứng kiến quy trình trình chế biến từ quả chuối thành chuối bột. Chúng tôi nhấc các quả chuối thải loại lên và thấy chất lượng không quá khác các quả chuối xuất, chỉ vì vỏ có vài vết xước. Chuối được đưa vào cắt nhỏ, sấy khô rồi nghiền thành bột. Bột chuối sau đó được trộn với bột ngô, đậu tương theo tỷ lệ đã nghiên cứu thành thức ăn cho heo. Với nhiều người, khi nghe Heo Ăn Chuối, họ tưởng nhầm rằng heo ăn thân cây chuối nhưng thực ra heo chỉ ăn bột quả chuối. Điều chúng tôi ấn tượng nhất ở đây là việc các nhà máy tận dụng củi, gỗ thải để đốt lò hơi nước dung cho vận hành dây chuyền sản xuất bột chuối. Chi phí sản xuất được giữ ở mức thấp nhất có thể.
Điểm đến tiếp theo là huyện Paksong - nơi công Công ty Đại Thắng đang quản lý 3000 ha đất trồng chuối, sầu riêng, mắc ca (công ty con của HAGL). Cao nguyên Bolaven đón chúng tôi bằng trời xanh, mây trắng nắng vàng, bầu không khí vô cùng trong trẻo. Bolaven quả thật là một vùng đất màu mỡ, nơi những cây chuối cao to hơn và quả chuối dẻo hơn ở những vùng trồng khác. Chúng tôi được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp trang trại chuối xanh mơn mởn trải dài bất tận. Đoàn xe nối đuôi nhau hơn một tiếng mà vẫn chưa ra khỏi trang trại
Đoàn xe của cổ đông tham quan dự án Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai trên cao nguyên Bolaven (Lào).
Không giống như ở Việt Nam, các nông trại bên Lào đều liền kề liền cụm nên cả Khanxay và Đại Thắng đều quy hoạch lô thửa và đường phân lô tương tự như nhau. Khác chăng là Đại Thắng thì ngoài ngút ngàn trùng điệp đồi chuối còn nhấn nhá bằng các vườn sầu riêng với tổng diện tích 700 ha - 500 ha giống Monthong và 200 ha giống Musangking. Đoàn xe nối đuôi nhau qua các con đường nội bộ của nông trại mà chúng tôi ngỡ đang đi du lịch sinh thái vì đều đặn giữa các lô thửa là các hồ nước trong veo, mát lành. Các bờ hồ đều được giật cấp trồng cây như ruộng bậc thang, vừa đẹp mắt vừa chống sạt lở cho bờ hồ, một chi tiết nhỏ nhưng thể hiện sự chỉn chu trong quy hoạch nông trại.
Sau đó đoàn nghỉ ngơi tại tỉnh Champasak để chuẩn bị cho hành trình đi Campuchia, đây là mục đích chính của chuyến đi lầm này để thăm cơ ngơi của công ty Lê Me. Dự kiến Công ty sẽ được sáp nhập vào tập đoàn vào quý 1 /2023 như lời của Chủ Tịch Đoàn Nguyên Đức đã nói với cổ đông.
Nông trại chuối của HAGL tại Lào
Ngày 4: Strung Teng Leme, người bạn lần đầu được diện kiến
Từ Lào theo quốc lộ 13 dọc dòng Mê Kong hùng vĩ chúng tôi đến Stung treng - Campuchia để thăm cơ ngơi của công ty Lê Me với diện tích 3000 ha. Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức chia sẻ, hiện ở đây đang có 1000 ha chuối và 1000 ha rừng keo và vẫn sẽ tiếp tục mở rộng. Nơi đây cũng có một cụm heo, bắt đầu bán sản phẩm tại thị trường Campuchia từ tháng 8.2023.
Cổ đông chụp ảnh với Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức bên hồ nước 6 triệu m3 tại Capuchia. Đây là nguồn nước tưới tiêu cho 3.000 đất nông nghiệp mà HAGL đang canh tác.
3.000 ha đất nằm ngay mặt đường xuyên Á, thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Nơi đây có hồ nước mênh mông với trữ lượng 6 triệu m3 nằm trong lòng dự án quanh năm không khi nào cạn. Đây cũng trở thành nơi sinh sống và trú ngụ của những loài chim quý hiếm như bồ nông và sếu đầu đỏ. Nguồn nước dồi dào, chất đất là đất đen và sỏi cơm, thuận lợi cho nông nghiệp vì thoát nước tốt. Đây đúng là một viên ngọc của tập đoàn.
Kết thúc chuyến đi, đọng lại trong tôi là hình ảnh của các cụm chuồng heo bao bọc bởi vườn chuối, rừng keo rộng mênh mông. Diện tích cây trồng lớn có thêm công năng làm một vùng đệm cho mỗi cụm chăn nuôi. Chất thải từ cụm chuồng trại được xử lý thành phân bón, nước tưới ngay cho vườn chuối. Nỗi lo ô nhiễm môi trường hay ô nhiễm tiếng ồn từ khu chăn nuôi hoàn toàn không có.
Ông Đoàn Nguyên Đức, vị chủ tịch năm nay đã 60 tuổi không hề ngần ngại chia sẻ quãng thời gian thăng trầm trong kinh doanh và cơ duyên đến với nông nghiệp. Những khó khăn ban đầu tưởng chừng không thể vượt qua nhưng vị chủ tịch, bằng nghị lực và cái tâm mạnh mẽ luôn hướng về xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đã hoàn thiện dần mô hình kinh tế tuần hoàn, từng bước đưa Hoàng Anh Gia Lai trở lại và ước mơ vươn tầm thành một tập đoàn hàng đầu trong khu vực.
Có một điều đặc biệt ở Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức mà tôi cảm nhận được nơi ông là một người rất chân tình, nhiệt huyết và máu lửa với những gì mình làm. Một vị chủ tịch chân chất, gần gũi với toàn thể nhân viên và mọi người. Lúc nào gặp ông cũng chỉ thấy đơn giản một cái áo sơ mi đã có phần nhàu nát vì sương gió, một cái mũ rộng vành, cứ thế phăm phăm ra trang trại. Ở cái tuổi 60 đó, ông có thể dẫn đoàn không bao giờ trễ một giây trên lịch trình, đi xuyên 3 quốc gia với hành trình hàng nghìn cây số đường bộ không hề thấy mệt mỏi, thuyết trình một cách đầy đủ, liên tục về dự án, về kế hoạch, trả lời hết mọi câu hỏi của mọi người. Trong suốt 3 ngày đi cùng đoàn, ông chưa từng dùng đến điện thoại, chỉ tập trung hướng dẫn, trao đổi, giải thích tường tận, cặn kẽ cho đoàn, thậm chí, ông còn sẳn sàng nói lại câu vừa trả lời. Điều này khiến chính tôi có phần ngưỡng mộ về sức khỏe, sự dẻo dai, sự nhanh nhạy và tinh thần vì công ty của ông.
Trước khi rời Gia Lai, tập đoàn vẫn chu đáo gửi đến chúng tôi một phần quà chia tay là gà đi bộ của tập đoàn. Bản thân tôi cũng rất mong cho những sản phẩm sạch, chất lượng của tập đoàn qua những chuỗi cửa hàng, siêu thị nhanh chóng đến với tay người tiêu dùng cả nước.
Nếu cuộc đời là những chuyến đi thì đây là một trong những chuyến đi đặc biệt nhất. Chúng tôi được nghe tận tai, thấy tận mắt, sờ tận tay những cái tưởng như không tưởng của một đại điền nông nghiệp rộng lớn bao gồm: Chuối – Heo - Sầu – Gà. Tôi hi vọng Tập Đoàn HAGL sẽ thành công, phát triển vững mạnh và bền vững, đem lại những sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng cả trong và ngoài nước.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm