Tiêm nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19 là điều rất quan trọng, đặc biệt với người già và người có bệnh nền. Ảnh minh họa
Dù không gây bệnh nặng, nhưng biến thể mới có thể gây áp lực lên hệ thống y tế nếu số ca tăng nhanh trên diện rộng.
Biến thể có khả năng lây lan nhanh
Bộ Y tế cảnh báo, sốt xuất huyết, tay chân miệng, Covid-19 đang có xu hướng tăng, yêu cầu các địa phương chủ động phòng, chống dịch. Cảnh báo được đưa ra ngày 25/5 trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp.
Trong nước, ba loại dịch bệnh trên bắt đầu gia tăng tại nhiều khu vực. Đặc biệt, cao điểm du lịch hè sắp tới với nhu cầu di chuyển cao của người dân sẽ làm tăng nguy cơ lây lan.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 640 trường hợp mắc Covid-19 tại 39 tỉnh, thành; không có ca tử vong. Trong đó, Hà Nội có 153 trường hợp mắc, Hải Phòng (138 ca), TPHCM (80 ca), Quảng Ninh (46 ca), số còn lại dưới 25 ca...
So với cùng kỳ năm 2024, số mắc giảm 83,7%. Song, các tuần gần đây ghi nhận sự gia tăng nhẹ. Dù không ghi nhận các ổ dịch tập trung, tuy nhiên số ca mắc đang có sự gia tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, trung bình có 20 ca mắc/tuần.
Trước tình hình gia tăng số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, ngành y tế TPHCM đã thực hiện giải trình tự gen và đã ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng mới NB.1.8.1 với tỷ lệ chiếm ưu thế.
Tối 25/5, Sở Y tế TPHCM cho biết, thành phố đã ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng mới NB.1.8.1 với tỷ lệ chiếm ưu thế. Biến chủng này là nguyên nhân khiến Covid-19 đang gia tăng ở nhiều quốc gia khác.
Theo kết quả phân tích của nhóm nghiên cứu Covid-19 thuộc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), NB.1.8.1 đã được phát hiện trong 83% mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nhập viện điều trị trong tuần thứ 3 của tháng 5/2025.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), NB.1.8.1 là “hậu duệ” của JN.1 (thuộc nhánh Omicron), có nguồn gốc từ XDV.1.5.1. Trong đó, mẫu đầu tiên ghi nhận ngày 22/1.
Ngày 23/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp NB.1.8.1 vào nhóm biến chủng đang được theo dõi (VUM)/. Biến chủng này đã được ghi nhận tại ít nhất 22 quốc gia, gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Đức.
Bác sĩ Hoàng cho biết, về đặc điểm di truyền và lây lan, biến thể này có đột biến đáng chú ý tại vùng RBD protein gai: T478I, A435S, V445H. Yếu tố này giúp virus tăng khả năng bám dính vào tế bào người. Ngoài ra, NB.1.8.1 có thể lây nhanh hơn XEC. Đó là lý do dẫn đến số ca mắc tăng tại TPHCM và Trung Quốc.
Về khả năng tránh né miễn dịch và hiệu quả vắc-xin, mức giảm trung hòa kháng thể chỉ 1,5 - 1,6 lần, tương đương biến chủng LP.8.1.1. Trong khi đó, vắc-xin Pfizer, Moderna năm 2024 - 2025 nhắm JN.1 vẫn tạo miễn dịch chéo hiệu quả với NB.1.8.1.
Trong bối cảnh này, cả Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) và WHO đều khuyến nghị tiếp tục tiêm nhắc lại. Như vậy, theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, biến chủng mới chưa đủ nguy hiểm để làm mất hiệu lực vắc-xin, nhưng có thể làm suy giảm nhẹ miễn dịch.
Chuyên gia này cho biết, người mắc biến chủng NB.1.8.1 thường có triệu chứng phổ biến là sốt nhẹ, đau họng, ho, mệt mỏi, nghẹt mũi, đau cơ. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp triệu chứng như sốt kéo dài, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, đau đầu.
Tính chất triệu chứng kéo dài, nhẹ, dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Đó là yếu tố khiến người bệnh dễ chủ quan, góp phần lây lan âm thầm trong cộng đồng.
Bác sĩ Hoàng lưu ý, điều đáng ngại là biến thể này có khả năng lây lan nhanh với tốc độ cao, chiếm ưu thế trong vài tuần. Dù không gây bệnh nặng, chưa có ca tử vong hoặc nhập viện nặng tại Việt Nam, nhưng biến thể mới có thể gây áp lực lên hệ thống y tế nếu số ca tăng nhanh trên diện rộng. Do đó, người dân cần cảnh giác chuẩn bị, nhưng không gây hoang mang.
Tiếp tục thực hiện “5K mở rộng”
Trước diễn biến mới, Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả bệnh viện và đơn vị y tế trong cả nước rà soát kế hoạch thu dung, điều trị, khu cách ly, thuốc men, vật tư, đặc biệt tập trung bảo vệ nhóm nguy cơ cao: người già, bệnh nền, phụ nữ mang thai.
Thay vì phong tỏa rộng, chiến lược hiện tại tập trung vào quản lý nội viện và kiểm soát chéo trong bệnh viện - nơi dễ xảy ra lây lan nếu không kiểm soát tốt.
Người dân cũng được khuyến cáo không chủ quan. Thông điệp “5K mở rộng” tiếp tục được nhấn mạnh: Đeo khẩu trang tại nơi đông người, đặc biệt ở bệnh viện; rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh cá nhân; tránh tụ tập khi không cần thiết; nâng cao miễn dịch bằng lối sống lành mạnh; đi khám ngay khi có triệu chứng, kể cả nhẹ. Ngoài ra, tiêm nhắc lại vắc-xin là điều rất quan trọng, đặc biệt với người già và người có bệnh nền.
Trước đó, do tình hình ca mắc Covid-19 gia tăng, ngày 25/5 trong văn bản hỏa tốc đến các địa phương về phòng chống bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế có yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng chống Covid-19.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân chủ động phòng, chống dịch, nhưng không nên quá hoang mang. Để chủ động chống Covid-19, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.
Người dân đến và về từ các nước có số ca mắc Covid-19 cao cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe để phòng, chống bệnh cho bản thân, gia đình và người tiếp xúc gần. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với WHO theo dõi chặt chẽ tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp, hiệu quả.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Vũ Cao Cương đã có công văn gửi các đơn vị trực thuộc Sở Y tế Hà Nội. Trong đó, đề nghị CDC Hà Nội tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng. Phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đánh giá nguy cơ, lấy mẫu để xét nghiệm xác định các biến thể. Cùng với đó, cần tăng cường kiểm dịch y tế tại sân bay Nội Bài, đặc biệt giám sát sức khỏe các hành khách đến từ các quốc gia, khu vực có dịch Covid-19 gia tăng hoặc lưu hành biến chủng nguy hiểm.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm