Mở nhiều ngành đào tạo mới
Mùa tuyển sinh năm 2024, lần đầu tiên Trường Sư phạm - Trường Đại học Vinh mở thêm 3 ngành mới: Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử và Địa lí, Tâm lý giáo dục. Đây là những ngành đang “khát” nhân lực ở nhiều trường phổ thông trên cả nước khi toàn ngành giáo dục đang thực hiện việc thay sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018.
Thực tế năm học 2023 - 2024, việc thay sách giáo khoa theo chương trình mới đã triển khai với lớp 6,7, 8 trên cả nước. Tại Nghệ An và nhiều tỉnh, thành khác, việc bố trí giáo viên cho các môn tích hợp gặp rất nhiều khó khăn. Do chưa có giáo viên đào tạo các môn tích hợp nên thời gian qua ở môn học này các nhà trường phải bố trí 2 - 3 người dạy hoặc là một giáo viên phải kiêm nhiệm “2 trong 1” hoặc “3 trong 1”, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Tiến Hưng, Hiệu trưởng Trường Sư phạm - Trường Đại học Vinh cho biết, trước thực trạng trên, việc mở thêm các mã ngành mới là điều cấp thiết để đáp ứng nhu cầu về đội ngũ giáo viên cho các nhà trường. Về phía các thí sinh, việc lựa chọn ngành này sẽ mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới cho các em sau khi tốt nghiệp bởi không những thiếu giáo viên trong thời điểm hiện tại mà quy mô trường lớp ở các tỉnh cũng sẽ tăng nhanh trong vài năm tới.
Ngoài các ngành sư phạm, năm nay Trường Đại học Vinh sẽ mở thêm các ngành nghề mới khác: Tâm lý học giáo dục, Kiến trúc, Quốc tế học, Khoa học cây trồng, Thú y. Đây là những ngành mới có nhu cầu sử dụng lao động cao trong các khu công nghiệp và các doanh nghiệp mà Trường Đại học Vinh đã tiến hành khảo sát về nhu cầu nhân lực ở Nghệ An và nhiều tỉnh, thành khác trong khu vực.
Còn tại Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, năm học này, nhà trường cũng mở mới ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Năm đầu tuyển sinh, mặc dù trường chỉ tuyển 50 chỉ tiêu nhưng dự báo đây sẽ là một trong những ngành nhận được nhiều quan tâm của các học sinh lớp 12.
Tiến sĩ Hồ Thị Hiền - Trưởng khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An cho biết: "Trước khi xây dựng ngành học này, chúng tôi đã khảo sát các doanh nghiệp thuộc Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhận thấy nguồn nhân lực cho các ngành này khá khan hiếm. Vì thế sinh viên học ngành này có khá nhiều cơ hội việc làm khi ra trường. Bên cạnh đó, Thương mại điện tử cũng là ngành học mới, đang thu hút đối tượng học sinh thế hệ gen Z (sinh những năm 2000 - PV)".
Theo đại diện của khoa Kinh tế, ngoài khảo sát thị trường lao động, việc mở thêm các mã ngành này được xây dựng trên cơ sở mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường với các doanh nghiệp. Vì thế, trong quá trình học tại trường, sinh viên sẽ được tạo điều kiện học tập, đi thực tế và tìm kiếm việc làm ngay tại các đơn vị các em đang thực tập. Các doanh nghiệp cũng sẽ tham gia vào quá trình giảng dạy để nâng cao hiệu quả đào tạo, sát với thực tế.
"Với ngành thương mại điện tử, chúng tôi đã kết nối với một Học viện đào tạo thương mại điện tử cho các doanh nghiệp tại Hà Nội. Thời gian tới, Học viện sẽ cùng tham gia với chúng tôi trong quá trình đào tạo sinh viên để có thể bắt kịp với xu thế phát triển của thương mại điện tử trong nước và trên thế giới. Quá trình đào tạo nếu các sinh viên đáp ứng được yêu cầu, Học viện sẽ tuyển dụng để cung ứng cho các doanh nghiệp", Tiến sĩ Hồ Thị Hiền cho biết thêm.
Đổi mới phương thức tuyển sinh
Năm 2024, chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Vinh là 5.050 chỉ tiêu, trong đó có 8 ngành mới tuyển sinh năm 2024. Cơ hội mở rộng ra với các thí sinh khi trường có đến 6 phương thức tuyển sinh khác nhau. Tiến sĩ Hoàng Vĩnh Phú - Trưởng phòng Đào tạo - Trường Đại học Vinh cho biết, việc mở rộng đa ngành của nhà trường năm nay nằm trong xu thế số hóa của nền kinh tế hiện đại, giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào trường.
Mùa tuyển sinh năm nay, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An mở thêm nhiều mã ngành mới và tăng chỉ tiêu tuyển sinh lên 1.900 sinh viên, cao hơn 400 chỉ tiêu so với năm 2023 và cao nhất trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Trước đó, để chủ động trong việc xây dựng ngành đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh, nhà trường buộc phải đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, đạt kiểm định chương trình đào tạo.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Nghệ An cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, tuyển sinh được xem là vấn đề sống còn của các trường đại học. Vì thế, để có thể hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh, các nhà trường buộc phải đổi mới, thay đổi chương trình, hình thức đào tạo, quan tâm đến công tác liên kết cùng các doanh nghiệp để bố trí sinh viên thực hành, thực tập, đi trải nghiệm thực tế, tìm kiếm việc làm.
Nhà trường cũng có nhiều chính sách trong công tác tuyển sinh như trao học bổng toàn phần, bán phần (hỗ trợ học phí cho những sinh viên điểm cao), kéo dài thời gian tuyển sinh bắt đầu từ tháng 1, sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển và đi tư vấn tuyển sinh đến từng trường Trung học phổ thông trong toàn tỉnh.
Số lượng hồ sơ theo hình thức xét tuyển bằng học bạ cũng đang chiếm đa số tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh. Ngoài ra năm nay, nhà trường còn thực hiện phương thức xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội. Các tổ hợp môn xét tuyển của trường cũng khá đa dạng như tổ hợp khối A00, A01, B00, D01…
Với hình thức xét tuyển theo hình thức trực tuyến, xét tuyển sớm và sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, thời điểm này nhiều thí sinh cũng đã nhận được các giấy xét tuyển vào đại học của nhiều trường đại học trên cả nước.
Thực tế, việc các trường mở thêm ngành đào tạo mới là xu hướng tất yếu, nhất là khi các trường được tự chủ. Qua đó cho thấy, các nhà trường đã và đang chủ động bắt nhịp với xu thế phát triển của đất nước cũng như hội nhập thế giới.
Để tránh tình trạng “bình mới rượu cũ”, gây khó khăn trong công tác tuyển sinh các ngành truyền thống, các trường đại học ở Nghệ An cũng cân nhắc, thực hiện theo quy trình và có sự tính toán, khảo sát, điều tra nhất định về cơ hội việc làm cũng như xu thế, khảo sát các doanh nghiệp hoặc tổ chức sử dụng lao động để biết nhu cầu lao động... Từ đó, chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, phát triển các chương trình đào tạo để đảm bảo chất lượng của nguồn nhân lực trước khi mở ngành nghề mới, tránh những hệ lụy không đáng có.
Về phía người học, thí sinh cũng cần tìm hiểu kỹ các ngành nghề đào tạo, phù hợp với khả năng, sở thích và nhu cầu xã hội để lựa chọn đúng ngành nghề với bản thân.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm