Gia đình vui mừng khi đón em bé chào đời. Ảnh: BVCC/Báo Tuổi Trẻ.
Ngày 7/4, trao đổi với PV Báo Tuổi Trẻ, BSCKII Nguyễn Thị Minh Phượng, chủ nhiệm khoa phụ sản Bệnh viện 354 (Hà Nội), thông tin về một trường hợp đặc biệt là sản phụ 51 tuổi (trú tại Bắc Giang), dù đã là bà nội của hai cháu 11 tuổi và 7 tuổi nhưng vẫn mang thai hoàn toàn tự nhiên và sinh thường một bé gái nặng 3,2kg.
Theo lời kể của thai phụ, người này đã có 2 cháu nội, 11 tuổi và 7 tuổi. Trước khi biết mình mang thai, bà có kinh nguyệt không đều nên chủ quan khi bị mất kinh. Sau khi mất kinh liên tục vài tháng, người phụ nữ bỗng thấy có gì đó "đạp" trong bụng nên đi siêu âm.
Kết quả siêu âm cho thấy thai phụ đã có thai 22 tuần. Bệnh nhân rất bàng hoàng, vui buồn lẫn lộn. Sau khi bàn bạc và suy nghĩ, thai phụ có ý định bỏ thai vì tuổi cao và xấu hổ khi sinh con ở thời điểm đã có cháu nội.
Khi được tư vấn em bé không có gì bất thường và không nên bỏ thai, gia đình và bệnh nhân đã nghe lời khuyên của bác sĩ giữ lại đứa trẻ.
Các nhân viên y tế phải theo dõi sát sao các chỉ số của mẹ và thai nhi, đặc biệt là vấn đề dinh dưỡng cũng như các dị tật. May mắn, các chỉ số đều ổn định và sản phụ sinh con đúng dự kiến.
Nhưng với trường hợp của người sản phụ trên, các bác sĩ đã khuyên gia đình nên mổ đẻ nhưng mọi người lại mong muốn sinh thường. Do đó, các bác sĩ đã theo dõi rất sát sao từ quá trình chuyển dạ đến khi em bé chào đời.
“Chúng tôi nghe theo nguyện vọng của gia đình để sản phụ sinh thường nhưng vẫn chuẩn bị sẵn sàng phương án mổ đẻ nếu cần thiết. Rất may, sản phụ đã sinh thường thành công em bé nặng 3,2 kg”, chia sẻ thêm với PV Tạp chí Tri thức trực tuyến, BSCKII Nguyễn Thị Minh Phượng cho biết.
Theo bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh tuyệt đối không chủ quan, bởi giai đoạn này tuy chu kỳ kinh nguyệt thất thường nhưng hoàn toàn có khả năng thụ thai. Do vậy, khi thấy không có kinh nguyệt, cần phải thử thai hoặc đi khám sản phụ khoa. Ngoài ra, cần phải thực hiện những biện pháp tránh thai hợp lý.
Với phụ nữ, mang thai và sinh đẻ ở độ tuổi cao sẽ rất nguy hiểm và thai nhi nguy cơ xảy ra dị tật cao hơn so với phụ nữ trẻ tuổi. Ngoài ra, còn đối mặt với các bệnh lý như tiểu đường, thậm chí thai lưu.
Đặc biệt, quá trình sinh nở cũng dễ xảy ra biến chứng, nhất là việc xương đã bị lão hóa, khung xương chậu không còn như thời trẻ nên gây khó khăn cho quá trình sinh. Tại Bệnh viện 354, kỷ lục cao tuổi sinh con thuộc về một sản phụ 47 tuổi và người bà nội vừa rồi đã phá kỷ lục người lớn tuổi sinh con tại bệnh viện.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm