Tiêm kích F-16 của Pakistan.
Hôm 7 tháng 5, Ngoại trưởng Pakistan Ishaq Dar phát biểu trước quốc hội, cho biết các tiêm kích J-10C được nước này mua từ Trung Quốc đã "bắn hạ 3 chiến đấu cơ đa năng Rafale và phi cơ khác của Ấn Độ" trong cuộc giao tranh rạng sáng cùng ngày.
Ấn Độ sau đó thu thập được nhiều mảnh vỡ của một tên lửa không đối không cỡ lớn trên cánh đồng ở bang Punjab, xác định đây là mẫu PL-15E do Trung Quốc sản xuất. PL-15E có tầm bắn 145 km, chỉ tương thích với tiêm kích J-10C và JF-17 mà Pakistan đang vận hành.
Những dấu hiệu này cho thấy Pakistan chỉ triển khai tiêm kích do Trung Quốc sản xuất trong trận không chiến với Ấn Độ, dù quốc gia Nam Á sở hữu 85 chiến đấu cơ hạng nhẹ F-16 do Mỹ chế tạo và 75 chiếc trong số đó đang được vận hành.
Tháng 1 năm 1983, Pakistan tiếp nhận những chiếc F-16 đầu tiên từ Mỹ. Chiến đấu cơ này đi kèm những hạn chế nghiêm ngặt từ Washington, trong đó có giới hạn về căn cứ đóng quân và mục đích sử dụng, đặc biệt là Pakistan không được dùng F-16 và vũ khí Mỹ sản xuất để tấn công Ấn Độ.
Chính vì vậy, F-16 của Pakistan chủ yếu đóng quân tại hai căn cứ Shahbaz và Mushaf ở miền trung đất nước. Một lượng nhỏ tiêm kích F-16 đời cũ thuộc Block 15 được phép đóng quân tại căn cứ Bholari ở miền nam Pakistan.
Những địa điểm này được chỉ định theo thỏa thuận với Mỹ nhằm đảm bảo khả năng giám sát chặt chẽ hoạt động của phi đội F-16 Pakistan, cũng như tách biệt chúng với các loại tiêm kích khác.
Điều này cũng nhằm ngăn các công nghệ nhạy cảm trên F-16, trong đó có hệ thống điện tử, bị lộ cho quốc gia thứ ba. Mỹ đã triển khai Đội An ninh Kỹ thuật (TST) gồm binh sĩ không quân và các nhà thầu dân sự để giám sát phi đội F-16 Pakistan.
Mỗi đội túc trực 24/7 tại các căn cứ đóng quân của F-16 để đảm bảo Pakistan chỉ sử dụng chúng cho hoạt động chống khủng bố và nổi loạn trong nước, thay vì tấn công quốc gia láng giềng như Ấn Độ.
Đạn tên lửa AIM-120 AMRAAM, vũ khí đối không chủ lực của F-16 Pakistan, được tập kết trong hầm chứa an ninh cao tại căn cứ không quân Mushaf. Mọi động thái xuất kho và triển khai loại tên lửa này đều được kiểm soát chặt chẽ.
Không những vậy, hoạt động của F-16 Pakistan, từ bảo dưỡng đến triển khai, phải tuân thủ các điều khoản thỏa thuận đã ký với Mỹ. Nếu muốn điều F-16 ra ngoài lãnh thổ hoặc diễn tập chung với nước thứ ba, Islamabad phải thông báo và được Washington chấp thuận.
Để bảo vệ bí mật công nghệ của Mỹ, công việc bảo dưỡng những chiếc F-16A/B đời cũ của Pakistan được tiến hành tại Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên NATO.
Cùng với đó, Islamabad phải mua phụ tùng và dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật thông qua chương trình Bán trang bị quân sự cho nước ngoài (FMS) của Washington, trong đó chính phủ Mỹ sẽ mua khí tài từ các nhà sản xuất và chuyển giao cho chính phủ nước ngoài.
Yêu cầu bắt buộc này khiến Pakistan phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ để duy trì hoạt động và chiến đấu của phi đội tiêm kích F-16.
Tuy nhiên, hiệu quả của chế độ giám sát nghiêm ngặt mà Mỹ áp đặt với F-16 của Không quân Pakistan bị đặt dấu hỏi sau trận không chiến tháng 2 năm 2019, trong đó F-16 Pakistan bắn rơi một chiếc MiG-21 Bison của Ấn Độ và bắt phi công làm tù binh.
Sau đó Ấn Độ thu được các mảnh vỡ với đầy đủ số hiệu của tên lửa AIM-120C-5, loại vũ khí chỉ trang bị cho F-16 Pakistan, trên lãnh thổ nước này. Sự việc cũng cho thấy Pakistan vẫn triển khai F-16 đến các căn cứ tiền phương không nằm trong thỏa thuận.
Những thông tin bị rò rỉ vào tháng 8 năm 2019 cho thấy bà Andrea Thompson, khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế, cảnh báo lãnh đạo không quân Pakistan rằng những hành động vi phạm tương tự có nguy cơ "làm tổn hại đến công nghệ nhạy cảm và suy yếu lợi ích an ninh chung".
Hồi đầu năm 2025, Mỹ phê duyệt gói ngân sách 397 triệu USD theo chương trình Bán hàng quân sự nước ngoài (FMS), trong đó có khoản chi phí duy trì hiện diện của TST tại Pakistan, để giám sát hoạt động của phi đội F-16.
Giới chức Mỹ khẳng định sẽ ngăn chặn khả năng lặp lại sự việc trong trận không chiến tháng 2 năm 2019.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm