Ngày 12/12/2022 ông Lê Viết Hải đã có đơn xin từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, đến ngày 14/12/2022 HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã có nghị quyết thông qua, theo đó việc từ nhiệm của ông Hải kể từ ngày 01/01/2023. Đồng thời, HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng đã thông qua Nghị quyết về việc bổ nhiệm Tiến sĩ Nguyễn Công Phú, thành viên HĐQT độc lập và thành viên Ủy ban Kiểm toán, giữ chúc Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thay ông Lê Viết Hải kể từ ngày 01/01/2023. Việc Tiến sĩ Nguyễn Công Phú được bầu làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình từ 1/1/2023 có 8/8 thành viên HĐQT đồng thuận, đã ban hành nghị quyết gửi cho Sở Giao dịch Chứng khóan TPHCM và các cơ quan chức năng.
Thực ra ông Lê Viết Hải bất đắc dĩ phải từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT là muốn con trai mình ngồi ghế Tống giám đốc tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vì theo quy định, tổng giám đốc công ty không được có quan hệ trực hệ với thành viên trong HĐQT. Cụ thể Tại Khoản 5 điều 162 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định rằng, đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đại chúng phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:
a) Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này;
b) Không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên của công ty và công ty mẹ; người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ;
c) Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty.
Do ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT và Lê Viết Hiếu - CEO là cha con, là quan hệ gia đình nên ông Hiếu không thể tiếp tục giữ vị trí CEO của Tập đoàn xây dựng này.
"Hiện nay, ông Lê Viết Hiếu (con trai ông Hải - từng làm tổng giám đốc giai đoạn 2020 - 2022 - PV) thực hiện việc quản lý điều hành với chức danh phó tổng giám đốc thường trực. Như vậy thì có hơi bất tiện trong quản lý điều hành công ty, thành ra tôi phải rút lui tạo điều kiện cho Hiếu làm tổng giám đốc", ông Lê Viết Hải đã từng phát biểu trên báo chí.
Trong thư gửi "Toàn thể anh chị em Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình" đề ngày 14/12/2022, ông Lê Viết Hải cho biết mặc dù từ nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT, song ông vẫn quản lý công ty, với danh nghĩa Chủ tịch Hội đồng sáng lập. Tập đoàn xây dựng Hòa Bình cũng đã chấp thuận đề xuất của ông Lê Viết Hải về việc thành lập Hội đồng Sáng lập.
Đặc biệt trong lá thư này, ông Lê Viết Hải đã dành nhưng "lời có cánh" và đánh giá rất cao Tiến sĩ Nguyễn Công Phú. Cụ thể, ông Lê Viết Hải viết: "Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021 của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Tiến sĩ Nguyễn Công Phú được bầu vào Thành viên HĐQT độc lập, thành viên Ủy ban kiểm toán. Với bề dày kinh nghiệm hơn 26 năm là người đừng đầu Tập đoàn Apave, ông đã tham gia nhiều công trình tầm vóc quốc gia như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hầm Đèo Cả, đóng góp nhiều ý kiến cùng với các Bộ ngành Xây dựng, Giao thông, Công nghiệp... để hoàn chỉnh các thể chế quản trị, quản lý về chất lượng và an toàn các công trình tại Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Công Phú sẽ là một người quản trị hiệu quả cho chiến lược phát triển thị trường nước ngoài và ngay tại Việt Nam của Tập đoàn trong thời gian tới".
Trong thư, sau đó ông Lê Viết Hải chính thức gọi Tiến sĩ Nguyễn Công Phú là "tân Chủ tịch HĐQT". Tuy nhiên ý đồ dựng lên một Chủ tịch HĐQT "bù nhìn" tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình lại thể hiện trong đoạn này trong bức thư kể trên. "Tôi rất trân trọng tấm lòng của tân Chủ tịch HĐQT Tiến sĩ Nguyễn Công Phú dành cho tôi và Hòa Bình. Ông đã dấn thân, nhận lãnh trọng trách này và đã hứa với tôi rằng Chủ tịch Hội đồng sáng lập và Chủ tịch HĐQT sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để đảm bảo những quyết sách, các vấn đề chiến lược của Tập đoàn đều đạt sự đồng thuận".
Như vậy, hiểu theo ý nghĩa lời viết trong thư của ông Lê Viết Hải thì nếu tất cả những quyết sách, vấn đề chiến lược tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình mà Chủ tịch HĐQT buộc phải "đồng thuận" với Chủ tịch Hội đồng sáng lập thì vô hình trung Chủ tịch HĐQT là "bù nhìn". Trong khi theo Quy định tại Điều 156 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì Chủ tịch HĐQT là người lãnh đạo cao nhất tại Công ty Cổ phần. Cụ thể Chủ tịch HĐQT có quyền và nghĩa vụ sau: Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị; Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ cuộc họp; triệu tập, chủ trì và làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng quản trị; Tổ chức việc thông qua nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị; Giám sát quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị; Chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông; Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
Trong khi đó Hội đồng sáng lập là một "cơ cấu tổ chức" hoàn toàn không có bất cứ quy định nào trong Luật Doanh nghiệp 2020. Cho nên nói toạc móng heo ra thì chức Chủ tịch Hội đồng sáng lập chỉ là "tự phong" mà thôi ! Cho nên nếu Chủ tịch HĐQT một công ty đại chúng mà phải "đồng thuận" mọi chuyện với Chủ tịch Hội đồng sáng lập "tự phong" thì chẳng khác nào Chủ tịch HĐQT chỉ là ...bù nhìn!
Một cách khách quan, tân Chủ tịch HĐQT Nguyễn Công Phú phải quản trị doanh nghiệp vì quyền lợi của 5.500 cán bộ công nhân viên của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng như quyền lợi của hàng vạn cổ đông đang sở hữu cổ phiếu HBC chứ không thể "đồng thuận" làm "hài lòng" mỗi mình ông Chủ tịch Hội đồng sáng lập Lê Viết Hải được.
Về phần Tiến sĩ Nguyễn Công Phú, mặc dù không sở hữu bất kỳ cổ phiếu HBC nào và ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng đánh giá bức tranh tài chính của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong ngành rất ảm đạm, nên vừa được bầu làm chủ tịch, ngày 20/12/2022 ông Phú đã bay sang Pháp để làm việc với đối tác, quỹ đầu tư để hỗ trợ Tập đoàn Hòa Bình.
Thế nhưng trong khi Tiến sĩ Nguyễn Công Phú đang ở Pháp thì thật bất ngờ, vào ngày cuối cùng của năm 2022, ông Lê Viết Hải với tư cách Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã ký Nghị quyết thông qua việc hoãn thi hành đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 1/1/2023 và từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Lê Viết Hải. Đồng thời, HĐQT hoãn thi hành việc thành lập Hội đồng Sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình mà ông Lê Viết Hải làm Chủ tịch. Nghị quyết cũng thông qua hoãn thi hành việc bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc cho ông Lê Viết Hiếu; hoãn thi hành việc bầu ông Nguyễn Công Phú làm Chủ tịch HĐQT.
Tuy nhiên, sau khi báo chí đồng loạt đưa thông tin về sự việc nói trên, ngay trong buổi sáng ngày 01/01/2023, các thành viên HĐQT độc lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình gồm TS Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine đã có Thông cáo báo chí bác bỏ các động thái do cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình, Lê Viết Hải, đơn phương thực hiện nhằm tiếp tục giữ vị trí và khẳng định ông Nguyễn Công Phú mới là Chủ tịch hợp pháp của Tập đoàn Hòa Bình kể từ ngày 01/01/2023.
Nhóm thành viên HĐQT độc lập cho biết Quyết định do cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Bình, Lê Viết Hải, đưa ra trong cuộc họp HĐQT bất thường là không hợp lệ vì không có đủ số lượng thành viên HĐQT tham dự để tiến hành tổ chức họp, không đủ số lượng phiếu bầu thông qua Nghị quyết HĐQT theo quy định của Điều lệ Công ty.
Thậm chí, nhóm Thành viên HĐQT độc lập đã viết rõ: "Do sự điều hành yếu kém của ông Lê Viết Hải trong nhiều năm, tập đoàn giờ đang đối diện với muôn vàn khó khăn, trong đó có vấn đề tài chính. Việc HĐQT thông qua quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú làm người đứng đầu Tập đoàn nhằm mục tiêu duy nhất – khắc phục tình trạng khó khăn và thực hiện những cải cách tất yếu để đảm bảo sự phát triển của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trong tương lai".
Về phần ông Lê Viết Hải, trong cuộc trao đổi sáng 3/1 với Dân trí, ông Hải khẳng định cuộc họp HĐQT ngày 31/12/2022 để ban hành các nghị quyết về việc ông Hải tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT từ ngày 1/1 là hợp lệ. Ông khẳng định trong cuộc họp hôm đó, các thành viên HĐQT đã trình bày quan điểm của mình. "Hai bên đều đã thảo luận, làm sao họ nói không dự họp được. Việc họp là bắt buộc chứ họ đâu có thể từ chối được", ông Lê Viết Hải thông tin.
Tuy nhiên mấy ngày qua, ông Hải đã có nhiều phát biểu trên truyền thông báo chí cho thấy ông đã có động thái "quay xe" vào phút 89 là vì bắt đầu nhận thấy khó có thể thực hiện được ý đồ dựng lên một Chủ tịch HĐQT "bù nhìn" theo ý ông ta. Cụ thể, "trao đổi với Nhadautu.vn, ông Lê Viết Hải cho biết Hòa Bình đang có xung đột nội bộ, ban đầu ông định rời Hòa Bình một cách êm đẹp, nhưng cách làm của nhóm ông Nguyễn Công Phú không thể chấp nhận được".
Trên một báo khác, ông Lê Viết Hải phát biểu: "Ông Phú đã bội ước khi không giữ lời hứa đồng thuận với tôi trong việc quản trị tập đoàn ngay sau khi tôi đồng ý bầu ông ấy vào vị trí lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn. Tôi đã chấp thuận điều này với lời hứa của ông ấy là luôn tôn trọng nguyên tắc đồng thuận giữa hai chủ tịch Hội đồng Sáng lập và HĐQT. Qua nhiều sự việc diễn ra trong lời nói, việc làm cũng như phát ngôn trên truyền thông, tôi thấy rất rõ sự trái ngược giữa lời hứa với thực tế này. Riêng việc phản đối tôi triệu tập cuộc họp cũng đã minh chứng điều đó. Lẽ ra theo lời hứa với tôi, ông không được phép làm như vậy".
Kể cũng lạ, Tiến sĩ Nguyễn Công Phú chưa ngồi ghế Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bất cứ ngày nào thì lấy tư cách gì để "đồng thuận" trong việc quản trị tập đoàn với ông Lê Viết Hải? Và ông Lê Viết Hải cũng chưa giữ chức Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thì cơ sở nào để nói Chủ tịch HĐQT Nguyễn Công Phú không "đồng thuận" với Chủ tịch Hội đồng sáng lập Lê Viết Hải?
Phải chăng ông cựu Chủ tịch "quay xe" vì ý tưởng dựng lên một Chủ tịch HĐQT "bù nhìn" tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình khó thành sự thật?
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm