Quảng cáo rầm rộ, bán đất mộ giá cao, cùng hàng loạt dịch vụ tiện ích với giá “trên trời”
Nghĩa trang Lạc Hồng Viên hay còn có cái tên khá mỹ miều là “công viên tâm linh” bất ngờ gần đây nhận được sự quan tâm của truyền thông với những lời tung hô có cánh như: công viên nghĩa trang đặc biệt nhất Việt Nam, siêu công viên nghĩa trang đẹp nhất Việt Nam cũng như số một của châu Á, thậm chí còn được cho là điểm du lịch lý tưởng… Điều này khiến không ít người dân khá tò mò, không biết về lai lịch của công viên tâm linh này ra sao, liệu vị trí, dịch vụ tại đây có xứng với những lời quảng cáo như trên truyền thông?
Theo tìm hiểu, Lạc Hồng Viên là dự án công viênnghĩa trang của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Toàn Cầu, hiện được quản lý bởi chi nhánh của công ty là Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Toàn Cầu – Lạc Hồng Viên. Được biết, nghĩa trang Lạc Hồng Viên nằm trên vị trí khá đắc địa, tọa lạc trên khuôn viên 9 quả đồi với diện tích 98ha tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, nằm sát trục đường Quốc lộ 6, cách trung tâm Hà Nội 52km, cách TP. Hòa Bình 20km. Năm 2009, Lạc Hồng Viên bắt đầu khởi công và đến 1/1/2011 chính thức đưa những khuôn viên đầu tiên vào sử dụng.
Mặc dù mới kinh doanh đất mộ không bao lâu, nhưng đầu năm 2013, nghĩa trang Lạc Hồng Viên đã gây xôn xao dư luận khi thông tin về ngôi mộ có giá lên tới gần 5 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, theo lời ông Trần Tuấn Anh, đại diện ban quản lý nghĩa trang Lạc Hồng Viên, chỉ tính riêng tổng giá trị đất khu mộ rộng hơn 200m2 đã hơn 3 tỷ đồng, tương ứng 15 triệu đồng/m2. Ngoài ra, theo Ban quản lý nghĩa trang Lạc Hồng Viên, ngôi mộ này đắt bởi gia đình còn mua thêm gói dịch vụ coi sóc ngôi mộ, điều này khiến ngôi mộ có giá trị xấp xỉ một căn chung cư hạng sang ở Hà Nội.
Qua tìm hiểu của báo Thanh Tra, nghĩa trang Lạc Hồng Viên được quy hoạch khá cẩn thận khi người mua hoàn toàn có thể lựa chọn ngôi mộ theo dạng “biệt thự” hay “liền kề”. Theo đó, "Biệt thự" là những lô đất rộng để làm khu mộ gia đình hoặc chỉ có một ngôi mộ trên khoảng đất cả trăm mét, còn loại "liền kề" là những ngôi mộ sát nhau được xây dựng theo khuôn mẫu. “Ăn” theo đó, tại Lạc Hồng Viên mở ra vô vàn các loại dịch vụ như: lau chùi, dọn cỏ và có cả người đi… thắp hương vào ngày rằm, mùng 1. Thậm chí gần đây ông Trần Tuấn Anh CEO Lạc Hồng Viên – Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Toàn Cầu, người hay được biết đến với cái tên “Tuấn Anh mồ mả” thông tin với truyền thông khi cho biết, từ năm 2010 Lạc Hồng Viên đã áp dụng dịch vụ cúng giỗ online, áp dụng thực tế ảo để tham quan toàn bộ khuôn viên dự án, có App (ứng dụng) riêng, cập nhật ảnh khuôn viên từng phần mộ. Khi con cái nhớ bố mẹ đã mất hay nhớ người thân, ông bà tổ tiên thì có thể thỉnh thoảng mở ra xem và có thể nhẹ nhàng thắp một nén hương… online.
Ông chủ Lạc Hồng Viên âm thầm kinh doanh
Buôn bán đất mộ “đắt như tôm tươi” là vậy, thậm chí cung cấp hàng loạt dịch vụ thu phí với giá cao cho khách hàng như: Thiết kế xây dựng phần mộ và khuôn viên cảnh quan, chăm sóc phần mộ, cúng giỗ online, trang điểm thẩm mỹ cho người mất, bán đất mộ, cầu siêu, mai táng, lưu trữ bảo quản tro cốt…thế nhưng Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Toàn Cầu – chủ đầu tư dự án nghĩa trang Lạc Hồng Viên lại hoàn toàn không phát sinh doanh thu và lợi nhuận trong những năm qua.
Có thể nói việc công ty đã kinh doanh và phát triển qua nhiều năm bằng bán đất mộ và hàng loạt các dịch vụ khác đi kèm mà không hề phát sinh doanh thu là điều gây khó hiểu. Đặc biệt hơn khi quy mô của doanh nghiệp này có thời điểm đã lên đến hơn nghìn tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, con số này đã giảm xuống còn 921 tỷ đồng.
Theo đăng ký thay đổi trên đăng ký kinh doanh, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Toàn Cầu có 3 cổ đông sáng lập gồm: Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Cali và 2 cá nhân là ông Nguyễn Mạnh Tuyền và ông Nguyễn Phúc Hào. Công ty hiện có vốn điều lệ lên đến 500 tỷ đồng trong đó ông Nguyễn Mạnh Tuyền nắm đến 95,99% cổ phần trong khi Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Cali nắm 4%, số còn lại thuộc về ông Nguyễn Phúc Hào.
Ông Nguyễn Mạnh Tuyền (SN 1970) hiện tại đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty và từng có nhiều giai đoạn kiêm Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vị trí kiêm nhiệm này đã được chuyển giao cho ông Trần Tuấn Anh (SN 1980). Cá nhân này hiện không nắm giữ cổ phần tại Toàn Cầu.
Ngoài chi nhánh được ủy quyền kinh doanh Lạc Hồng Viên, hệ sinh thái của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Toàn Cầu còn có các thành viên như: Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Cali; Công ty CP Tư vấn giám sát Đông Nam Á và Công ty TNHH MTV Toàn Cầu Hòa Bình. Các pháp nhân này chủ yếu thực hiện các hạng mục liên quan đến Lạc Hồng Viên.
Khác với Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Toàn Cầu, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Cali có phát sinh doanh thu nhưng trồi sụt thất thường và con số cũng không vượt quá xa mức 50 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng thu về thường rất mỏng chỉ vài trăm triệu. Năm 2020, con số bất ngờ tăng vọt lên 2,8 tỷ đồng nhưng số lãi lại giảm mạnh một năm sau đó xuống chỉ còn 1,2 tỷ đồng.
Quy mô công ty cũng biến động khó lường với tổng tài sản dao động quanh ngưỡng 200-400 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, con số này ở mức 273 tỷ đồng, giảm đến 28% so với cuối năm trước. Vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm chỉ ở mức 35,4 tỷ đồng có thể do thua lỗ những năm trước và mới có lãi trở lại trong những năm gần đây.
Được biết, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Cali do ông Nguyễn Mạnh Tuyền và 2 cộng sự là ông Ngô Xuân Lục và ông Nguyễn Văn Vương sáng lập vào tháng 4/2006. Công ty có vốn điều lệ 50 tỷ đồng trong đó ông Nguyễn Mạnh Tuyền góp phần lớn tuy nhiên theo đăng ký kinh doanh thay đổi gần nhất vào tháng 8/2018, tỷ lệ góp vốn của cá nhân này không hiển thị đi dù vốn điều lệ không thay đổi. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Mạnh Tuấn (SN 1974) – Tổng giám đốc Công ty.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm