Thành lập từ năm 2011, Công ty cổ phần tập đoàn Hải Âu (công ty Hải Âu, địa chỉ: 72 Miếu Đầm, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất và phân phối máy làm đá viên sạch tinh khiết.
Trong hơn 10 năm phát triển, đội ngũ lãnh đạo của công ty Hải Âu không chỉ chú trọng phá triển sản phẩm mà còn định hướng hòa nhập trong thời đại công nghệ 4.0 về quản lý doanh nghiệp. Điển hình là sự đầu tư cho các giải pháp phần mềm quản lý, ngày 30/08/2018, Công ty cổ phần tập đoàn Hải Âu và Công ty TNHH Giải pháp Phần mềm CMC (Công ty CMC) ký bản Hợp đồng cung cấp bản quyền phần mềm và dịch vụ triển khai phần mềm hệ thống thông tin quản lý doanh nghiệp Sap Business one. Tổng giá trị hợp đồng là hơn 800 triệu đồng.
Tổng giám đốc Công ty CMC thừa nhận đã cung cấp sản phẩm phần mềm không đúng với HĐ ký kết
Khi đặt bút ký hợp đồng này, ban lãnh đạo công ty Hải Âu tin tưởng vào một bước đột phá. Tuy nhiên, đáp lại kỳ vọng ấy là sự ê chề, một thương vụ đầu tư... hớ mà hậu quả vẫn còn đến tận bây giờ.
Cụ thể, theo hợp đồng, ngày khởi động dự án được tính từ 11/10/2018, thời gian kéo dài không quá 4 tháng. Thế nhưng, tới tận 16/10/2019, phía Công ty CMC mới bàn giao sản phẩm cho Công ty Hải Âu. Như vậy, Công ty CMC đã chậm tiến độ 8 tháng so với hợp đồng ký kết.
Không những vậy, sau khi nhận phần mềm, quá trình nhập liệu cho thấy phần mềm không nhận dữ liệu, nhập liệu không ra báo cáo hoặc liên tục báo lỗi, xảy ra sự cố. Thậm chí, có những thời điểm thì không thể mở được phần mềm để sử dụng.
Theo cam kết trong Hợp đồng đã ký, phần mềm này phải sử dụng tối đa được 100 người dùng cùng lúc. Tuy nhiên, thực tế sử dụng, phần mềm quản lý do công ty CMC cung cấp không đáp ứng được yêu cầu đã nêu.
Công ty Hải Âu đã nhiều lần liên hệ với công ty CMC để được hỗ trợ thì tổng đài chăm sóc khách hàng thường xuyên không nghe máy, có khi 1 - 2 ngày sau mới trả lời. Thậm chí, có những lỗi đến một tuần vẫn chưa được phía đối tác tiếp nhận, phản hồi.
“Doanh nghiệp bỏ khoản tiền lớn ra để mua phần mềm, những mong tạo đột phá, không ai nghĩ lại rơi vào cảnh khổ sở như vậy. Phần mềm bị lỗi gây tổn thất rất lớn trong hoạt động của công ty chúng tôi”, đại diện Công ty Hải Âu bức xúc nói.
Mỗi tháng, công ty Hải Âu vẫn phải chi 2-3 triệu đồng để duy trì sever cho sản phẩm phần mềm "lỗi". Ảnh chụp màn hình
Nhận thấy sự kỳ vọng đã tiêu tan vì một sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, Công ty Hải Âu đã gửi công văn đề nghị công ty CMC chấm dứt hợp đồng. Đồng thời, yêu cầu Công ty CMC phải hoàn trả các khoản tiền bao gồm: 649,7 triệu đồng đã thanh toán theo hợp đồng, phí chịu phạt là 8% giá trị hợp đồng theo cam kết và số tiền 209,3 triệu đồng chi phí thuê sever để vận hành phần mềm lỗi đó.
Ngày 27/11/2019, ông Nguyễn Kim Cương – Tổng Giám đốc công ty CMC, đã có buổi làm việc cùng Công ty Hải Âu. Theo đại diện Công ty Hải Âu, tại buổi làm việc trên, ông Nguyễn Kim Cương thừa nhận 2 lỗi là không thể cung cấp được phần mềm có khả năng 100 người dùng cùng lúc như cam kết trong Hợp đồng và chậm trễ hỗ trợ khách hàng khi có phản ánh lỗi phần mềm.
Tuy vậy, sau buổi họp, Công ty CMC cũng không có động thái đền bù về việc không thực hiện được cam kết trên hợp đồng. Do đó, ngày 17/01/2020, Công ty Hải Âu chính thức làm đơn khởi kiện Công ty CMC ra Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy. Ngày 10/02/2020, Toà án nhân dân quận Cầu Giấy đã thông báo thụ lý vụ án. Sau đó, toà đã mời 2 bên lên thương lượng và hoà giải nhưng không thành công.
Tiếp theo, từ tháng 09/2020 đến tháng 03/2022, Công ty Hải Âu tiếp tục 3 lần gửi đơn "Đề nghị thụ lý vụ án” tới Tòa án nhân dân Cầu Giấy nhưng đến nay phiên toà cũng vẫn chưa được xét xử.
Thực tế, trong suốt thời gian gần 3 năm (kể từ 10/2019), mỗi tháng, Công ty Hải Âu vẫn phải bỏ ra khoản tiền 2-3 triệu đồng/tháng để duy trì sever cho một phần mềm lỗi, không thể sử dụng. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận hành, gây thiệt hại kinh tế cho Doanh nghiệp.
"Chúng tôi mong Toà án nhân dân quận Cầu Giấy đẩy nhanh tiến độ để đưa vụ án ra xét xử. Phía công ty CMC không khác gì “đem con bỏ chợ”, phủi tay không có trách nhiêm. Là doanh nghiệp SME, chúng tôi thấy uất ức khi bị doanh nghiệp lớn vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại lớn nhưng không được bồi thường, khắc phục", đại diện Công ty Hải Âu nói.
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Kim Cương – Tổng Giám đốc công ty CMC cho biết vụ việc liên quan vẫn đang chờ tòa phân xử và không thông tin gì thêm.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm