I. Nguyên nhân gây ra máu nhiễm mỡ
Trước khi trả lời câu hỏi "Máu nhiễm mỡ kiêng ăn gì?" cùng tìm hiểu nguyên dẫn đến tình trạng bệnh. Máu nhiễm mỡ là bệnh lý xảy ra là khi nồng độ cholesterol và triglycerid trong máu tăng cao. Một số nguyên nhân gây mỡ máu cụ thể gồm:
- Thừa cân: Đối với những người thừa cân béo phì, sẽ có nguy cơ cao phải đối mặt với bệnh máu nhiễm mỡ, do lượng mỡ xấu sẽ tích tụ nhiều trong máu. Ngoài ra, hàm lượng mỡ thừa thường tích tụ lại vùng bụng và các cơ quan nội tạng, điều này gây tác động không tốt tới sức khỏe và các hoạt động vận động của cơ thể.
- Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, khoa học, ăn quá nhiều chất béo: Nếu trong khẩu phần ăn hằng ngày của bạn có chứa nhiều chất béo không tốt thì đây sẽ là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới máu nhiễm mỡ. Thông thường chất béo sau khi được dung nạp sẽ được hấp thụ và gây tăng nồng độ lipid máu vào cơ thể sau khoảng 2 - 3 giờ. Mức độ và thời gian hấp thu sẽ phụ thuộc vào thực phẩm mà bạn dung nạp.
- Lười vận động: Lười vận động là một thói quen xấu mà rất nhiều người trẻ tuổi đang mắc phải hiện nay. Đây cũng chính là lý do khiến tình trạng máu nhiễm mỡ đang có xu hướng trẻ hóa. Khi cơ thể không vận động sẽ khiến nồng độ lipoprotein xấu tăng lên và làm mất dần đi hàm lượng cholesterol tốt.
- Do stress, căng thẳng kéo dài: Công việc, sinh hoạt hằng ngày quá căng thẳng tạo cho chúng ta một áp lực lớn, gây tác động đến tâm lý, cảm xúc. Điều này cũng nằm trong những nguyên nhân gây bệnh máu nhiễm mỡ. Khi bạn đối mặt với căng thẳng, áp lực nhiều người sẽ lựa chọn ăn ngọt, đồ ăn chiên rán để giúp tâm trạng cảm thấy tốt hơn. Nhưng mặt trái của việc này là nó lại khiến cơ thể tích tụ nhiều chất béo không tốt, kích thích khiến cho cholesterol xấu càng ngày càng tăng lên không ngừng.
- Thường xuyên hút thuốc: Việc hút thuốc thường xuyên, sẽ làm mất dần đi hàm lượng cholesterol tốt trong cơ thể. Từ đó bạn sẽ có nguy cơ phải đối mặt với một số bệnh lý về tim mạch và tình trạng máu nhiễm mỡ.
- Tuổi tác, giới tính: Đối với phụ nữ sắp bước vào giai đoạn mãn kinh, khi nồng độ estrogen bị suy giảm sẽ dẫn tới tác động lên quá trình chuyển hóa lượng chất béo trong cơ thể. Từ đó lượng máu xấu và hàm lượng triglycerid trong máu tăng cao dẫn tới nguy cơ gây máu nhiễm mỡ cao và hiện tượng xơ vữa động mạch.
- Yếu tố di truyền: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu trong gia đình bạn có người thân (ông bà, bố hoặc mẹ...) bị máu nhiễm mỡ thì nguy cơ đối mặt với bệnh cũng cao hơn so với một gia đình khỏe mạnh không có ai mắc bệnh.
- Do mắc một số bệnh lý liên quan: Những người mắc một số bệnh nền như rối loạn hoạt động tuyến giáp, bệnh tiểu đường… cũng khiến cơ thể dễ gặp phải tình trạng máu nhiễm mỡ hơn so với người khỏe mạnh.
Chế độ ăn uống không khoa học, ăn nhiều chất béo là nguyên nhân gây máu nhiễm mỡ
II. Máu nhiễm mỡ kiêng ăn gì?
Một chế độ lành mạnh là điều cần thiết đối với người bị máu nhiễm mỡ. Có những loại thực phẩm tác dụng giảm mỡ trong máu nhưng có những loại thực phẩm thì ngược lại, khi dung nạp quá nhiều vào cơ thể sẽ làm hàm lượng mỡ máu xấu tăng cao. Vậy người bị máu nhiễm mỡ kiêng ăn gì? Người bệnh cần chú ý tới một số loại thực phẩm cần phải hạn chế dưới đây:
1. Thực phẩm hàm lượng cholesterol cao
Một trong những nguyên nhân khiến hàm lượng mỡ máu xấu tăng cao là do cơ thể dung nạp nhiều thực phẩm chứa lượng cholesterol cao. Người bị mỡ máu nên hạn chế ăn những nhóm thực phẩm như thịt đỏ, nội tạng, thịt mỡ...
1.1. Thịt đỏ
Chúng ta không thể bỏ hẳn được thịt trong các bữa ăn hằng ngày. Đây là nhóm thực phẩm cung cấp một số dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên những thực phẩm này lại chứa hàm lượng cholesterol tương đối cao và tác động xấu tới sức khỏe. Nhưng chỉ cần người bệnh tiêu thụ lượng thịt đỏ vào cơ thể ít đi, với khẩu phần hợp lý, tránh phần thịt mỡ nhiều chất béo bão hòa, thịt có chứa gân, da động vật là có thể giúp ngăn ngừa biến chứng mỡ máu nguy hiểm.
1.2. Nội tạng
Nội tạng động vật được rất nhiều người ưa chuộng và chế biến tạo thành nhiều món ăn, nhất là trên bàn nhậu. Tuy nhiên, đây lại là một loại đồ ăn mà người bệnh máu nhiễm mỡ cần tránh xa. Phần lớn hàm lượng cholesterol được sản xuất trực tiếp và lưu trữ ở gan. Theo số liệu cung cấp từ Hiệp hội tim mạch tại Mỹ (the American Heart Association/AHA), một người sức khỏe tốt mỗi ngày chỉ nên bổ sung khoảng dưới 300mg cholesterol. Mà trong đó gan động vật thường chứa hơn 500mg cholesterol trong 100g gan cân thực tế.
1.3. Đồ ăn nhanh, chế biến sẵn
Thịt hun khói hay xúc xích ăn liền, thịt đóng hộp, cá đóng hộp, pate… đều là những thực phẩm có chứa hàm lượng chất béo bão hòa không tốt và nồng độ cholesterol cao. Đây cũng chính là nhóm thực phẩm chứa nhiều triglyceride và chất béo chuyển hóa gây hại cho sức khỏe. Đặc biệt nếu dùng quá thường xuyên sẽ gây ra tình trạng máu nhiễm mỡ nghiêm trọng và hơn cả là xuất hiện biến chứng sức khỏe nặng nề.
Máu nhiễm mỡ kiêng ăn thịt đỏ, nội tạng
2. Đường, đồ ăn ngọt
Đồ ăn nhiều đường, có độ ngọt cao cũng nằm trong nhóm đáp án người bệnh máu nhiễm mỡ nên kiêng ăn gì. Việc hạn chế ăn đồ ngọt sẽ giúp ngăn cản lượng triglycerid tăng lên, bên cạnh đó, cũng giúp ngăn ngừa tình trạng thừa cân, béo phì và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường đáng kể.
3. Rượu bia, đồ uống có cồn
Sử dụng rượu bia dễ làm tăng hàm lượng triglycerid và cholesterol trong cơ thể, khiến chỉ số mỡ máu tăng cao hơn. Không những vậy, việc uống nhiều rượu bia sẽ có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng của bệnh máu nhiễm mỡ như: Đột quỵ, tai biến mạch máu não, xơ vữa động mạch, tổn thương chức năng gan…
4. Muối và đồ ăn mặn
Đồ ăn mặn, nhiều muối cũng khiến tình trạng mỡ máu tăng cao. Do đó, người đang bị bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh mỡ máu thì nên hạn chế ăn mặn và một số loại thực phẩm như đồ ăn đóng hộp, thịt hun khói, dưa muối, cà muối để có thể kiểm soát tốt hơn hàm lượng cholesterol.
Thức ăn đóng hộp, đồ ăn mặn, nhiều muối khiến mỡ máu tăng cao
III. Các loại nước uống giảm mỡ máu cao
Tuy tình trạng máu nhiễm mỡ không gây nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên nó sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể dẫn tới một số biến chứng nghiêm trọng nếu bạn chủ quan để bênh tiến triển nặng hơn. Bên cạnh việc cần phải tránh xa một số loại thực phẩm không tốt, khiến mỡ máu tăng cao thì sử dụng một số loại nước uống dưới đây sẽ có tác dụng hỗ trợ giảm mỡ máu:
- Nước ép bông cải xanh: Đây là một trong những loại nước uống đem lại hiệu quả cao trong quá trình giảm mỡ máu. Ngoài ra nước ép bông cải xanh còn cung cấp một chế độ dinh dưỡng, bổ sung dưỡng chất tích cực cho cơ thể giúp chống ung thư, kiểm soát bệnh tiểu đường...
- Nước ép cam: Chứa nhiều vitamin, khoáng chất mang lại lợi ích sức khỏe tích cực như Hesperidin, vitamin P... Uống nước ép cam thường xuyên sẽ giúp cho lượng mỡ máu được cải thiện, tăng tuần hoàn máu, giảm cholesterol xấu...
- Nước nghệ: Tác dụng của nghệ đối với sức khỏe không còn quá xa lạ đối với người bệnh. Qua nhiều nghiên cứu đã cho thấy trong nghệ vàng có chứa hoạt chất curcumin có khả năng chống viêm, tính kháng khuẩn cao và chống oxy hóa rất tốt. Không những vậy, nghệ còn đem lại tác dụng chống tình trạng đường huyết tăng với người bệnh máu nhiễm mỡ.
- Nước ép măng tây: Măng tây chứa vô số những dược tính và dưỡng chất tốt cho sức khỏe như: glucid, chất xơ, vitamin, magie, sắt, canxi, kali... được sử dụng để chế biến các món ăn, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Việc uống nước ép măng tây sẽ giúp lượng cholesterol không tốt tích tụ trong cơ thể được đào thải ra ngoài.
- Nước ép lựu: Đây là loại quả ngọt, thơm, thanh mát và nước ép dễ uống. Thành phần Phytochemical trong lựu có khả năng chống oxy hóa, bảo vệ nội mạc động mạch. Nước ép lựu tác dụng loại bỏ hàm lượng cholesterol xấu, chống cholesterol bám vào thành mạch máu và tăng cường hấp thu lượng cholesterol tốt, ngăn ngừa biến chứng máu nhiễm mỡ.
- Nước ép cà chua: Loại quả dễ tìm, dễ mua. Trong cà chua có chứa thành phần niacin là một chất có khả năng giảm lượng cholesterol trong máu.
- Nước rau diếp cá: Có tác dụng đối với người mỡ máu cao do trong rau diếp cá có chứa thành phần cellulose giúp giảm mỡ xấu, giảm cholesterol xấu trong máu.
- Nước ép táo: Hàm lượng chất xơ trong táo rất dồi dào. Bên cạnh đó táo cũng có các hoạt chất giúp phân hủy axit axetic từ đó ngăn chặn dị hóa tạo mỡ thừa hình thành trong máu. Nên việc uống nước ép táo thường xuyên sẽ giúp loại bỏ được chất béo không tốt.
Nước ép rau củ, trái cây hỗ trợ giảm mỡ máu hiệu quả
IV. Chế độ ăn cho người bị máu nhiễm mỡ
Ngoài quan tâm đến những thực phẩm mà người bệnh máu nhiễm mỡ nên kiêng ăn gì để ngăn ngừa biến chứng, thì người bệnh cũng nên chú ý tới chế độ dinh dưỡng hay những thực phẩm hữu ích hỗ trợ giảm nhẹ tình trạng bệnh.
- Hạt yến mạch hỗ trợ điều trị mỡ máu cao.
Chứa hàm lượng chất xơ hòa tan rất cao, vậy nên nếu bạn ăn hạt yến mạch khẩu phần hợp lý thường xuyên sẽ giúp giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể hiệu quả và ngăn chặn các biến chứng tim mạch.
Bên cạnh đó, trong yến mạch còn chứa beta glucan có tác dụng làm chậm quá trình hấp thu cholesterol vào cơ thể, cũng hỗ trợ rất tốt cho người bị mỡ máu cao.
- Lá trà xanh, giúp thanh lọc cơ thể, đào thải chất không tốt ra khỏi cơ thể.
Có chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh thậm chí còn mạnh hơn cả vitamin E và vitamin C, bảo vệ cơ thể khỏi một số tác nhân gây ung thư, đồng thời cũng hỗ trợ người bệnh giảm bớt lượng cholesterol xấu đáng kể trong máu.
Duy trì thói quen uống lá trà xanh mỗi ngày có tác dụng phòng ngừa được nhiều bệnh tật như bệnh gan, bệnh tim, ung thư...
- Gạo men đỏ là sản phẩm được lên men từ gạo và monascus purpureus (một loại thuốc được sử dụng trong Đông y).
Sau khi tạo thành gạo men đỏ, trong đó sẽ có chứa hoạt chất monacolin K có tác dụng giúp giảm lượng mỡ máu và đồng nghĩa với việc giảm cholesterol và triglycerides. Từ đó, nồng độ cholesterol trong máu được ổn định, giảm lượng xấu cholesterol ở người bệnh máu nhiễm mỡ.
Gạo men đỏ tác dụng giảm mỡ máu
Tình trạng mỡ máu không chỉ gặp ở người cao tuổi, mà hiện nay có thể xuất hiện ngay cả ở những đối tượng trẻ tuổi và có xu hướng trẻ hóa. Chúng ta cần biết rằng, máu nhiễm mỡ là tình trạng đáng báo động. Những ai đang mắc bệnh cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng phù hợp vì quá trình dung nạp thức ăn sẽ là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng máu nhiễm mỡ. Hy vọng qua bài viết trên sẽ giúp bạn có thêm kiến thức hữu ích để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bản thân.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm