Cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang có những diễn biến bất ngờ trước thông tin doanh nghiệp này bị lỗ liên tiếp trong 3 năm và đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết.
Tuy nhiên, việc áp dụng luật để quyết định HAG "đi hay ở" lại là vấn đề cần phải được xem xét một cách thận trọng. Bởi, các phân tích cho thấy, không có cơ sở để loại HAG ra khỏi cuộc chơi của nhà đầu tư mới tại HAGL.
Diễn biến giá cổ phiếu HAG gây chú ý trong bối cảnh từ cuối tuần trước đến nay, nhiều cổ đông của doanh nghiệp gửi đơn lên các cơ quan như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và cả các cơ quan truyền thông để đề nghị có thông tin rõ ràng hơn về trường hợp “đi hay ở” của cổ phiếu HAG trên HOSE.
Phản ánh đến phóng viên, cổ đông Trần Viết Hải cho biết, căn cứ vào đâu để kết luận HAGL lỗ 3 năm 2017 - 2019. Việc hồi tố lỗ diễn ra vào năm 2020, theo quy định 3 năm trước muốn xác định lỗ phải phát hành lại báo cáo tài chính và phải có kiểm toán, trong khi trong giải trình ngày 25/11/2021, HAGL xác nhận không phát hành lại báo cáo tài chính các năm 2017, 2018, 2019. Muốn kiểm toán lại 3 năm 2017, 2018, 2019 phải được Đại hội đồng cổ đông HAGL thông qua.
“Vậy trường hợp này có đủ căn cứ pháp lý để được coi là lỗ ba năm liên tục 2017, 2018 và 2019 không?”, cổ đông Hải đặt câu hỏi.
Phân tích của nhiều luật sư cho thấy, nếu áp dụng theo Nghị định 155 thì không đủ căn cứ pháp lý để hủy niêm yết HAG, đồng thời để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư mua vào cổ phiếu HAG gần đây với niềm tin rằng doanh nghiệp đang có chuyển biến tốt.
Theo luật sư Nguyễn Anh Đạt – đoàn luật sư Hà Nội, sự việc của HAG là chưa có tiền lệ. “Hiện nay các quy định của pháp luật còn thiếu những quy định rõ rang và chi tiết cơ quan quản lý ra quyết định khó áp dụng luật để đưa ra quyết định cuối cùng”, luật sư Đạt phân tích.
Điều 120 Nghị định 155 quy định hủy bỏ niêm yết trong trường hợp “Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét”.
Tuy nhiên, theo chương V quy chế niêm yết của HOSE: Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong ba (03) năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét. Đối với tổ chức niêm yết có các đơn vị trực thuộc, điều kiện “lỗ lũy kế” được xác định trên báo cáo tài chính tổng hợp. Đối với tổ chức niêm yết có công ty con, điều kiện “lỗ lũy kế” căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất, điều kiện “kết quả sản xuất kinh doanh” căn cứ vào lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất.
Trên thực tế, mặc dù áp dụng hồi tố nhưng năm 2019 , lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo hợp nhất của HAG tuy giảm đi nhưng vẫn là con số dương.
Theo Nghị định 155 do Chính phủ ban hành ngày 31/12/2020 hướng dẫn Luật Chứng khoán, tại Điều 120 khoản 1, điểm e, thì không có quy định hồi tố lỗ.
Đại diện HAG khẳng định năm 2019 HAGL báo lãi, không hề có chuyện 3 năm liên tiếp 2017, 2018, 2019 thua lỗ như một số thông tin được đưa ra gần đây.
Với một sự việc chưa có tiền lệ, nếu cứng nhắc loại HAG khỏi sàn chứng khoán, những cổ đông sẽ là người đầu tiên sẽ chịu thiệt hại bởi các quyết định hành chính từ cơ quan chức năng.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm