I - Ngải cứu chữa đau khớp gối có hiệu quả không?
Ngải cứu tuy được biết tới nhiều như một loại gia vị, nguyên liệu dùng trong nấu ăn, thế nhưng đây là một loại dược liệu được sử dụng rất nhiều trong các phương pháp trị liệu cổ truyền Trung Quốc. Từ xa xưa người ta đã sử dụng ngải cứu để điều trị các chứng bệnh như đau bụng kinh, cầm máu, trị suy nhược cơ thể và cả chứng viêm đau xương khớp.
Theo phân tích của y học hiện đại, thành phần của ngải cứu chứa rất nhiều hợp chất khác nhau như flavonoid, coumarin, absinthin, anabsinthine cho khả năng kháng viêm rất tốt. Còn theo Đông y, cây ngải cứu cho tác dụng làm ấm cơ thể, trừ phong thấp, giảm đau... do vậy được ứng dụng để trị rất nhiều loại bệnh, trong đó có các chứng bệnh về xương khớp.
Một thử nghiệm được thực hiện trên mẫu gồm 110 người, trong đó 55 người được sử dụng phương pháp châm cứu bằng ngải cứu, 55 người thì sử dụng giả dược. Kết quả có tới 53% số người châm cứu với ngải cứu cảm thấy đỡ đau khớp gối hơn, trong khi đó người uống giả dược chỉ có tỷ lệ khoảng 24%. Mặc dù thời gian hiệu quả không được công bố, thế nhưng đó cũng là minh chứng cho thấy sự hiệu quả của ngải cứu.
II - Những cách chữa đau khớp gối bằng ngải cứu phổ biến
1. Ngải cứu rang muối và gừng trị đau khớp gối
Mẹo rang nóng ngải cứu với muối và gừng không những giúp phát huy tác dụng của ngải cứu mà còn lợi dụng nguồn nhiệt nóng & khả năng giữ nóng của muối. Ngoài ra còn kết hợp với khả năng chống viêm, thông mạch của gừng để tối ưu tốt hơn hiệu quả. Cách thực hiện như sau:
- Ngải cứu loại bỏ lá bị vàng úa, giữ cuống, rửa sạch, để khô và thái nhỏ.
- Gừng đập dập.
- Rang ngải cứu cùng 1 ít muối và gừng đã đập dập trên chảo. Nên sử dụng lửa to và nên rang trong khoảng 10 phút, sao cho ngải cứu khô lại là được. Bạn có thể bổ sung thêm 4 - 5ml rượu trắng để tăng thêm tác dụng của phương pháp.
- Bọc hỗn hợp ngải cứu, muối và gừng đã rang vào một chiếc khăn mỏng. Chườm khăn lên vùng khớp gối bị đau, bạn nên chườm tới khi khăn không còn nóng. Chú ý nên thử nhiệt độ nóng trước khi chườm.
- Nếu cơn đau vẫn chưa thuyên giảm, bạn cần bỏ hỗn hợp đã sử dụng đi và thực hiện làm một hỗn hợp mới. Bởi các tinh chất ngải cứu đã gần như bay sạch trong lần sử dụng đầu tiên. Nếu rang lại sẽ không có tác dụng nhiều.
Trong trường hợp khớp gối bị viêm nhiễm, có vết thương hở thì người bệnh không nên tự ý sử dụng phương pháp này.
XEM THÊM: Cách chữa đau khớp gối bằng gừng
2. Ngải cứu và lá lốt giảm đau đầu gối
Trong lá lốt chứa khá nhiều hợp chất cho tác dụng kháng oxy hóa và kháng viêm, nên việc sử dụng với ngải cứu sẽ càng làm tăng hiệu quả lên rất tốt. Và những nguyên liệu này thường rất dễ kiếm, nên khá tiện lợi cho người bị đau khớp gối sử dụng để giảm đau.
Cách thực hiện:
- Ngải cứu, lá lốt mang đi rửa sạch và thái nhỏ.
- Cho vào cối và giã chừng khoảng 2 - 3 phút (giã qua).
- Rang nóng trên chảo chừng 7 - 10 phút rồi đổ ra bọc vào một tấm vải.
- Chườm vào vị trí đau cho tới khi hỗn hợp nguội. Chú ý không sử dụng lại hỗn hợp cũ, tốt nhất nên làm một mẻ mới. Nên thực hiện khoảng 2 - 3 lần mỗi ngày.
3. Ngải cứu pha giấm chữa đau khớp gối
Sự kết hợp lá ngải với giấm là phương pháp được nhiều người áp dụng vì mang lại hiệu quả cao. Nguyên liệu chỉ cần lá ngải và giấm táo với cách thực hiện như sau:
- Rửa sạch lá ngải và cho vào cối giã nát.
- Đổ một ít giấm táo và trộn đều với phần lá ngải. Chú ý chỉ đổ một lượng giấm vừa phải để tránh quá ướt.
- Rang lá ngải cứu đã trộn giấm trên chảo nóng. Sau đó đổ vào một miếng vải sạch, mềm rồi bọc lại.
- Ngồi yên và chườm lên vị trí khớp bị đau khoảng 15 phút, mỗi ngày chườm 2 - 3 lần để hoạt chất trong lá ngải cứu giúp tác động tới khớp, từ đó hỗ trợ giảm đau tốt.
4. Uống nước cốt ngải cứu giảm đau gối
Tuy cách dùng lá ngải cứu chữa đau khớp gối qua đường uống cho hiệu quả không nhanh bằng việc chườm nóng, thế nhưng xét về tính lâu dài thì sẽ tốt hơn. Bởi các tinh chất của ngải cứu sẽ đi 100% vào cơ thể và thẩm thấu dần theo thời gian, từ đó có thể trị được cơn đau dứt điểm.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch lá ngải cứu để loại bỏ bụi bẩn hoặc tạp chất.
- Đun sôi nước sau đó cho ngải cứu vào. Để lửa nhỏ và nấu trong khoảng 15-20 phút.
- Tắt bếp và để nước cốt lá ngải cứu nguội tự nhiên.
- Chắt lấy nước cốt, bỏ lại lá và đổ ra cốc uống. Bạn nên uống vào buổi sáng, trưa, chiều sau bữa ăn.
Chú ý, mùi của nước cốt lá ngải cứu có thể sẽ hơi khó chịu với một số người, vì vậy bạn cân nhắc trước khi sử dụng phương pháp này.
5. Ngải cứu và mật ong trị đau nhức khớp gối
Mật ong cũng là một loại dược liệu được sử dụng nhiều để hỗ trợ bệnh, sự kết hợp giữa lá ngải và mật ong cũng giúp người đau khớp gối cải thiện bệnh hiệu quả. Cách thực hiện như sau:
- Lá ngải nhặt hết các lá bị vàng úa, dập nát, đem đi rửa sạch và xay nhuyễn lấy nước cốt.
- Lấy khoảng 2 thìa mật ong đổ vào phần nước cốt sau đó khuấy đều để tạo thành một hỗn hợp. Sử dụng hỗn hợp này để uống mỗi ngày vào buổi sáng và chiều.
6. Chế biến ngải cứu thành món ăn trị đau khớp gối
Sử dụng ngải cứu kết hợp với bữa ăn hàng ngày cũng là phương pháp giúp người bị đau gối vừa có thể chữa bệnh, vừa thưởng thức những món ăn ngon và đa dạng. Có rất nhiều món ăn có thể sử dụng lá ngải, dưới đây là một vài món dễ nấu và phổ biến nhất:
6.1 Canh ngải cứu lá lốt
Nguyên liệu:
- 200g ngải cứu.
- 10-15 lá lốt tươi.
- 1 củ hành tím.
- 1 lít nước dùng (nước luộc thịt hoặc nước lọc).
- Gừng tươi, tỏi (tùy khẩu vị), Muối, đường, nước mắm, hạt nêm, dầu ăn.
Cách nấu:
- Lá lốt cắt bỏ cuống, ngải cứu thái lát nhỏ và mang đi rửa sạch.
- Băm nhuyễn hành tím, gừng và tỏi.
- Ướp thịt với gia vị theo khẩu vị.
- Đun nước sôi (nước lọc hoặc nước luộc thịt) sau đó cho thêm hành tím, gừng và tỏi băm vào.
- Cho ngải cứu và lá lốt đã thái vào nấu. Nêm gia vị sao cho vừa ăn. Không nên nấu quá lâu để giữ được màu xanh tươi của ngải cứu, chừng 5 - 7 phút là bạn tắt bếp.
- Thưởng thức.
ĐỪNG BỎ LỠ: Viêm, đau khớp gối nên ăn gì & kiêng ăn gì?
6.2 Trứng chiên ngải cứu
Nguyên liệu đơn giản với ngải cứu và 2 quả trứng gà và làm theo các bước sau:
- Đem lá ngải đi rửa sạch hết bụi bẩn, để ráo nước và cắt nhỏ lại, đập trứng vào rồi thêm mắm muối vừa đủ.
- Trộn đều rau ngải và trứng, sau đó rán chín vàng.
Món ăn dễ chế biến và có thể sử dụng 2 - 3 lần mỗi tuần, mang lại lợi ích tốt cho người bệnh xương khớp.
7. Ngâm hoặc tắm với lá ngải cứu chữa đau khớp gối
Việc dùng lá ngải cứu để tắm hoặc ngâm không những có tác dụng tốt cho chứng đau viêm khớp gối, ngoài ra cũng giúp trị đau nhức ở toàn bộ các vị trí xương khớp khác, không những vậy cũng giúp giảm stress và dễ ngủ.
- Chuẩn bị: ngải cứu, gừng, sả.
- Rau ngải cứu rửa sạch, cắt thành từng khúc, gừng và sả rửa sạch và đập nhỏ. Đổ tất cả hỗn hợp vào khoảng 2 lít nước và đun sôi rồi tắt bếp.
- Lọc lấy nước và pha thêm nước lạnh để tắm và ngâm chân sẽ giúp khớp gối được thư giãn, giảm bớt căng thẳng.
Nên sử dụng phương pháp này ít nhất 1 lần mỗi ngày. Ngoài ra không nên sử dụng quá muộn, tốt nhất nên trước 19h và đảm bảo nhiệt độ nước nóng vừa phải.
III - Những lưu ý khi sử dụng ngải cứu trị đau khớp gối
Để quá trình sử dụng lá ngải điều trị cơn đau khớp gối tốt nhất, người bệnh và người nhà cần lưu ý tới những vấn đề sau:
- Về hiệu quả: Bài thuốc bằng lá ngải được áp dụng và đem lại hiệu quả tốt nhất đối với những trường hợp đau khớp gối nhẹ. Đối với trường hợp nặng cần đi khám để có phác đồ điều trị tốt hơn. Tùy vào cơ địa mỗi người mà hiệu quả mang lại nhanh hay chậm, do đó, đối với một vài trường hợp hiệu quả không như mong đợi.
- Đối tượng sử dụng: Những người mắc bệnh về đường ruột, dạ dày, gan, phụ nữ có thai, huyết hư không nên sử dụng phương pháp này
- Liều lượng: Ngải cứu tuy tốt nhưng vẫn có thể gây tác dụng phụ, ví dụ rối loạn tiêu hóa, bệnh lý về gan, ngộ độc… Do đó không nên quá lạm dụng.
- Về cách sử dụng: Nếu dùng ngải cứu trị đau khớp gối qua việc tiếp xúc với da, cần đảm bảo nhiệt độ không quá nóng để tránh bị bỏng.
Đối với cách chữa đau khớp gối bằng lá ngải, chỉ là phương pháp được xem như hỗ trợ điều trị bệnh, giúp cải thiện cơn đau khó chịu. Chính vì vậy, bác sĩ khuyên rằng, khi thấy cơn đau đầu gối xuất hiện, nên tới cơ sở ý tế thăm khám để tránh gây ảnh hưởng tới quá trình điều trị về sau.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm