Ngày 7/6, thông tin trên báo VietNamNet, bác sĩ Lưu Công Chính, Trưởng phòng Quản lý Chất lượng, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội), cho biết nữ bệnh nhân N.H.T (30 tuổi, trú tại xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội) bị sét đánh sáng sớm 5/6 đã hồi tỉnh sau 2 ngày được cấp cứu tích cực.
"Sét đánh giống bỏng điện sẽ có nguyên lý vào - ra và tổn thương sâu bên trong rất nguy hiểm. Những tổn thương ngoài da thường dễ đánh giá hơn. Bệnh viện đang liên hệ với các chuyên gia đầu ngành về bỏng tại Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Nội) để hội chẩn liên viện đưa ra đánh giá cụ thể hơn. Trường hợp của chị T. bỏng da ngoài vùng mặt, cổ, ngực. Bệnh nhân đeo dây chuyền vàng tây và sét đánh bỏng in hình kim loại này trên cổ”, bác sĩ Chính nói.
Vào lúc 06h45 ngày 5/6 một người đi cắt rau ngoài đồng bị sét đánh nguy kịch. Ảnh minh hoạ.
Trước đó, báo Phụ nữ Việt Nam đã đưa tin vào lúc 06h45 sáng ngày 5/6, Khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân ở Thanh Trì - Hà Nội bị sét đánh khi đang đi cắt rau ngoài đồng.
Các bác sĩ cho biết, trước khi đến bệnh viện bệnh nhân được gia đình sơ cứu ép tim tại chỗ và trên đường đến bệnh viện khoảng 20 phút. Khi vào viện, bệnh nhân trong tình trạng ngừng tuần hoàn, được đội ngũ y bác sĩ khẩn trương cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công sau 15 phút.
Qua trường hợp của chị T., bác sĩ khuyến cáo những đồ dùng kim loại thường có sức “hút” với tia sét. Vì vậy, người dân hạn chế sử dụng trang sức, mang theo các vật dụng kim loại khi trời mưa kèm theo sấm sét để phòng sét đánh.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm