Ngày 10/1, ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có tâm thư gửi lãnh đạo Nhà nước về việc xin chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản đấu giá ô đất số 3-12 ở khu đô thị mới Thủ Thiêm và chấp nhận mọi chế tài liên quan.
Trong thư, ông Dũng cho biết mức giá trúng 24.500 tỷ đồng cho lô đất 3-12 ở khu đô thị mới Thủ Thiêm là “mức giá cao bất ngờ” mà ông “không bao giờ nghĩ đến” trước khi tham gia đấu giá.
Đồng thời, vị Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng thừa nhận kết quả trúng đấu giá có thể dẫn đến “những hệ luỵ không tốt”, đặc biệt là sau khi tiếp thu ý kiến, nhận định “đấu giá đất Thủ Thiêm 2,4 tỷ đồng một m2 là bất thường” của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc hôm 4/1.
Theo ông Dũng, quá trình tham gia đấu giá có rất nhiều nhà đầu tư trả giá cao đến mức 20.000 tỷ đồng rồi bỏ cuộc, chỉ còn một nhà đầu tư ngoại. Lo ngại mảnh đất đẹp nhất Thủ Thiêm về tay nước ngoài, và vì ‘trào lên lòng tự hào dân tộc’, Công ty Ngôi Sao Việt – thành viên của Tân Hoàng Minh đã quyết định trả giá cao hơn 3%, tương đương 700 tỷ đồng, để trúng thầu, cách người trả giá thứ hai là một công ty nước ngoài khoảng 700 tỷ đồng.
Được biết, nhà đầu tư nước ngoài mà ông Dũng đề cập là CTCP Capital One Financial. Công ty này được thành lập vào ngày 21/9/2018, đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, đặt trụ sở tại tòa nhà Trade Center, 37 Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP.HCM.
Tại ngày 21/10/2018, công ty này có số vốn điều lệ ở mức 1.500 tỷ đồng, thành phần cổ đông gồm: Ông Trương Hồng Võ (sở hữu 40% VĐL), ông Lâm Xương Diệu (sở hữu 26,7% VĐL) và ông Lý Vĩ Hiền (sở hữu 33,3% VĐL). Cả 3 cổ đông của Capital One Financial đều là người gốc Hoa, trong đó ông Trương Hồng Võ (SN 1970) đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Các cái tên Trương Hồng Võ, Lâm Xương Diệu, Lý Vĩ Hiền đều có những mối liên hệ mật thiết, với các doanh nghiệp trong “hệ sinh thái” của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do bà Trương Mỹ Lan đứng đầu.
Đầu tiên là ông Trương Hồng Võ. Ngoài Capital One Financial, vị doanh nhân SN 1970 còn là người đại diện của một loạt doanh nghiệp khác như Công ty TNHH MTV Đầu tư Vinaland Việt Nam, Công ty Savvina Consultant & Management, Công ty TNHH Quy hoạch & Thiết kế S-Charm Việt Nam, Công ty TNHH Phân phối Ngôi sao Châu Á.
Trong các doanh nghiệp này phải kể đến Công ty TNHH MTV Đầu tư Vinaland Việt Nam có trụ sở tại tòa nhà Times Square trên đường Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM - một trong những dự án lớn nhất của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan.
Bên cạnh đó, Vinaland lại có sự hiện diện của ông Truong Anthony Kinh trước khi công ty được giao cho ông Võ quản lý.
Ngoài ra, công ty S-Charm Việt Nam vừa thay tên lẫn đổi người điều hành vào ngày 11/1. Trước khi ông Trương Hồng Võ tiếp quản, CEO cũ của công ty này là ông Nguyễn Vũ Anh Thi. Ông Thi lại là người đại diện pháp luật của hàng loạt doanh nghiệp, trong số đó có Công ty Cổ phần Minerva. Đặc biệt, Minerva lại được sáng lập bởi 3 cổ đông liên quan đến gia tộc sở hữu tập đoàn Vạn Thịnh Phát gồm Chu Duyệt Phấn (con gái bà Trương Mỹ Lan), Trương Lập Hưng, Trương Huệ Vân (CEO Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Tiếp đến là ông Lý Vĩ Hiền, vị doanh nhân SN 1981 là giám đốc một công ty có địa chỉ ở số 8 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM.
Còn ông Lâm Xương Diệu là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Đông Sài Gòn. Doanh nghiệp này lại được sáng lập bởi 3 cổ đông, trong đó Công ty Cổ phần Đầu tư Hermes Power góp vốn với tỷ lệ tới 98% cổ phần. Hermes Power lại là pháp nhân từng cùng tham gia góp vốn với Vạn Thịnh Phát thành lập một doanh nghiệp nay có tên là Công ty Cổ phần Quản lý và Phát triển Đô thị Vệ tinh Le Jardin Nam Sài Gòn.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm