Vào ngày 14/2, Tổ chức Y tế Thế giới đã triệu tập cuộc họp khẩn sau khi có ít nhất 9 người tại Guinea Xích đạo tử vong vì sốt xuất huyết virus Marburg. Công tác phát triển vaccine chống virus Marburg cũng đang được gấp rút nghiên cứu.
Ngày 23/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận tính từ đầu năm 2023 đến nay đã có 17 ca mắc virus Marburg ở Guinea Xích đạo và Tanzania, trong đó 12 trường hợp đã tử vong. Bên cạnh đó số ca nghi mắc tử vong còn cao hơn nhiều. WHO cảnh báo cả thế giới cần đặc biệt cẩn trọng và đề phòng Virus Marburg vì nó có nguy cơ trở thành dịch bệnh có thể bùng phát toàn cầu trong thời gian tới.
Marburg là Virus gì, lây lan như thế nào và ai dễ bị nhiễm bệnh?
Trả lời báo Thanh niên, TS.BS Phùng Mạnh Thắng - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết virus Marburg là một loại RNA virus thuộc họ Filovirus, gây bệnh sốt xuất huyết tương tự như Ebola. Đây là loại virus không mới, được ghi nhận lần đầu vào năm 1967, khi dịch sốt xuất huyết bùng phát đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt (Đức) cũng như ở Belgrade, Nam Tư (nay là Serbia). Tuy nhiên qua thời gian hằng năm có những đợt bùng phát dịch ở các nước Tây Phi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Marburg thường được truyền sang người từ dơi ăn quả thông qua nhiều cơ chế. Dơi ăn quả bị nhiễm bệnh có thể lây lan vi rút Marburg sang các động vật khác (ví dụ: khỉ) trực tiếp hoặc gián tiếp. Nhiễm virus Marburg có thể xảy ra ở người sau khi tiếp xúc lâu với môi trường có dơi ăn quả châu Phi sinh sống, chẳng hạn như mỏ hoặc hang động; tiếp xúc gần gũi với động vật bị nhiễm bệnh; tiếp xúc với chất dịch cơ thể của động vật bị nhiễm bệnh; thông qua các sản phẩm thực phẩm bị ô nhiễm.
Sự lây lan từ người sang người của virus Marburg là vấn đề đáng lo ngại nhất. Người bị nhiễm bệnh có thể lây lan virus sang người khác thông qua trao đổi máu hoặc chất dịch cơ thể (ví dụ: giọt bắn từ đường hô hấp, nước tiểu, mồ hôi, nước bọt, tinh dịch, phân, chất nôn và sữa mẹ) qua da hoặc màng nhầy. Marburg cũng có thể lây lan giữa người với người thông qua các đồ vật bị nhiễm chất dịch cơ thể, chẳng hạn như quần áo, giường ngủ và đồ dùng.
Đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất chính là người có tiếp xúc gần trực tiếp với người mắc bệnh, chủ yếu là người thân hoặc nhân viên y tế.
Triệu chứng, khả năng tiến triển, lây lan
Thời gian ủ bệnh dao động từ 2 đến 21 ngày. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau họng, suy nhược và đau cơ, tiêu chảy có máu hoặc không có máu, đau bụng, buồn nôn và nôn, phát ban. Nhiều người có thể phát triển các dấu hiệu và triệu chứng xuất huyết nghiêm trọng từ 5 đến 7 ngày sau khi phát bệnh, chẳng hạn như bầm tím và chảy máu từ mắt, tai, mũi, miệng hoặc trực tràng.
Theo thời gian, các dấu hiệu và triệu chứng có thể ngày càng nghiêm trọng và có thể bao gồm đau ngực, sụt cân nghiêm trọng, lú lẫn, co giật, sốt cao kéo dài, viêm một hoặc cả hai tinh hoàn (ở những trẻ được chỉ định là nam giới khi sinh), sốc và suy đa cơ quan. Trong những trường hợp tử vong, người bệnh có thể tử vong 8 đến 9 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng, điển hình là do mất máu nghiêm trọng. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, đã được WHO ghi nhận là lên đến 88% trong các đợt bùng phát trước.
Ảnh minh họa.
Những người sống sót sau nhiễm Marburg thường phục hồi chậm vì virus thường tồn tại trong cơ thể trong vài tuần. Các cá nhân có thể gặp các dấu hiệu và triệu chứng lâu dài, chẳng hạn như rụng tóc, viêm gan, suy nhược, mệt mỏi, đau đầu, viêm mắt và tinh hoàn.
Trong giai đoạn đầu nhiễm Marburg, việc phát hiện virus có thể được thực hiện thông qua bệnh phẩm ngoáy họng và mũi, mẫu dịch não tủy, mẫu nước tiểu hoặc mẫu máu. Các mẫu được lấy từ những người bị MVD là một mối nguy sinh học và phải được xử lý cũng như thử nghiệm trong các điều kiện ngăn chặn sinh học tối đa.
Không có vaccine phòng bệnh và chưa có cách chữa bệnh
Hiện tại, không có vaccine để bảo vệ chống lại virus Marburg hoặc hạn chế sự lây lan từ những người mắc bệnh. Cũng không có bất kỳ phương pháp điều trị bằng thuốc nào được phê duyệt đối với nhiễm virus Marburg. Điều trị Marburg chỉ giới hạn trong chăm sóc hỗ trợ, thường là sau khi nhập viện, bao gồm để người bệnh nghỉ ngơi, bù nước, thở oxy và điều trị các triệu chứng cụ thể khi khởi phát.
Thuốc hỗ trợ để giảm đau và hạ sốt, kiểm soát buồn nôn và nôn cũng có thể được sử dụng. Dịch truyền tĩnh mạch và/hoặc đường uống có thể được cung cấp để thay thế lượng dịch bị mất, ổn định chất điện giải và duy trì huyết áp. Truyền máu cũng có thể được cung cấp để thay thế máu và các yếu tố đông máu bị mất.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh do virus Marburg tại các nước châu Phi, Bộ Y tế đã ra công văn yêu cầu các địa phương trong cả nước có biện pháp tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh, ngay khi nhận được yêu cầu của Bộ Y tế đã lập tức kích hoạt quy trình giám sát, phát hiện sớm và phòng ngừa lây lan bệnh do virus Marburg trong toàn thể bệnh viện.
Trả lời trên báo Vietnamnet, Tiến sĩ, bác sĩ Phùng Mạnh Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy, cơ sở y tế này là bệnh viện tuyến cuối nên nguy cơ tiếp xúc với ca nhiễm rất cao, không chỉ với Marburg mà nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Ví dụ, hai ca mắc Covid-19 đầu tiên năm 2020 cũng được ghi nhận tại cơ sở này.
TS.BS Phùng Mạnh Thắng, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Chợ Rẫy) - Ảnh: VGP/Minh Thi.
Do đó, bệnh viện đã xây dựng quy trình ứng phó để phát hiện sớm ca nhiễm Marburg, đặc biệt tại khu vực cấp cứu và phòng khám.
Cụ thể, bệnh viện đã tiến hành tập huấn, cảnh báo cho nhân viên về khả năng lây nhiễm của bệnh Marburg; tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm các ca bệnh xâm nhập thông qua khai thác tiền sử dịch tễ và triệu chứng lâm sàng.
Bệnh viện sẽ lập tức tiến hành cách ly người bệnh, bác sĩ truyền nhiễm và kiểm soát sẽ tiến hành hội chẩn để có phương án điều trị phù hợp. Nhân viên y tế phải sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân phòng ngừa lây truyền virus qua đường tiếp xúc và giọt bắn.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm