Ngày 16/12, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) tổ chức đến thăm hỏi, tặng quà các hộ dân được nhận tài trợ vốn vay không lãi suất của "Quỹ hỗ trợ cộng đồng David Dương" tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
Đồng vốn thoát nghèo
Những ngày cuối năm, chúng tôi đến tham quan mô hình trồng rau củ quả của gia đình ông Châu Văn Xuân 62 tuổi, ngụ ấp 4, xã Mỹ Thạnh không khỏi bất ngờ, bởi mảnh ruộng khô cằn trước đây đã phủ xanh rờn những dàn khổ qua, bầu bí… đang độ thu hoạch. Ông cho biết, sau đợt thu hoạch này sẽ cải tạo lại đất để chuẩn bị cho mùa Tết 2023. Với thời tiết như hiện nay thuận lợi để khổ qua, mướp phát triển, cho năng suất khá.
Mười năm trước, ông Xuân trồng lúa với diện tích nhỏ, giá cả không ổn định nên luôn thiếu trước hụt sau. Năm năm qua, ông đi nhiều nơi học tập cách trồng hoa màu, sau đó lên liếp mảnh ruộng, chuyển sang trồng mướp, khổ qua. Điều làm ông vui mừng hơn là được Hội Nông dân huyện hỗ trợ vay vốn 10 triệu đồng từ "Quỹ hỗ trợ cộng đồng David Dương" trong thời gian 2 năm để đầu tư vào mô hình trồng trọt. Ông Châu Văn Xuân, cho biết thêm: “Không có vốn thì không thể làm gì được. Ngay sau khi được Hội nông dân huyện tạo điều kiện cho gia đình được tiếp cận nguồn vốn từ "Quỹ hỗ trợ cộng đồng David Dương", vợ chồng tôi mạnh dạn đầu tư trồng trọt. Gia đình chúng tôi có cuộc sống sung túc hơn trước với thu nhập gần 100 triệu đồng/năm”.
Cũng là người được nhận vốn vay 10 triệu đồng từ "Quỹ hỗ trợ cộng đồng David Dương" do Hội Phụ nữ huyện Thủ Thừa kết nối, bà Đinh Thị Bích Thủy 60 tuổi, ngụ ấp 2, xã Mỹ Thạnh đầu tư chăn nuôi bò, tăng gia sản xuất, cho biết, gia đình có mảnh ruộng nhỏ trồng nếp nhưng thu hoạch bấp bênh. Từ khi vay được 10 triệu đồng và gom góp tiền dành dụm được mua được 2 con bò cái về nuôi. Bà Bích Thủy, cho biết thêm: “Việc chăm sóc bò cũng đơn giản, chỉ cắt cỏ và không tốn nhiều chi phí như nuôi heo, gà… Đến nay đã bán được ba đợt, mỗi con từ 13-19 triệu đồng, thu nhập khoảng 50 triệu đồng, đủ khả năng hoàn vốn cho quỹ”.
Đồng hành cùng nhà nông
Tại Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đủ các loại rau củ quả của nông dân được tập kết về đây, sau khi sơ chế sẽ giao cho các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn tỉnh Long An và những vùng lân cận. Ông Nguyễn Xuân Cường, Giám đốc hợp tác xã cho biết, hợp tác xã có 40 hội viên tham gia, trong đó 12 xã viên được vay vốn của "Quỹ hỗ trợ cộng đồng David Dương".
Theo ông Cường, trung bình mỗi ngày hợp tác xã thu mua từ 4-5,5 tấn rau của các xã viên, trong đó chủ lực vẫn là rau ăn quả như khổ qua, bầu bí, mướp, dưa leo… Sản phẩm được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, quản lý bằng phần mềm hiện đại. Tất cả sản phẩm đều được kiểm tra lấy mẫu, lưu mẫu theo đúng quy định của ngành chức năng. Do hợp tác xã đã ký kết được với các nhiều siêu thị lớn nên đầu ra ổn định, không lo chuyện “được mùa mất giá”.
Từ chỗ không có thu nhập, đến nay, doanh thu của hợp tác xã tăng nhanh qua từng năm. Hiện tại, doanh thu của hợp tác xã là 14 tỷ đồng trong năm 2022. Một số sản phẩm như bí đỏ, bí xanh, đậu ve còn xuất khẩu sang Hàn Quốc thông qua đơn vị thứ ba; trung bình 2 tuần xuất đi một lần từ 2-3 tấn. Ông Nguyễn Xuân Cường, thông tin: “Trước khi chuyển đổi mô hình trồng rau ăn quả, nông dân xã Mỹ Thạnh đa số trồng lúa với thu nhập không cao, nhưng từ 5 năm qua, được trợ vốn từ "Quỹ hỗ trợ cộng đồng David Dương", nông dân rất phấn khởi. Tôi mong nếu có thể, nguồn vốn này sẽ được mở rộng đến với nhiều nông dân hơn, để ai cũng có “cần câu” làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, Nguyễn Văn Như, cho biết: “Trước đây nông dân khó khăn về vốn để đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao. Nhờ nguồn vốn của "Quỹ hỗ trợ cộng đồng David Dương" đã xây dựng mô hình trồng rau củ quả với 12 hộ được vay trong vòng 2 năm, mức vay từ 10-50 triệu đồng/hộ. Từ đó các hộ nông dân có thêm trợ lực, cố gắng thay đổi phương thức sản xuất, vươn lên và đạt hiệu quả kinh tế cao”.
Theo ông David Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), mục đích của quỹ nhằm đồng hành, chia sẻ cùng nông dân vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Thay vì cho con cá, quỹ sẽ giúp nông dân có cái cần câu. Không có niềm vui nào hơn khi đồng vốn được quay vòng, mỗi ngày có thêm những gia đình thoát nghèo, các con được an tâm đến trường… Những người quản lý quỹ cũng cảm thấy vui vì những việc làm của mình thật sự có ý nghĩa.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm