Chiều mai (1/3), liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ.
Trao đổi với Tạp chí Tri thức trực tuyến, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối miền Nam cho biết, từ sau kỳ điều hành ngày 21/2, giá dầu có xu hướng giảm do dự trữ dầu thô và nhiên liệu của Mỹ tiếp tục tăng. Tuy nhiên sau đó có dấu hiệu tăng trở lại sau khi báo cáo về dự trữ xăng dầu của Mỹ được công bố và Nga có kế hoạch cắt giảm xuất khẩu dầu từ các cảng phía Tây đến 25% trong tháng 3. Đến tối 27/2, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore ở mức 94,1 USD/thùng với xăng RON 92 và 97,9 USD/thùng với xăng RON 95.
Theo vị lãnh đạo này, nhiều khả năng giá xăng ngày mai giảm nhẹ khoảng 250-350 đồng/lít, dầu diesel giảm khoảng 400-500 đồng/lít. Tuy nhiên, mức điều chỉnh còn phụ thuộc vào quyết định sử dụng quỹ bình ổn của cơ quan điều hành.
Trong khi đó, chủ một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc cũng cho hay, giá xăng có thể giảm nhẹ lần thứ 2 liên tiếp quanh mức 300 đồng/lít, còn dầu diesel giảm mạnh hơn. Mức chiết khấu xăng dầu nhiều kho đang ở mức 900-1.400 đồng/lít.
Nếu đúng như dự báo, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ có lần giảm thứ 2 liên tiếp kể từ đầu năm 2023 đến nay. Lần giảm trước đó là tại kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21/2. Cụ thể, xăng E5 RON92 giảm 327 đồng/lít, bán ra không cao hơn 22.542 đồng/lít; xăng RON95 giảm 324 đồng/lítm bán ra không cao hơn 23.443 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel giảm 756 đồng/lít, bán ra không cao hơn 20.806 đồng/lít; dầu hỏa giảm 748 đồng/lít, bán ra không cao hơn 20.846 đồng/lít. Riêng dầu mazut tăng 615 đồng/lít, bán ra không cao hơn 14.251 đồng/kg.
Ảnh minh họa
Trong sáng 28/2, Ủy ban Kinh tế - Quốc hội khóa IV tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.
Theo đó, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ giải trình về các vấn đề liên quan. Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước luôn được bảo đảm.
Tổng nguồn cung xăng dầu cung cấp cho thị trường trong năm 2022 đạt 25,58 triệu m3/tấn, vượt 7,3% so với tổng nguồn phân giao, trong đó nhập khẩu xăng dầu là 8,87 triệu m3/tấn, tăng 27% so với năm trước (chiếm 34% tổng nguồn cung); sản xuất xăng dầu trong nước đạt 15,69 triệu m3/tấn, tăng 13,7% (chiếm 61,3% tổng nguồn cung).
Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc tính toán, xác định, điều hành giá xăng dầu trong nước, bảo đảm phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ quỹ bình ổn giá nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới.
Về dự trữ quốc gia về xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất giai đoạn năm 2023-2025, nâng mức dự trữ từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày và trong giai đoạn 2026-2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng.
Để thực hiện phương án này, ngân sách Nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính thì mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách Nhà nước (hiện nay ngân sách Nhà nước mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành dự trữ quốc gia).
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm