Ảnh minh họa.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Gia Lai, kể từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 10.019 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Số ca mắc sốt xuất huyết tại Gia Lai tăng 9,2 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, tại các địa phương ghi nhận nhiều ca bệnh nhất là huyện Đak Pơ (1.181 ca), thành phố Pleiku (1.131 ca), huyện Krông Pa (920 ca), huyện Chư Prông (850 ca)… Dịch bệnh xảy ra ở 214/220 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố.
Để kiểm soát tốt dịch sốt xuất huyết, tỉnh Gia Lai yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo, nắm chắc tình hình, kiểm soát dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn tỉnh, nhất là dịch sốt xuất huyết, không để dịch chồng dịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với tình hình dịch bệnh; nâng cao tinh thần chủ động, khả năng phòng, chống dịch ở các cấp, đồng thời tăng cường hệ thống giám sát, nâng cao năng lực điều trị.
Trao đổi với PV VTV, ông Hồ Ngọc Gia, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết, công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại Gia Lai đã và đang được triển khai hiệu quả. Việc số ca mắc sốt xuất huyết năm nay tăng cao là theo chu kỳ 3 năm.
Ngành Y tế đã chuẩn bị sẵn các phương án phòng dịch. Thời gian tới, dự đoán dịch sốt xuất huyết sẽ giảm vì đã vào giai đoạn cuối chu kỳ. Tuy nhiên, ngành Y tế vẫn duy trì các biện pháp phòng dịch như phun thuốc diệt muỗi, tuyên truyền người dân tăng cường công tác dọn vệ sinh, thu gom rác thải…
Hiện công tác thu dung, điều trị bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại các bệnh viện lớn trong tỉnh Gia Lai được thực hiện hiệu quả, không xảy ra tình trạng quá tải.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hiện bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân dành 10 phút mỗi tuần để diệt bọ gậy, lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như thường xuyên lau rửa, đậy kín các bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào các vùng nước đọng, hốc nước có nguy cơ phát sinh lăng quăng; ngủ màn, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi để phòng muỗi đốt ....
Đặc biệt, khi phát hiện sốt cao 39-40 độ C đột ngột, liên tục, cần đi khám bệnh để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp, không tự ý điều trị tại nhà. Dịch sốt xuất huyết bùng phát theo mùa, có tính chất chu kỳ. Do thời tiết thời gian qua nóng ẩm, kèm nhiều mưa là điều kiện thích hợp để loăng quăng, bọ gậy phát triển.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm