Cần tăng mạnh nguồn cung bất động sản sơ cấp để tạo tiền đề hạ giá nhà
Ở nước ta, chênh lệch quá lớn giữa giá nhà và thu nhập luôn là bài toán không tìm được lời giải từ nhiều năm nay. Giá nhà thì càng lúc càng cao, còn thu nhập thấp khiến giấc mơ sở hữu nhà ở các đô thị lớn vẫn vẫn chỉ là "viển vông", nhất là với phần lớn GenZ hiện nay.
Theo nhiều chuyên gia, cần tăng nguồn cung sơ cấp cho bất động sản để tạo tiền đề cho hạ giá nhà. Ảnh: Lê Quân
Trước thực trạng giá nhà ở tăng cao, nhiều người dân, trong đó có thế hệ GenZ nảy sinh tâm lý chờ đợi tình hình mới do các luật mới: Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023... đi vào đời sống xã hội, tháo gỡ vướng mắc pháp lý, tạo điều kiện tăng nguồn cung sơ cấp cho thị trường bất động sản, nhất là phân khúc bình dân. Không ít người kỳ vọng, khi nguồn cung sơ cấp được gia tăng, đáp ứng được lực cầu đang rất mạnh, giá nhà sẽ dần hạ nhiệt.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Bất động sản EZ: Cấu thành giá đầu vào như chi phí đất, thiết kế, xây dựng cảnh quan, tiện ích... đều tăng cao
Hiện nay, các chủ đầu tư có quỹ đất ra hàng dù nằm ở vùng ven ngoại thành hay trong đại đô thị thì với chi phí phát triển dự án tốn kém, do hạ tầng, tiện ích nhiều sẽ kéo theo giá đầu vào của các sản phẩm căn hộ cao.
Tháo gỡ vướng mắc để giá nhà ổn định
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, ông cho rằng: Giá nhà khó có thể giảm nhưng nếu cân bằng được cung và cầu sẽ hạn chế tình trạng tăng dựng đứng như thời gian qua.
Mới đây, UBND TP.Hà Nội đã bổ sung 15 khu đất mới quy mô lớn để đầu tư các dự án nhà xã hội tập trung, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Trong đó có 2 - 3 khu xây nhà ở công nhân gần các khu công nghiệp. Mỗi khu đất dự kiến xây dựng khoảng 2.000 căn, tổng 30.000 căn.
Đồng thời, TP.Hà Nội cũng phê duyệt chủ trương đầu tư 4 dự án nhà xã hội độc lập với khoảng 1 triệu m2 sàn và chuẩn bị đấu thầu chọn nhà đầu tư. Có thể thấy, trong tương lai gần, nguồn cung tại Hà Nội sẽ được bổ sung rất nhiều căn hộ.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng: "Khâu chuẩn bị đầu tư thường kéo dài nên nguồn cung xây mới không thể đáp ứng ngay lập tức".
Chính vì vậy ông Hiếu đề xuất cấp bách tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý cho các dự án đã "đắp chiếu" hàng chục năm nay để tăng nguồn cung nhà ở càng sớm càng tốt.
Cân bằng cung - cầu để giá nhà không còn leo dốc thẳng đứng. Ảnh: Gia Linh
Về nguồn vốn cho bất động sản bình dân, đầu tiên cần kể đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Tính đến đầu tháng 9, gói này mới giải ngân được hơn 1.300 tỷ đồng, tương ứng hơn 1%, cho thấy nguy cơ bị "ế" rất cao.
Theo ông Hiếu, gói tín dụng 120.000 tỷ này có thể "ế" vì mức lãi suất của gói vay dành cho doanh nghiệp là 8%/năm và người mua nhà là 7,5%/năm, không có sự chênh lệch quá nhiều so với các gói vay thương mại khác. Thời gian vay cũng chỉ trong 3 - 5 năm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.Hồ Chí Minh (HoREA): Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sinh ra để dành cho người thu nhập thấp nhưng chỉ được hưởng ưu đãi không quá 5 năm. Sau đó, lãi suất thả nổi theo thị trường sẽ khiến người vay không thể gồng gánh được. Về phía doanh nghiệp, mức lãi suất như hiện nay là hợp lý nhưng họ lại ngại vay vì rắc rối thủ tục, vướng mắc pháp lý khiến dự án không đủ điều kiện vay.
"Không giải ngân được cho chủ đầu tư thì người mua cũng không có nhà để vay. Gói ưu đãi này có quy mô lớn nhưng thiết kế lại chưa phù hợp với thực tế, cần phải điều chỉnh theo hướng hợp lý hơn với mức lãi suất ổn định, thời gian vay kéo dài hơn để người vay yên tâm." Ông Châu kiến nghị.
Ông Châu cho rằng, Nhà nước cần tìm giải pháp để người dân thu nhập thấp có thể tiếp nhận được nguồn vốn vay trung và dài hạn chứ không phải nguồn vay ngắn hạn ở ngân hàng như bây giờ. Chính vì nguồn vay ngắn hạn nên mới tạo ra tâm lý "ngại vay".
Chuyên gia: Cần kết hợp chính sách và nỗ lực cá nhân có thể giúp GenZ vượt qua "rào cản" giá nhà
Trên thực tế, ngoài những giới trẻ GenZ có mức thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng thì vẫn có những bạn trẻ có mức thu nhập lên tới 1.000 - 2.000 USD/tháng (tương ứng khoảng 25 - 50 triệu đồng) nhưng vẫn chần chừ, lo lắng trong việc sở hữu riêng 1 căn nhà.
Một số GenZ có thu nhập 30 - 50 triệu đồng/tháng, tương đương hơn 1.000 - 2.000 USD/tháng nhưng vẫn đắn đo việc xuống tiền mua nhà vì giá quá cao. Ảnh: Lê Quân
Nguyên nhân, gần đây giá nhà liên tục biến động, chính sách pháp luật thay đổi, khiến nhiều GenZ khó nắm bắt và đưa ra quyết định chính xác.
Mặc dù có mức thu nhập ổn định, nhưng việc mua nhà vẫn là một khoản đầu tư lớn đòi hỏi nhiều chi phí kèm theo như phí trước bạ, phí đăng ký, lãi suất vay và đặc biệt, phần lớn GenZ lo ngại về việc giá nhà có thể giảm sau khi mua, hoặc gặp phải những vấn đề pháp lý liên quan đến bất động sản.
Trước những lo ngại về thị trường bất động sản, ông Hiếu khuyến khích thế hệ GenZ chủ động nỗ lực hơn trong việc tìm kiếm giải pháp. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước như gói vay ưu đãi, nhà ở xã hội, giới trẻ cần tự trang bị kiến thức, lập kế hoạch tài chính chi tiết và tận dụng mọi cơ hội để thực hiện giấc mơ an cư.
"Việc sở hữu một căn nhà không chỉ là một tài sản mà còn là một bước đệm quan trọng để GenZ ổn định cuộc sống và xây dựng tương lai." TS. Nguyễn Trí Hiếu tâm sự
Làm thế nào để GenZ có thể biến giấc mơ sở hữu nhà trở thành hiện thực? Câu trả lời nằm ở sự kết hợp hài hòa giữa chính sách và nỗ lực cá nhân.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm