Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, năm 2022, thí sinh chủ yếu lựa chọn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp và xét học bạ. Tỉ lệ thí sinh nhập học theo 2 phương thức trên lần lượt là 47,98% và 37,18%.
Trong số gần 20 phương thức xét tuyển, nhiều phương thức có kết quả thí sinh học thấp dưới 1%; trong đó thấp nhất là phương thức xét tuyển qua phỏng vấn - tỷ lệ thí sinh nhập học 0,00%. Tiếp đến là phương thức kết hợp kết quả học tập cấp THPT với với phỏng vấn để xét tuyển, tỷ lệ sinh viên nhập học đạt 0,01%.
Dưới đây là một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, số thí sinh nhập học rất ít so với chỉ tiêu cũng như trong tổng số thí sinh nhập học:
TT |
Phương thức xét tuyển |
Tỉ lệ |
1 |
Thi văn hóa do CSĐT tổ chức để xét tuyển |
0,50% |
2 |
Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển |
0,25% |
3 |
Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển |
0,27% |
4 |
Chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển |
0,13% |
5 |
Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển |
0,26% |
6 |
Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển |
0,50% |
7 |
Xét tuyển qua phỏng vấn |
0,00% |
8 |
Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với với phỏng vấn để xét tuyển |
0,01% |
Tại Hội nghị Tuyển sinh năm 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) khuyến cáo, các cơ sở đào tạo phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển. Đồng thời đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển.
Trên cơ sở đó, loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả. Các cơ sở đào tạo cũng cần có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Phải đưa đúng, đủ, chính xác thông tin thí sinh trúng tuyển sớm theo quy định. Mặt khác, nghiên cứu sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT làm điều kiện sơ tuyển…
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, các trường đại học đưa ra nhiều phương thức xét tuyển thường có hai lý do là: mong muốn tuyển được nhiều thí sinh và thể hiện đặc thù của mỗi đơn vị đào tạo.
TS Nguyễn Quốc Chính viện dẫn, năm 2022, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sử dụng phương thức xét tuyển thẳng - mỗi trường THPT 1 thí sinh học tập tốt nhất.
So với các phương thức khác, phương thức này có tỉ lệ thí sinh nhập học rất thấp nhưng đó là chính sách thu hút tài năng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
“Quan trọng là chúng tôi đã truyền tải được thông điệp thu hút nhân tài và văn minh. Năm nay, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì phương thức xét tuyển này” - TS Nguyễn Quốc Chính thông tin.
Trao đổi tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn – cho hay, Bộ có đầy đủ dữ liệu và cung cấp thông tin để các trường thấy được sự khác nhau giữa các phương thức xét tuyển.
Thực tế có sự không công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Trách nhiệm của các trường là tự xác định, phân tích các phương thức tương quan. Đồng thời tự xác định điểm đầu vào để làm căn cứ đưa ra chỉ tiêu cho các phương thức khác nhau.
Bộ đưa ra khuyến cáo không dừng ở số lượng mà còn nhiều yếu tố khác để giúp các trường rà soát lại phương thức xét tuyển. Bộ không yêu cầu các trường bỏ phương thức xét tuyển, mà đây là dịp lãnh đạo các trường xem xét các phương thức xét tuyển có thực sự hiệu quả với đơn vị mình hay không.
Bộ GD&ĐT lưu ý, cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện Đề án tuyển sinh năm 2023. Trong đó, cần hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh. Các cơ sở đào tạo có thể loại bỏ những phương thức không cần thiết. Đồng thời, định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm