Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi tới Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND TP HCM báo cáo về những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn thành phố và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ.
Theo HoREA, thị trường bất động sản phát triển chưa ổn định, bền vững có nguyên nhân do thị trường vốn chưa phát triển đồng bộ, tương xứng, bởi lẽ thị trường bất động sản cần nguồn vốn đầu tư trung, dài hạn, nhưng lại đang phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn tín dụng (chủ yếu dựa vào nguồn vốn huy động tiết kiệm ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho hệ thống tín dụng).
Do vậy, phải giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp, khơi thông thị trường vốn, thị trường tín dụng, tháo gỡ nút thắt vốn, tín dụng đang là điểm nghẽn của nền kinh tế và thị trường bất động sản.
Trước những khó khăn của thị trường bất động sản, HoREA đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ. Trong đó, HoREA đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room tín dụng thêm khoảng 1% (tăng trưởng tín dụng năm 2022 lên 15%) để có thêm khoảng 100.000 tỷ đồng bơm cho nền kinh tế, trong đó thị trường bất động sản hấp thụ khoảng 20%.
Mục đích nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án đã có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi, các dự án đang xây dựng dở dang,... Đồng thời, tạo điều kiện tiếp cận tín dụng cho nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để tăng niềm tin và lực cầu trên thị trường trái phiếu, góp phần giảm bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng.
HoREA đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 theo hướng quy định chặt chẽ để đảm bảo nâng cao năng lực của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đơn vị tư vấn đánh giá tín nhiệm, đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu.
Bên cạnh các biện pháp mà doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã thực hiện như mua lại trái phiếu trước thời hạn (khoảng 147.000 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm 2022), hoặc thỏa thuận hoán đổi trái phiếu lấy nhà ở của dự án với mức chiết khấu hấp dẫn (gần đây, các doanh nghiệp đã giảm giá bán nhà, chiết khấu đến 40-50% giá bán cũ), hoặc đàm phán gia hạn kỳ hạn của trái phiếu thì Hiệp hội này cũng đề xuất thêm một số giải pháp.
Cụ thể, HoREA đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép gia hạn kỳ hạn của trái phiếu thêm một năm để giảm áp lực và tăng niềm tin cho thị trường trái phiếu.
HoREA đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỷ lệ nhất định thông qua ủy thác cho công ty chứng khoán, đại lý phát hành có năng lực bằng các hợp đồng thương mại để đầu tư trái phiếu theo quy định, đồng thời các nhà đầu tư mua trái phiếu là cá nhân phải có văn bản cam kết đã hiểu rõ và tự chịu trách nhiệm về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 65.
Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét cho phép VAMC và ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu doanh nghiệp và chỉ cần Chính phủ có ý kiến cho phép các tổ chức này mua lại trái phiếu doanh nghiệp thì sẽ làm tăng niềm tin cho thị trường trái phiếu và các nhà đầu tư,...
Hơn 119.000 tỷ trái phiếu BĐS đáo hạn trong năm 2023
Theo thống kê của FiinRatings (thuộc FiinGroup), tính đến hết tháng 10, giá trị trái phiếu bất động sản đang lưu hành có quy mô 445.000 tỷ đồng, chiếm gần 34% tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đang lưu hành và chiếm gần 50% tổng giá trị trái phiếu của các tổ chức doanh nghiệp phi tài chính (hơn 896.000 tỷ đồng).
Nhóm phân tích cho rằng, mặc dù hoạt động rút trước hạn của nhà đầu tư và mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành gây không ít khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, nhưng điều này cũng đã góp phần giảm đáng kể áp lực từ số dư trái phiếu sẽ đáo hạn còn lại tại thời điểm hiện nay.
Số liệu cập nhật của đơn vị này cho thấy, tổng giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn sau ngày 15/11/2022 đến ngày 31/12/2022 chỉ còn ở mức 21.850 tỷ đồng. Tuy số dư này không lớn nhưng chiếm đa số bởi các doanh nghiệp chưa niêm yết và hầu như không có thông tin tài chính về tổ chức phát hành.
"Áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vẫn duy trì ở mức đáng kể từ năm 2023 với hơn 119.000 tỷ đồng và năm 2024 gần 112.000 tỷ đồng", chuyên gia FiinRatings nhận định.
Trong khi đó, thị trường chứng kiến nhiều hình thức tái cấu trúc nợ khác nhau và được áp dụng ngày càng nhiều bởi các tổ chức phát hành. Một số phương án phổ biến như gia hạn kỳ hạn thanh toán nợ gốc với lãi suất mới, chuyển đổi thành hợp đồng cho vay dài hạn với lãi suất mới, chuyển đổi sang sản phẩm bất động sản.
FiinRatings cho rằng, đây là một dấu hiệu khá tích cực cho vấn đề thanh khoản hiện nay của thị trường bởi biện pháp này giúp giải quyết vấn đề áp lực dòng tiền trả nợ trong ngắn hạn trước làn sóng yêu cầu tất toán trước hạn của trái chủ.
Mức lãi suất mới trong nhiều giao dịch gần đây cũng đã phản ảnh xu hướng lãi suất tăng cao trong thời gian qua (dao động ở mức 12-13%, cao hơn 4-5% so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng lớn). Tổ chức này cũng đưa ra lưu ý đối với những yếu tố rủi ro mới như khi trái chủ được chuyển đổi sang sản phẩm bất động sản tương ứng nhưng yếu tố pháp lý dự án vẫn còn chưa chắc chắn.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm