Ký túc xá của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. Ảnh: VNU.
“Nhà trọ đắt lắm, đăng ký ở ký túc xá đi cho rẻ, bố mẹ đỡ tốn tiền”.
Đây là điều là mà Nguyễn Trang (quê ở Nam Định) nghe được trong những ngày gần đây. Gia đình, họ hàng đều khuyên em nên chọn ở ký túc xá khi lên Hà Nội học đại học để tiết kiệm chi phí.
Băn khoăn ở ký túc xá hay đại học
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Nguyễn Trang cho hay khả năng cao em sẽ đậu đại học ở quận Cầu Giấy - khu vực đông sinh viên. Nếu thuê trọ, có thể nữ sinh sẽ phải tốn từ 2 triệu đồng mỗi tháng, chưa bao gồm tiền điện, nước…
“Nếu cả nhà không khuyên, em vẫn tính đến chuyện ở ký túc xá vì giá thuê trọ đắt quá", Trang chia sẻ.
Tương tự, thi tốt nghiệp THPT 2024 được 26,4 điểm, Dương Yến (quê ở Nghệ An) đăng ký hai nguyện vọng vào Học viện Kỹ thuật quân sự và Đại học Dược Hà Nội. Tính toán khả năng đỗ vào trường quân đội thấp hơn, Yến đã bắt đầu tìm hiểu dần về việc ăn ở, sinh hoạt nếu theo học Đại học Dược Hà Nội.
Mấy ngày nay, Yến lên mạng tìm hiểu về giá nhà trọ quanh khu vực trường. Khảo sát một vòng, Yến thấy với giá 3,5 triệu đồng, em có thể thuê được căn phòng rộng khoảng 20 m2, có đủ giường, tủ, bàn bếp, vệ sinh khép kín. Yến khá ưng ý với những phòng trọ như vậy. Thế nhưng, 3,5 triệu đồng đang là mức chi khá cao đối với gia đình nữ sinh nếu em không tìm được bạn ở ghép.
Yến quay sang tìm hiểu thêm ký túc xá của trường. Địa điểm chỉ cách trường khoảng 1 km, nữ sinh nghĩ việc đi học chắc hẳn sẽ thuận tiện. Mức chi phí ở ký túc giá cũng vừa phải, giá thuê mỗi tháng chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng, rẻ hơn nhiều nếu thuê trọ.
Dù vậy, Yến vẫn còn băn khoăn bởi ký túc xá thường giới hạn giờ ra vào, hơi bất tiện nếu em đi làm thêm. Ngoài ra, Yến cũng lo ngại vấn đề an ninh hay vệ sinh khi nghe thế hệ đi trước kể lại rằng “ký túc xá không sạch sẽ, dễ mất trộm”. Ngoài ra, việc không được nấu ăn cũng là vấn đề cần lưu ý.
Nguyễn Trang cũng nghe về những “giai thoại” ở ký túc xá như không được đi đêm về hôm, dễ cãi nhau với bạn cùng phòng, bạn dẫn người yêu về phòng...
Tự đánh giá bản thân là người dễ tính nên Trang không quá ngại vấn đề này, nhưng em vẫn hơi băn khoăn chuyện nấu ăn. Nếu ký túc xá không cho nấu nướng, nữ sinh sẽ phải ăn ngoài. Như vậy, chi phí ăn uống khá tốn kém, kèm theo đó là nguy cơ ăn uống không hợp vệ sinh và không đảm bảo dinh dưỡng.
Nhà trọ tăng giá, ký túc xá “lên ngôi"
Chia sẻ kinh nghiệm ở với các tân sinh viên, Lưu Hiệu (sinh viên năm thứ 2 tại Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM) cho biết một năm trước, khi chuẩn bị nhập học, nam sinh cũng phân vân việc ở trọ hay ký túc xá. Thế nhưng, giá phòng trọ lên tới 3-4 triệu đồng/phòng và với xu hướng giá ngày càng tăng khiến Hiệu “quay xe”, chọn đăng ký vào ký túc xá.
Ở đây, mỗi kỳ, Hiệu đóng 2,5 triệu đồng, tức chỉ mất 500.000 đồng mỗi tháng cho tiền phòng. Cộng thêm các chi phí điện, nước, mạng khoảng 150.000 đồng, nam sinh tiết kiệm kha khá tiền cho bố mẹ khi chi phí chỉ bằng 1/5 so với thuê trọ.
Trong ký túc xá cũng có rất nhiều tiện ích như nhà vệ sinh khép kín, bàn học, bàn ăn, tủ cá nhân, nhà để xe, thư viện… Phòng của Hiệu có 3-8 sinh viên ở (tùy thời điểm) nhưng diện tích khá rộng nên vẫn thoáng. An ninh ở đây cũng được đảm bảo, muốn ra vào, sinh viên phải quẹt thẻ đã được đăng ký ban đầu.
Dù ký túc xá giới hạn giờ giấc, 22h30 sẽ đóng cửa, song Hiệu cũng không thấy bất tiện vì dù đi làm thêm, em cũng chọn chỗ làm gần, tan sớm để không về trễ.
Điều Hiệu thấy vui nhất là tìm được những người bạn hợp tính ở ký túc xá. Do được sắp xếp ở xen kẽ với sinh viên năm 2-3, năm nhất của Hiệu “nhẹ nhàng” hơn khi thường xuyên được các anh khóa trên hỗ trợ, giúp đỡ trong quá trình học và sinh hoạt.
“Tất nhiên vẫn sẽ có những bất tiện như mình không được nấu ăn, phải đi ăn ngoài, chi phí sẽ cao hơn một chút, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Dù vậy, trải nghiệm ở ký túc xá của mình tốt hơn nhiều so với số tiền phải bỏ ra nên hiện tại, mình vẫn chưa có ý định chuyển ra ngoài", Hiệu chia sẻ.
Tương tự, Minh Huyền, sinh viên tại Đại học Kiểm sát Hà Nội, cũng chỉ ra những ưu điểm khi ở ký túc xá.
Đầu tiên là về giá cả. Huyền ở ký túc xá phòng 6 người, tiền phòng 400.000 đồng/tháng, điện nước tính giá rẻ hơn so với giá dân và tiền Wi-Fi là 300.000 đồng/tháng kèm theo gói truyền hình.
Điều thứ 2 Huyền thấy thích khi ở ký túc xá là được ở chung với những người bạn học chung ngành. Do đó, khi học tập và ôn thi cuối kỳ, cả phòng có thể hỗ trợ lẫn nhau, lịch học cũng khá đều nhau nên mọi người đều cảm thấy thoải mái và không bị ảnh hưởng.
Ngay từ khi nhận phòng ký túc xá, Huyền và 5 người bạn cùng phòng đã cùng nhau thống nhất một số quy định nên nhìn chung mọi người ở với nhau khá hòa hợp, không có xích mích hay cãi vã.
Điều thứ 3 là ký túc xá của Đại học Kiểm sát Hà Nội cho phép người nhà đến thăm. Huyền cho biết nếu phụ huynh muốn đến thăm con, sinh viên chỉ cần đăng ký trước với ban quản lý, có thể phụ huynh sẽ được hỗ trợ sắp xếp chỗ ngủ qua đêm.
“Điều em không thích khi ở ký túc xá là không được nấu ăn, phải ăn ngoài và ký túc xá đóng cửa sớm nên khó đi chơi về muộn”, Huyền nói.
Bài học kinh nghiệm khi ở ký túc xá
Sau một năm ở ký túc xá của trường, Minh Huyền rút ra được một số bài học để các tân sinh viên tham khảo.
Về chuyện đăng ký ở ký túc xá, Huyền khuyên rằng phải đăng ký càng nhanh càng tốt để tránh hết suất. Tại trường của nữ sinh, chỉ khoảng 60% sinh viên được phép đăng ký ở ký túc xá, kèm với điều kiện sinh viên không có hộ khẩu Hà Nội.
Trong quá trình chung sống với bạn cùng phòng, nữ sinh khuyên các tân sinh viên nên sinh hoạt gọn gàng, sạch sẽ và cần tôn trọng cuộc sống riêng tư của mỗi người.
Huyền lấy ví dụ trong thời gian cả phòng học bài hoặc nghỉ ngơi, các bạn không nên gây tiếng ồn hoặc nói chuyện quá to tiếng để tránh ảnh hưởng người khác.
Ngay từ khi nhận phòng, theo Huyền, sinh viên nên mạnh dạn trao đổi với bạn cùng phòng về những nguyên tắc khi sống chung như giữ vệ sinh sạch sẽ, không tự ý dùng đồ dùng cá nhân của người khác, không đưa người yêu về phòng…
"Chọn ở ký túc xá nghĩa là bạn sẽ sống chung với nhiều người nên bạn không nên giữ cái tôi quá cao để tránh gây xích mích.
Ngoài ra, các bạn không nên bầu trưởng phòng mà hãy giữ quyền lợi bình đẳng, đồng thời sòng phẳng trong chuyện tiền bạc, như vậy mọi người sẽ dễ sống với nhau hơn”, Huyền nói.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm