Thống kê từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, trung bình lãi suất huy động 6 tháng tăng nhẹ 0,003 điểm phần trăm lên mức 4,795%. Trong khi lãi suất huy động 12 tháng trung bình giảm nhẹ 0,006 điểm phần trăm xuống còn 5,545% vào cuối tháng 2.
Trong đó, ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) là nhóm ngân hàng duy nhất nâng lãi suất đối với kỳ hạn 6 tháng, với mức tăng 0,02 điểm phần trăm, lên 4,56%/năm nhưng không thay đổi lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng, duy trì ở mức 5,307%/năm.
Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ, vốn dưới 5.000 tỷ đồng thì giảm 0,02 điểm phần trăm đối với cả 2 loại kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng, xuống còn lần lượt 4,42%/năm và 6,04%.
Đối với nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục không điều chỉnh lãi suất trong tháng 2. Theo đó, lãi suất trung bình kỳ hạn 6 tháng tiếp tục được duy trì ở mức 3,775%/năm trong tháng thứ 9 liên tiếp, đồng thời lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn đang không thay đổi ở mức 4,95%/năm sau 7 tháng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 25/2/2022, tín dụng tăng 2,52% so với cuối năm 2021. Trước đó, số liệu tăng trưởng tín dụng được cơ quan này ghi nhận vào cuối tháng 1 năm nay là 2,74%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng đã giảm tốc trong tháng 2/2022.
Bởi vậy nên biểu lãi suất huy động tháng 3/2022 tại nhiều ngân hàng cũng không biến động nhiều so với tháng trước.
Thời gian tới, khả năng lạm phát của Việt Nam tăng là rất lớn khi giá nhiều loại nguyên vật liệu có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là giá xăng dầu. Áp lực này sẽ khiến ngân hàng tăng lãi suất huy động, duy trì mức lãi suất thực dương để hút lượng tiền từ thị trường.
Cũng theo BVSC dự báo, mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021, thậm chí còn tăng thêm khoảng 0,25%-0,5%.
Trong tháng 3 này, lãi suất tiền gửi không có nhiều biến động so với tháng trước đó. Mmức lãi suất cao nhất đang dao động trong vùng từ 5,5%/năm đến 7,1%/năm tuỳ từng ngân hàng.
SCB dẫn đầu với mức lãi suất 7,6%/năm. Khách hàng muốn nhận được mức lãi suất này cần phải gửi khoản tiền 500 tỷ đồng cho kỳ hạn 13 tháng.
Techcombank với mức 7,1%/năm. Khách hàng muốn nhận được mức lãi suất này cần phải gửi khoản tiền từ 999 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 12 tháng.
Ngân hàng MSB với mức ấn định 7%/năm và điều kiện số tiền gửi áp dụng từ 200 tỷ đồng trở lên tại hai kỳ hạn là 12 tháng và 13 tháng.
LienVietPostBank hiện đang xếp ở vị trí thứ tư với lãi suất là 6,99%/năm. Điều kiện để khách hàng nhận được mức lãi suất này là phải có khoản tiền gửi có kỳ hạn 13 tháng và 60 tháng, trong đó giá trị tiền gửi ở kỳ hạn 13 tháng phải từ 300 tỷ trở lên.
Một số ngân hàng khác cũng có lãi suất tiết kiệm tương đối cạnh tranh như MBBank (6,9%/năm), Ngân hàng Việt Á (6,9%/năm), HDBank (6,85%/năm), BacABank (6,8%/năm)... Nhưng, các ngân hàng này đều có những tiêu chuẩn riêng để đạt được mức lãi suất như trên, chứ không cào bằng cho mọi khoản tiền gửi.
Nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV) trong tháng 3 chỉ Vietcombank là có điều chỉnh giảm lãi suất tại một số kỳ hạn ngắn. Tuy nhiên điều này không ảnh hưởng đến mức lãi suất cao nhất đang được huy động tại ngân hàng này. Trong đó, mức lãi suất ngân hàng cao nhất là 5,6%/năm tại VietinBank; ba ngân hàng còn lại có chung mức 5,5%/năm.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm