Với trường hợp đầu tiên là bé gái 2 tuổi, được chu được bệnh viện tuyến trước chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 với biểu hiện khó thở, tím tái. Theo chia sẻ của người nhà, lúc mẹ cho bé ăn thì đang khóc rồi đột ngột ho sặc, khó thở. Thấy thế người nhà vội đưa bé đến bệnh viện.
Tại Khoa Cấp cứu, bé được đặt ống nội khí quản, thở máy nhưng vẫn tím. Ê-kíp nội soi gồm bác sĩ hô hấp và tai mũi họng thực hiện lấy dị vật khẩn. Dị vật được lấy ra là một con tép ở phế quản gốc trái. Sau khi dị vật được lấy ra, bé hết khó thở, rút được nội khí quản và tình trạng ổn định.
Còn trường thứ 2 là trai 4 tuổi. Được biết bé nhập viện vì tình trạng khò khè kèm theo khó thở đã 4 tháng nay. Gia đình đã điều trị ở nhiều nơi nhưng không khỏi. Tại đây, các bác sĩ tiến hành chụp CTscan ngực ở bệnh viện tuyến trước phát hiện ở phế quản gốc phải có bất thường, nghi có vật lạ trong lòng phế quản nên chuyển Bệnh viện Nhi đồng 2.
Bé được nội soi phế quản bằng ống soi mềm và gắp ra dị vật là một mảnh nhựa đồ chơi. Mẹ cũng không biết là bé đã hít dị vật vào đường thở khi nào, chỉ nhớ là cách đây 4 tháng thấy bé có ho sặc và khò khè sau khi chơi đồ chơi một mình.
Trong khi đó, trường hợp thứ 3 là bé gái 2 tuổi, được bà cho ăn hạt bí ở nhà. Bé đang ăn thì ho sặc sụa rồi tím tái. Gia đình đưa bé đến bệnh viện gần nhà sơ cứu rồi chuyển tới Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng lơ mơ, suy hô hấp, co gồng tay chân.
Bé được đặt nội khí quản, thở máy và nội soi phế quản cấp cứu trong đêm, hút ra nhiều mảnh hạt bí làm bít tắc đường thở. Sau can thiệp, bé được chăm sóc tại Khoa Hồi sức. May mắn là bé phục hồi được tri giác và hô hấp ổn định.
Theo các bác sĩ, dị vật đường thở ở trẻ em rất dễ xảy ra vì trẻ còn đang ở tuổi khám phá và chưa ý thức được nguy cơ hít sặc. Mức độ nguy kịch khi dị vật kẹt trong đường thở có nhiều mức độ: Khó thở dữ dội và tử vong ngay trong vòng vài phút nếu dị vật bít tắc hoàn toàn khí quản. Suy hô hấp, tím tái nếu dị vật bít tắc 1 phần khí quản, di chuyển trong khí quản hoặc bít hoàn toàn phế quản gốc 1 bên. Thiếu oxy kéo dài có thể gây tổn thương não. Ho, khò khè kéo dài, không đáp ứng điều trị nếu dị vật bít một phần phế quản gốc hoặc phế quản thùy.
Các bác sĩ cũng đưa ra một vài nhận biết và xử lý. Nếu trẻ còn hồng hào, khóc được, nói được, la hét, không khó thở, cha mẹ nên đặt ở tư thế ngồi thở, giữ yên trẻ và đưa đến bệnh viện để khám và gắp dị vật ra.
Nếu trẻ xuất hiện tím tái, khó thở, không khóc hoặc khóc yếu, cha mẹ nhanh chóng gọi cấp cứu, người hỗ trợ và tiến hành thủ thuật vỗ lưng, ấn ngực. Nếu không được cần đưa bé đến cơ sở gần nhất.
Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng khuyến cáo: Phụ huynh cần lưu ý không cho trẻ cười đùa hoặc nói lúc thức ăn đang trong miệng. Không cho trẻ ăn lúc đang khóc, đang ho. Không sử dụng ống hút để hút các thức ăn/uống có dạng hạt tròn. Không cho trẻ ăn các thức ăn dễ sặc vào đường thở như hạt dưa, hạt bí, hạt đậu. Trẻ tập ăn dặm nên sử dụng thức ăn mềm để không tạo thành dị vật khi trẻ cắn nát...
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm