Thông tin trên Báo An Giang cho biết, ngày 24/10, ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã ký Công văn 1219 /UBND-KTN chỉ đạo tăng cường công tác đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Tại công văn này, UBND tỉnh An Giang yêu cầu Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp và thương nhân đầu mối, tổng đại lý, thương nhân phân phối xăng dầu tiếp tục thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn 242/UBND-KTN tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu và đảm bảo nguồn cung xăng dầu.
Cụ thể, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các ngành chức năng bảo đảm cung ứng xăng dầu tại địa phương, cũng như chịu trách nhiệm triển khai đến các doanh nghiệp, thương nhân đầu mối, tổng đại lý, doanh nghiệp, thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện nghiêm hoạt động cung ứng xăng dầu.
Cục Quản lý thị trường phối hợp sở, ban, ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu và đảm bảo nguồn cung xăng dầu; khuyến cáo người dân không mua tích trữ xăng dầu là không cần thiết, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, đe dọa tính mạng, tài sản của bản thân và hộ dân xung quanh.
Các doanh nghiệp đầu mối các trách nhiệm đảm bảo nguồn cung cho hệ thống xăng dầu trên địa bàn tỉnh (gồm các cửa hàng bán lẻ trực thuộc, các thương nhân phân phối); thực hiện xây dựng kế hoạch mua hàng, dự trữ đảm bảo nguồn hàng cho hệ thống phân phối xăng dầu được hoạt động kinh doanh liên tục, không gián đoạn. Bên cạnh đó, cung cấp hàng đầy đủ, đúng hạn theo hợp đồng đã ký với các thương nhân phân phối; chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hài hòa, hợp lý.
Một cửa hàng xăng dầu ở An Giang thông báo hết xăng. Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống
Trước đó, trao đổi với Thông tấn xã Việt Nam, ông Nguyễn Minh Hùng, Giám đốc Sở Công Thương An Giang thông tin, trên địa bàn tỉnh An Giang có 5 thương nhân đầu mối xăng dầu (chiếm 36,5%); 6 thương nhân phân phối và 2 tổng đại lý trong tỉnh (48%); 21 thương nhân phân phối ngoài tỉnh (15,5%) và khoảng 571 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương tỉnh An Giang đã tiếp nhận 24 thông báo tạm ngừng kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp; trong đó đã chấp thuận cho 11 cửa hàng xăng dầu tạm ngừng kinh doanh (do gia đình tổ chức đám cưới nghỉ 1-2 ngày, cải tạo cửa hàng xăng dầu, đường giao thông đang sửa chữa xe bồn không lưu thông được).
Đến nay, đã có 9 cửa hàng xăng dầu hoạt động trở lại và 2 cửa hàng xăng dầu còn tạm dừng do đường giao thông đang sửa chữa. Đồng thời, chưa chấp thuận cho 13 cửa hàng xăng dầu tạm ngừng kinh doanh vì lý do kinh doanh thua lỗ, hoa hồng thấp, hết vốn kinh doanh, không người quản lý cửa hàng,…
Những ngày đầu tháng 10/2022, rất nhiều cây xăng trên địa bàn tỉnh An Giang tạm ngừng hoạt động hoặc treo biển "hết xăng, còn dầu"; trong khi đó một số khác chỉ bán xăng theo hạn "mức khiến" người dân bức xúc và lo lắng.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Huỳnh Ngọc Hồ - Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết, nguyên nhân là do doanh nghiệp phân phối, cung ứng nhỏ giọt, số lượng ít hàng ngày nên chỉ đủ để các cửa hàng bán trong một thời gian. Trong đó có một số cửa hàng đã đặt hàng nhưng doanh nghiệp chưa giao hàng kịp thời.
Trước tình trạng này, Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang đã triển khai trực 24/24h để kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của các cây xăng trên địa bàn. Trường hợp phát hiện đơn vị nào còn xăng không bán thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm