Ngày 7 và 8/9, Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với công tác thi và quản lý chất lượng khối Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) được tổ chức tại Bắc Ninh.
Kết luận Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 đối với công tác thi và quản lý chất lượng khối sở GD&ĐT diễn ra ngày 7/9, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn - nhấn mạnh, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 thành công trọn vẹn, đạt được các mục tiêu. Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, công bằng, phù hợp với thực tế.
Báo cáo tổng kết ghi nhận, kỳ thi năm 2022 cơ bản giữ ổn định về phương thức như năm 2021. Đáng chú ý, năm 2022 là năm đầu Bộ GD&ĐT tổ chức đăng ký dự thi trực tuyến, có tới 93,12% thí sinh lựa chọn hình thức đăng ký này trong tổng hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi. Hệ thống quản lý thi hoạt động ổn định, việc đăng ký dự thi của thí sinh diễn ra cơ bản thuận lợi, đảm bảo số liệu thi chính xác, tin cậy.
98,75% thí sinh đăng ký đã tham dự kỳ thi. 18 thí sinh trong tổng số 79 thí sinh thuộc diện F0 dự thi. Trên cả nước, 2.243 điểm thi với 42.293 phòng thi được đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp các em không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.
Kết quả thi và kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT nhìn chung đảm bảo khách quan, công bằng, đánh giá sát trình độ thí sinh và phản ánh sát đúng thực tế dạy học của các địa phương trên phạm vi toàn quốc.
Trong năm học 2022-2023, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không còn phù hợp; xây dựng, hoàn thiện quy chế thi, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về thi tốt nghiệp THPT bảo đảm thực tiễn, khả thi, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2022 và hoàn thiện để công bố và từng bước chuẩn bị triển khai phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.
Về kỳ thi sắp tới, năm 2023 và năm 2024, quan điểm của Bộ GD&ĐT và hội nghị thống nhất giữ ổn định mô hình, cách thức tổ chức để phù hợp chương trình GDPT 2006 đang triển khai những năm cuối cùng. Song song, kỳ thi sẽ tiếp tục phát huy và tiếp tục hoàn thiện thêm yếu tố ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Đồng thời, rà soát, xem xét nếu cần thiết sẽ ban hành quy chế thi mới để khắc phục một số điểm chưa thật thuận tiện.
Về những thay đổi của kỳ thi từ 2025, Bộ trưởng cho biết một vài phương án đã được dự kiến, lấy ý kiến chuyên gia, tuy nhiên, trước khi lấy ý kiến rộng hơn cần cân nhắc đến nhiều phương diện. Điều quan trọng nhất là thực hiện được nguyên tắc kế thừa những ưu điểm của kỳ thi hiện nay, và điều chỉnh để phù hợp với đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Chương trình này tiếp cận theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng, do đó, nên kỳ thi phải gia tăng tính chất là một kỳ thi đánh giá năng lực. Nguyên lý này đặt ra những thách thức, khó khăn trong triển khai thực hiện, do đó, cần thêm thời gian để tính toán kỹ lưỡng phương án thi từ năm 2025.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề cập đến hai phương diện cần đẩy mạnh hơn nữa, đó là tính phân cấp, trách nhiệm trong chủ động tuyển sinh của trường đại học và ứng dụng công nghệ.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm