Chính phủ vừa ban hành Nghị định 47/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/9.
Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hoá không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi cung cấp đầy đủ, chính xác một số thông tin gồm: tên hàng hóa, họ và tên, địa chỉ, số CMND/CCCD, số điện thoại liên hệ của người gửi, số điện thoại liên hệ của người nhận. Đối với cân nặng hàng hóa có thể yêu cầu hoặc không.
Thông tin trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho hay, dù Nghị định có hiệu lực từ 1/9, nhưng hiện tại nhiều doanh nghiệp vận tải đã bắt buộc người gửi hàng hóa trên xe khách phải cung cấp các thông tin về tên hàng hoá, họ và tên, địa chỉ, số CMND/CCCD... cho tài xế.
Đại diện nhà xe Văn Minh chuyên chạy tuyến Hà Nội - Nghệ An - Hà Tĩnh cho biết, việc yêu cầu người gửi hàng hoá phải cung cấp CMND/CCCD... là để kiểm soát được nguồn gốc hàng hoá, loại bỏ vận chuyển các loại hàng hoá không có nguồn gốc, hàng cấm vận chuyển.
Ảnh minh hoạ
Trước đó, như Báo VTV News thông tin, ừ trước đến nay, gửi hàng qua xe khách là dịch vụ vô cùng tiện lợi. Việc không cần giấy tờ hay thủ tục giao nhận, giá thành rẻ, thời gian vận chuyển nhanh nên hình thức ký gửi hàng hóa trên xe khách ngày càng được nhiều người dân lựa chọn.
Tuy nhiên, hình thức này lại nảy sinh nhiều bất cập và rất khó kiểm soát. Việc quản lý giao nhận, ký gửi hàng hóa trên các phương tiện vận tải khách còn lỏng lẻo. Cụ thể như trong số hàng hóa ký gửi có thể có cả những hàng hóa dễ gây cháy nổ. Theo cơ quan chức năng, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ cháy xe thời gian vừa qua.
Những kiện hàng được đóng gói cẩn thận, không hỏi mặt hàng gửi là gì, không cần giấy biên nhận, chỉ cần số điện thoại người nhận ghi trên kiện hàng, thùng hàng đã nhanh chóng được đưa lên xe.
Việc gửi và nhận hàng trên các chuyến xe khách đều rất đơn giản, chủ yếu dựa vào uy tín của nhà xe và thỏa thuận miệng giữa đôi bên chứ không chịu bất kỳ ràng buộc về mặt thủ tục, hóa đơn, chứng từ nào. Rất ít tài xế kiểm tra kỹ hàng hóa ký gửi. Do đó, nhiều đối tượng buôn bán hàng cháy nổ đã cất giấu hàng trong hành lý.
Nghị định 47/2022 cũng sửa đổi điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô. Theo đó, taxi phải có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất). Không sử dụng ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Không sử dụng ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi. Đối với những xe ô tô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 10 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày 1/9 thì tiếp tục được sử dụng để kinh doanh vận tải hành khách đến hết niên hạn sử dụng theo quy định. Bên cạnh đó, bổ sung quy định mới về việc lắp thiết bị giám sát hành trình với xe ô tô. Từ ngày 1/7/2023, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera, khi tham gia kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu. Thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera phải đáp ứng đầy đủ các quy định tại Nghị định này. Các đơn vị kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera được quy định tại Nghị định 10/2022 bao gồm: Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) và xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo. |
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm