Hiện trường vụ 4 xe tải chở phế liệu gắn biển Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành bị lực lượng Hải quan tỉnh Bắc Ninh kiểm tra và bắt giữ. Nguồn: Tạp chí Thương hiệu & Pháp luật
Thông tin trên Báo Văn hoá điện tử cho biết, chiều ngày 17/8 vừa qua, lực lượng Hải quan tỉnh Bắc Ninh đã bắt giữ 4 xe tải vận chuyển phế liệu của Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành (Thuận Thành EJS).
Cụ thể, vào khoảng 13h25’ cùng ngày, 04 chiếc xe tải chở phế liệu có biển kiểm soát gồm: 15C-336.13, 99C-166.88, 98H-012.68 và 98C-132.76 di chuyển ra khỏi Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fuyu, bên trong khu công nghiệp (KCN) Quang Châu, đến phía chân cầu vượt khu công nghiệp Quang Châu, đoạn vòng xuyến đã bị lực lượng Hải quan tỉnh Bắc Ninh tiến hành kiểm tra và bắt giữ. Cả 4 chiếc xe này đều gắn biển Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành.
Theo Tạp chí Thương hiệu & Pháp luật, trong clip ghi nhận tại hiện trường, toàn bộ các xe đều phủ vải bạt xanh bên trên, thành thùng đóng kín, bên trong có dấu hiệu chất chứa hàng hoá. Người dân chia sẻ, việc 4 xe tải đeo biển tên Công ty CP Môi trường Thuận Thành bị lực lượng Hải quan bắt giữ tại KCN Quang Châu có thể liên quan đến việc thu mua phế liệu từ doanh nghiệp chế xuất, không loại trừ hành vi “trốn” mở tờ khai hải quan.
Nhà máy xử lý rác của Công ty Cổ phần môi trường Thuận Thành. Ảnh: Báo Tri thức & Cuộc sống
Liên quan đến vụ việc này, Báo Tri thức & Cuộc sống cho hay, Công ty TNHH Công nghệ Chính xác Fuyu là doanh nghiệp chế xuất, chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu. Do đó, toàn bộ phế liệu của Công ty Fuyu bán cho Thuận Thành EJS đều phải làm thủ tục mở tờ khai với hải quan trước khi bàn giao với Thuận Thành EJS.
Được biết, mỗi ngày có từ 20 - 30 xe chở phế liệu từ Công ty Fuyu là của Thuận Thành EJS. Theo một số thông tin, có khả năng lực lượng hải quan tạm giữ 4 chiếc xe này của Thuận Thành EJS do liên quan đến việc Công ty Fuyu chưa tiến hành mở tờ khai hải quan hàng hóa theo quy định.
Cụ thể, căn cứ khoản 5, Điều 75 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 có hiệu lực từ ngày 01/04/2015 quy định như sau: “Đối với phế liệu, phế phẩm được phép bán vào thị trường nội địa: Thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Chương II Thông tư này, theo đó doanh nghiệp chế xuất làm thủ tục xuất khẩu và doanh nghiệp nội địa mở tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu theo loại hình tương ứng.
Có nghĩa là, sau khi làm thủ tục quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất có thể ký hợp đồng kinh tế để bán nguyên liệu dư thừa sau quá trình sản xuất cho doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên, doanh nghiệp chế xuất phải mở tờ khai theo loại hình sản xuất kinh doanh, đồng thời doanh nghiệp nội địa mở tờ khai nhập khẩu đối ứng theo loại hình nhập kinh doanh. Sau đó, doanh nghiệp nội địa sẽ dùng các tờ khai này để làm chứng từ vận chuyển hàng hóa từ doanh nghiệp chế xuất vào nội địa và xuất trình khi có lực lượng chức năng kiểm tra.
Thuận Thành EJS có trụ sở ở tại thôn Ngọc Khám, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tính đến hiện tại, vốn điều lệ Thuận Thành EJS đạt 200 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Ông Vũ Văn Đắc (55%), bà Nguyễn Thị Thoa (5%) và một cá nhân khác chiếm 40%. Từ năm 2019, Thuận Thành EJS là đơn vị chịu trách nhiệm xử lý 100% rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh). Mặt khác, số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho thấy, hiện nay trung bình mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 900 tấn chất thải sinh hoạt. Trong đó, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt của Thuận Thành EJS xử lý 100 - 105 tấn rác. Theo báo cáo doanh thu thuần của Thuận Thành EJS trong năm 2020 đạt 1.566 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng 4,2 tỷ đồng mỗi ngày; trong khi lãi ròng giảm 13% về 146 tỷ đồng. Tính ra, mỗi ngày doanh nghiệp này thu về 4,2 tỷ đồng doanh thu từ việc xử lý chất thải. Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Thuận Thành EJS tính đến ngày 31/12/2020 đạt 2.174 Tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.450 tỷ. Lưu ý rằng, vốn góp chủ sở hữu tính đến hết năm 2019 chỉ là 200 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc Thuận Thành EJS đang tích lũy được nguồn lợi nhuận khoảng 1.250 tỷ đồng. Ngoài việc xử lý chất thải, Thuận Thành EJS còn hoạt động trong các lĩnh vực khác như: thu gom, vận chuyển chất thải; tái chế chất thải, phế liệu; dịch vụ vệ sinh công cộng; tư vấn môi trường… Như vậy, hiện tại Thuận Thành EJS đang thực hiện mọi hoạt động liên quan đến các loại chất thải, theo một quy trình khép kín, từ vận chuyển cho đến xử lý. Doanh thu khổng lồ của Thuận Thành EJS được cho là phần lớn đến từ việc việc thu gom và xử lý chất thải công nghiệp cho các nhà sản xuất hàng đầu thế giới như: Samsung, Canon, Hoya, Kyocera, Panasonic, Daikin, Philips, Sumitomo, Hồng Hải, Unilever, LG Display Việt Nam… |
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm