Ông Đỗ Thành Trung quê gốc Ninh Bình, là con thứ 6 trong một gia đình nghèo khó với 9 anh chị em. Từ năm học lớp 4, ông chuyển ra sống tại Quảng Ninh cùng gia đình người chị cả.
Chính trong những năm tháng cơ cực, ông đã học được cách kiếm tiền. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo giới, ông bộc bạch:”… Ngày bé, tôi vẫn hàng ngày đạp xe hơn hai chục cây số lên thị xã Ninh Bình để bán kem. Tôi hiểu hơn ai hết cái khổ, cái nhục của người nghèo không được học hành đến nơi đến chốn”.
Đến năm 1983, ở tuổi 17, ông xung phong đăng ký đi bộ đội. Sau khi rời quân ngũ, ông bắt đầu tham gia vào lĩnh vực kinh doanh than. Chỉ sau một vài năm, cái tên Trung “con” (biệt danh của ông) đã được biết đến rộng rãi trong giới khai thác than. Có chút vốn liếng, ông bắt đầu chủ quan và cho khách hàng nợ nần nhiều. Nhưng đến năm 1992, hàng loạt khách hàng “bùng” và do đó gần như toàn bộ cơ nghiệp của ông mất sạch.
3 tháng sau, ông tiếp tục đi làm thuê với mức lương 500.000 đồng/tháng. Dần dần, với cơ chế kinh doanh thay đổi, cùng nhãn quan nhạy bén, ông đã trở lại thương trường với một lượng xe tải thuê tung hoành các bãi than đất mỏ.
Năm 1994, ông có 20 đầu xe và số vốn dư ra hơn 300 triệu đồng. Đến năm 1995, ông quyết định mở bến xuất khẩu. Đến năm 1996, ông Trung thành lập Công ty TNHH Hỗ trợ và phát triển hàng công nghiệp Quảng Ninh với số vốn ban đầu là 600 triệu đồng. Đây chính là tiền thân của Tập đoàn Indevco sau này và cũng là công ty tư nhân đầu tiên ở Quảng Ninh.
Ở Indevco, ông Trung suốt thời gian dài đảm trách vai trò Chủ tịch HĐQT, TGĐ và người đại diện theo pháp luật, trước khi chuyển giao các vị trí này cho ông Đỗ Tiến Dũng (SN 1989) vào tháng 4/2019. Dù vậy, sức ảnh hưởng của vị doanh nhân sinh năm 1966 vẫn rất lớn khi nắm 99,589% vốn Tập đoàn Indevco (tính tới tháng 9/2017).
Đáng chú ý, năm 2016, đại gia Trung "con" gây xôn xao dư luận cả nước khi thông qua Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Hoa Lư tặng UBND tỉnh Ninh Bình 3 chiếc xe ô tô hạng sang trị giá 6,6 tỷ đồng để phục vụ việc "phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn".
Tuy nhiên, sau khi có nhiều ý kiến trái chiều, Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã quyết định từ chối nhận số xe biếu tặng nói trên.
Theo tìm hiểu của PV, Tập đoàn Indevco sở hữu nhiều công ty con, công ty liên kết, liên quan hoạt động dàn trải trên các lĩnh vực như: Gia công chế biến than, sản xuất kính dân dụng, môi trường đô thị, xây dựng lò hỏa thiêu hay công viên nghĩa trang…
Cụ thể, tại Quảng Ninh – địa bàn chính của Tập đoàn, Indevco là chủ đầu tư dự án Công viên nghĩa trang An Lạc quy mô 630,9 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 1.500 tỷ đồng tại các xã Vũ Oai, Hòa Bình, huyện Hoành Bồ (tỉnh Quảng Ninh).
Bên cạnh đó, Indevco còn là chủ đầu tư dự án Trung tâm xử lý chất thải rắn, trồng cây ăn quả, rau sạch chất lượng cao và công viên cây xanh tại phường Quang Hanh, TP. Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) quy mô hơn 713 ha, tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng. Dự án đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 từ tháng 4/2015 và UBND TP. Cẩm Phả phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/500 từ tháng 8/2015.
Tuy nhiên, diện tích quy hoạch của dự án lại chồng lấn lên 2 giấy phép khai thác khoáng sản của 2 đơn vị thành viên của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) nên đã nảy sinh nhiều vướng mắc. Điều này dẫn đến tiến độ triển khai dự án bị chậm so với kế hoạch đề ra. Tập đoàn Indevco đã đề nghị UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh dự án về khu vực huyện Hoành Bồ với diện tích khoảng 300 ha (thuộc phần diện tích của dự án Công viên nghĩa trang An Lạc).
Trong năm 2007, bằng hình thức tham gia góp vốn với TKV, Indevco đã đầu tư vào dự án Cảng Cửa Suốt (Quảng Ninh) với tổng giá trị đầu tư là 450 tỷ đồng; hay dự án Nhà máy sản xuất Soda tại Cẩm Phả với mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng;…
Trong lĩnh vực bất động sản, Indevco là công ty mẹ sở hữu 84,44% vốn điều lệ tại CTCP Đầu tư Xây dựng Đô thị Phương Đông – chủ đầu tư dự án Khu đô thị Phương Đông Vân Đồn (Quảng Ninh). Dự án này có quy mô 171,42 ha. Ngoài ra, Phương Đông cũng được biết đến là chủ đầu tư các khu công nghiệp lớn như Tam Anh tại Quảng Nam với diện tích 165 ha; Cảng Nam Cửa Việt tại Quảng Trị hay khu công nghiệp Khánh Cư tại Ninh Bình, diện tích 52 ha.
Ngoài địa bàn Quảng Ninh, Tập đoàn Indevco thông qua Công ty TNHH công nghiệp Hạ Long - CFG là chủ sở hữu Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng, chất lượng cao Hạ Long CFG (tỉnh Ninh Bình), công suất thiết kế 1.200 tấn/ngày, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Indevco còn sở hữu Nhà máy kính nổi Chu Lai (Quảng Ngãi) qua công ty con là CTCP Kính nổi Chu Lai – CFG; nhà máy này có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ, công suất 900 tấn/ngày.
Đáng chú ý, tập đoàn còn là chủ đầu tư dự án nghĩa trang An Lạc Viên Indevco Thái Nguyên (Thái Nguyên). Dự án đã khánh thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động từ tháng 12/2017 với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.
Với sự cho phép của Chính phủ vào ngày 5/10/2007, Tổng Công ty An Lạc Viên (thuộc Tập đoàn Indevco) được thành lập và triển khai dự án đài hoá thân An Lạc Viên ở 11 tỉnh, thành trong cả nước.
Dù sở hữu nhiều dự án với tổng mức đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng, khá bất ngờ khi lợi nhuận Tập đoàn Indevco (công ty mẹ) trong mấy năm trở lại đây chỉ dao động ở mức vài tỷ đồng.
Dữ liệu của PV, doanh thu Tập đoàn Indevco trong năm 2019 đạt 628,4 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ. Trừ đi các chi phí, lãi thuần giảm mạnh về 4,8 tỷ, tương đương giảm 7,7%.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Tập đoàn Indevco tính đến hết ngày 31/12/2019 là 2.325 tỷ, giảm 4,3% so với số đầu kỳ. Trong đó, cấu thành chủ yếu tài sản là vốn chủ sở hữu 1.687 tỷ đồng (chiếm 72,5%).
Trong khi đó, các công ty liên hệ với Tập đoàn Indevco lại có tình hình tài chính khá khởi sắc, mà nổi bật nhất là Phương Đông.
Cụ thể, doanh thu thuần công ty năm 2019 đạt 5.335 tỷ đồng, tăng trưởng 207% so với cùng kỳ; lãi thuần 916 tỷ đồng, tăng rất mạnh so với năm 2018 chỉ là 519 triệu đồng. Đây cũng là những con số doanh thu và lợi nhuận cao nhất của Phương Đông giai đoạn 2016 – 2019.
Về phía Công ty TNHH công nghiệp Hạ Long - CFG và CTCP Kính nổi Chu Lai – CFG, các công ty này trong năm 2019 lần lượt báo lãi thuần 19,8 tỷ và 181 tỷ đồng.
Cuối năm 2020, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu 2 địa phương Hạ Long, Cẩm Phả thu hồi hơn 61 tỷ đồng tiền tạm ứng xử lý rác cho Tập đoàn Indevco theo kết luận của Kiểm toán nhà nước Khu vực 6. Bởi theo hợp đồng ký kết, chi phí mỗi tấn rác thải được xử lý hoàn chỉnh là 410.000 đồng/tấn, nhưng nếu chỉ chôn lấp rác, thì số tiền các địa phương phải trả cho doanh nghiệp chỉ bằng 1/6 số tiền thực tế đã trả. |
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm