Theo Sức khoẻ & Đời sống, chiều 13/6, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết khu vực phía Nam. Hội nghị có sự tham gia của đại diện trung tâm kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế thuộc 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Tại hội nghị, ThS.BS Lương Chấn Quang - Phó Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận 39.317 trường hợp mắc sốt xuất huyết nhập viện (tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 1.193 ca mắc nặng, 36 người tử vong.
Như vậy, có thể thấy, 80% ca mắc và 100% ca tử vong vì sốt xuất huyết ghi nhận tại khu vực phía Nam. Đặc biệt, số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh trong 4 tuần trở lại đây, chiếm gần 50% số ca mắc và 45% tổng số ca tử vong tích lũy từ đầu năm đến nay.
Năm nay, số ca sốt xuất huyết nặng cũng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do sốt xuất huyết nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.
Khoa sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CAND
Nguồn tin trên TTXVN cho biết, cũng tại hội nghị này, Phó Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP.HCM dự báo trong thời gian tới, nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời, số ca mắc sốt xuất huyết và số ca tử vong sẽ tiếp tục tăng.
Hiện nay các địa phương thiếu kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, thiếu nhân sự, thiếu dịch truyền cao phân tử, thiếu hóa chất phun diệt muỗi...Trong khi đó, người dân khi mắc bệnh thường đến các cơ sở y tế tư nhân, do đó thông tin về các ca bệnh bị bỏ sót, ngành y tế không kịp thời xác định được ổ bệnh khiến dịch bệnh lây lan rộng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế, trước hết, ngành y tế địa phương cần tham mưu, chủ động xây dựng kế hoạch để Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành cùng vào cuộc trong phòng, chống sốt xuất huyết. Công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết cần tập trung vào các hoạt động chính là truyền thông, vệ sinh môi trường, giám sát ca bệnh, diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy), xóa điểm nguy cơ...
Ngoài ra, ngành y tế cũng cần tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, giám sát chặt hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh của từng địa phương cũng như người dân. Y tế địa phương cũng cần thực hiện tốt việc điều trị, tập huấn cho các cơ sở y tế tư nhân kịp thời điều trị các trường hợp mắc sốt xuất huyết, hạn chế tối đa số ca tử vong.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm