Những ngày gần đây, hàng loạt người dùng nhận cuộc gọi lừa đảo tự xưng là người của Cục Viễn thông hoặc Trung tâm quản lý nhà mạng, hỏi thuê bao có phải sim chính chủ không, đồng thời yêu cầu đưa thông tin như tên tuổi, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân để kiểm tra trên hệ thống và hướng dẫn nhấn phím để biết thêm chi tiết.
Chia sẻ trên Tạp chí tri thức trực tuyến, anh T. Tâm (Thanh Xuân, Hà Nội) nhận được một cuộc gọi từ số máy lạ. Khi nhấc máy, đầu dây bên kia thông báo tới anh Tâm thuê bao của anh sẽ bị khóa trong 2 giờ tiếp theo dưới dạng giọng nói trả lời tự động và hướng dẫn anh nhấn phím 9 để biết thêm chi tiết.
Sau khi nhấn phím, anh Tâm được điều hướng tới một người tự xưng là cán bộ từ Cục Viễn thông, đề nghị anh cung cấp nhiều thông tin cá nhân như số CCCD, họ và tên đầy đủ để xác nhận tình trạng của thuê bao.
"Do đã đọc nhiều tin tức về dạng cuộc gọi lừa đảo yêu cầu nhấn phím để biết thêm thông tin nên tôi cũng cảnh giác hơn. Khi người kia nói là từ Cục Viễn thông và muốn biết số CCCD, tôi có từ chối và hỏi thêm về lý do SIM của tôi lại sắp bị khóa gấp như vậy thì 'cán bộ' kia lập tức gác máy", anh Tâm kể lại.
Anh Tâm nhận được cuộc gọi giả mạo Cục Viễn thông với lời đe dọa SIM sẽ bị khóa trong 2 giờ kèm yêu cầu cung cấp nhiều thông tin cá nhân. Ảnh: NVCC.
Chia sẻ trên báo Dân trí, các chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho biết đây là một trong những kịch bản phổ biến được nhiều đối tượng lừa đảo sử dụng. Mục đích của các đối tượng lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng. Những thông tin cá nhân này sau đó có thể bị lạm dụng cho nhiều mục đích khác nhau.
Xác nhận trên báo Công thương, Đại diện Cục Viễn thông xác nhận trên báo Công thương, có hiện tượng kẻ xấu lợi dụng việc chuẩn hóa thông tin thuê bao để yêu cầu người dùng đăng nhập, cung cấp thông tin qua các đường link, website giả mạo.
Cục khẳng định họ và các cơ quan quản lý nhà nước nói chung không thực hiện việc gọi điện tới người dân dọa khóa thuê bao hay yêu cầu chuẩn hóa thông tin. Việc chuẩn hóa chỉ được thực hiện bởi kênh chính thức của nhà mạng. Người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động tra cứu, trao đổi qua kênh chính thống.
Trao đổi với Tạp chí tri thức trực tuyến, ông Ngô Minh Hiếu - chuyên gia bảo mật từ dự án Chống Lừa Đảo - cho hay dạng cuộc gọi lừa đảo này nổi lên do lợi dụng tình hình các thuê bao có thông tin chưa chính xác chỉ còn 15 ngày để hoàn thiện lại trước khi bị dừng cung cấp dịch vụ.
Ông Hiếu cho biết các đối tượng sẽ thực hiện hành vi giả mạo để đánh cắp thông tin hoặc cung cấp những đường dẫn, trang web lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.
"Khi đã có số CCCD và họ tên đầy đủ của người dùng, các đối tượng có thể tập hợp lại cùng thông tin sẵn có để hình thành danh tính hoàn hảo. Danh tính này được sử dụng trong những lần lừa đảo tiếp theo hoặc để tạo tài khoản ví điện tử, mạng xã hội hay các dịch vụ trực tuyến khác để phục vụ các hành vi xấu", ông Hiếu cho hay.
Trước thực trạng cuộc gọi lừa đảo đang rộ trở lại, các chuyên gia khuyến nghị, người dùng nên chủ động kiểm tra thuê bao điện thoại của mình đã chuẩn hóa theo quy định hay chưa để tránh mắc bẫy.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm