Ngày 19/3, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Bệnh viện Chợ Rẫy, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam về việc cứu chữa bệnh nhân ngộ độc đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
Theo đó, sau khi nhận được thông tin về 10 trường hợp người dân sau khi ăn cá chép muối ủ chua đã xuất hiện tình trạng ngộ độc và được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, để phổi hợp với bệnh viện cấp cứu, điều trị bệnh nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử đội chuyên môn đến hỗ trợ đến trực tiếp tại Bệnh viện đa khoa khu vực phía Bắc Quảng Nam; Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ từ xa và Viện Pasteur Nha Trang đã tìm hiểu nguyên nhân dịch tễ các trường hợp ngộ độc sau ăn cá chép muối ủ chua.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh đánh giá cao Sở Y tế tỉnh Quảng Nam và các Bệnh viện: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam và Viện Pasteur Nha Trang đã chủ động, tích cực và phối hợp kịp thời để cấp cứu, chống độc, điều trị cho người bệnh, đồng thời tìm nguyên nhân gây ngộ độc.
Để tiếp tục cứu chữa, tìm nguyên nhân và phòng, chống ngộ độc, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy và Sở Y tế tỉnh Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi Bắc Quảng Nam và các cơ sở y tế trên địa bàn tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực, phối hợp tiếp tục cứu chữa người bệnh, tìm hiểu nguyên nhân. Trong trường hợp cần huy động sự hỗ trợ chuyên môn của các bệnh viện khác, Bộ Y tế sẽ huy động các bệnh viện hỗ trợ.
Ngoài ra, Cục cũng đề nghị Sở Y tế tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, khuyến cáo cho người dân, cộng đồng về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh các trường hợp tương tự xảy ra trên địa bàn.
Trong đó, đặc biệt truyền thông để người dân biết được các thông tin về ngộ độc Botulinum theo hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc Botulinum ban hành kèm theo Quyết định số 3875/QĐ-BYT ngày 07/9/2020 của Bộ Y tế như loại thực phẩm gây ngộ độc, cách sử dụng thực phẩm để loại bỏ độc tố, các dấu hiệu nghi ngờ để đến khám tại các cơ sở khám, chữa bệnh….
Các bệnh nhân ngộ độc botulinum sau khi ăn cá chép ủ muối chua đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Báo Thanh niên
Cũng trong ngày 19/3, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo về 2 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại huyện Phước Sơn.
Cụ thể, vụ thứ nhất khoảng 9h ngày 7/3, 11 người ăn tại lễ cúng đâm trâu tại nhà bà H.T.N (ngụ xã Phước Đức). Sau khi ăn, 4 người bị ngộ độc chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Phước Sơ cấp cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Đến 13/3, 1 trong 4 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm đã tử vong.
Vụ thứ hai xảy ra lúc 12h ngày 16/3, năm người dùng cơm trưa tại nhà anh H.V.Đ. (xã Phước Kim, huyện Phước Sơn). Đến chiều 17/3, bốn người bị ngộ độc và được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn với triệu chứng đau đầu, đau họng, người mệt, buồn nôn…
Ngay khi nhận được thông tin, Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử đội chuyên môn đến hỗ trợ đến trực tiếp tại Bệnh viện đa khoa khu vực phía Bắc Quảng Nam. Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ từ xa và Viện Pasteur Nha Trang đã tìm hiểu nguyên nhân dịch tễ các trường hợp ngộ độc sau ăn cá chép muối ủ chua.
Về tình hình sức khỏe của các nạn nhân, theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Nam, hiện ba người thở máy; một người biểu hiện nôn mửa, đau bụng, giơ tay, chân yếu; một người buồn nôn, bụng mềm, đau quặn bụng. Các bệnh nhân còn lại sức khoẻ ổn định.
Mẫu món cá chép muối ủ chua được xác định dương tính với vi khuẩn Clostridium botulinum type E. Độc tố botulinum có thể gây ra bệnh liệt mềm nghiêm trọng ở người và động vật, là độc tố mạnh nhất, có từ tự nhiên hoặc tổng hợp, với liều lượng gây chết người là 1,3-2,1 nano g/kg.
Sau sự việc trên, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã có công văn về việc tăng cường biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm trước nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc khi người dân có thói quen sử dụng thức ăn truyền thống như thực phẩm lên men.
Tại công văn này, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đề nghị các địa phương, đặc biệt là vùng núi cao tăng cường thông tin, truyền thông, giáo dục về kiến thức an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đồng thời, đề nghị người dân không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua, thay vào đó nên tiêu hủy cá ủ chua nếu còn tại gia đình. Bà con cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương như món cá chép ủ chua. Đặc biệt, người dân cần tuyệt đối không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm